Ô nhiễm vi nhựa tại các đại dương đang tăng với cấp số nhân
Hạt nhựa siêu nhỏ-vi nhựa (microplastics) và nước thải đã qua xử lý của các nhà máy hạt nhân được coi là những mối đe dọa lớn tiềm ẩn đối với sức khỏe con người.
Nâng cao nhận thức về ô nhiễm vi nhựa
Thông tấn xã Việt Nam dẫn phân tích của Giáo sư, Tiến sĩ Zaidi Embong thuộc Khoa Khoa học và Công nghệ Ứng dụng tại Đại học Tun Hussein Ong, Malaysia (UTHM) cho thấy, cả hai loại ô nhiễm đều có khả năng phá vỡ hệ sinh thái sinh vật biển và thậm chí ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.
Bản chất của nhựa rất khó phân hủy, thậm chí sinh vật biển có thể dễ dàng nhầm lẫn nhựa là thức ăn và ăn phải, khiến nhựa tích tụ trong cơ thể và mô của chúng. Tệ hơn nữa, rủi ro sức khỏe xảy ra khi sinh vật trở thành nguồn thực phẩm cho con người.
Theo thống kê của "The World in Data-OWD", mỗi năm có tổng cộng 8 triệu tấn (tương đương 3% lượng rác thải nhựa toàn cầu) đổ ra đại dương thông qua các nguồn rác thải khác nhau.
Ở Malaysia, người ta ước tính rằng mọi người sử dụng tổng cộng 9 tỷ vật liệu nhựa mỗi năm, một phần lớn trong số đó đổ ra biển.
Hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn 20 micron có thể xâm nhập vào cơ, mô… gây nguy hiểm cho hệ hô hấp, mạch máu, thận và hệ tiêu hóa của con người.
Giáo sư Zaidi cũng cho rằng ngoài vấn đề hạt vi nhựa, các nhà bảo vệ môi trường cũng nên quan tâm đến vấn đề liên quan đến việc xả nước đã xử lý từ nhà máy điện hạt nhân ra biển.
Mặc dù nước thải được lọc để loại bỏ hầu hết các đồng vị phóng xạ nhưng trong nước vẫn còn một lượng lớn đồng vị tritium khó phân tách.
Nước bị ô nhiễm bởi đồng vị phóng xạ tritium có thể làm hỏng hệ sinh thái biển và chuỗi thức ăn biển, thậm chí tạo ra chất gây ung thư, và toàn bộ chuỗi thức ăn gây ra rủi ro tương tự cho con người.
Theo Giáo sư Zaidi, người dân Malaysia sẽ không tránh khỏi những rủi ro nói trên nếu nhận thức còn thấp và không có hành động sớm để ngăn chặn.
Ông hy vọng rằng trong tương lai, các chiến dịch nâng cao nhận thức về sức khỏe khi tiếp xúc với ô nhiễm và chất thải hạt nhân và cơ chế giám sát chất lượng nước thường xuyên sẽ được thiết lập để bảo vệ lợi ích cộng đồng.
Xu hướng đáng báo động
Một nghiên cứu do Viện 5 Gyres (Mỹ) công bố ngày 8/3 cho thấy trong năm 2019, có khoảng 171 nghìn tỷ hạt vi nhựa trôi nổi trong đại dương.
Nghiên cứu dự đoán rằng đến năm 2040, lượng ô nhiễm nhựa ở các đại dương có thể tăng lên gấp 2,6 lần nếu không có các chính sách toàn cầu ràng buộc để hạn chế.
Lượng rác thải nhựa đổ ra các đại dương trên thế giới đã tăng với tốc độ chưa từng thấy kể từ năm 2005 và có thể tiếp tục tăng gần gấp ba vào năm 2040 nếu thế giới không hành động quyết liệt hơn.
Nghiên cứu dự đoán lượng ô nhiễm nhựa ở các đại dương có thể tăng 2,6 lần vào năm 2040.
Nghiên cứu dựa trên dữ liệu ô nhiễm nhựa bề mặt từ 11.777 trạm giám sát biển trên sáu đại dương từ năm 1979 đến 2019.
Người đồng sáng lập 5 Gyres, Marcus Eriksen, cho biết nhóm đã nhận thấy xu hướng đáng báo động về sự gia tăng theo cấp số nhân của vi hạt nhựa trong các đại dương trên thế giới kể từ đầu những năm 2000.
Ông nhấn mạnh, thực tế này đòi hỏi phải có một hiệp ước toàn cầu ràng buộc về mặt pháp lý để giải quyết tận gốc ô nhiễm nhựa.
Vi nhựa đặc biệt nguy hiểm đối với các đại dương, không chỉ gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước mà còn hủy hoại ruột động vật biển khi ăn phải.
Các chuyên gia cho biết nghiên cứu cho thấy ô nhiễm nhựa trong đại dương đang bị đánh giá thấp.
Nhà khoa học Paul Harvey, chuyên gia về nhựa tại Công ty Tư vấn Giải pháp Khoa học Môi trường (Úc) cho biết, nghiên cứu này đưa ra những con số đáng ngạc nhiên và ngoài sức tưởng tượng.
Vào tháng 11 năm 2022, Liên Hợp Quốc đã khởi động các cuộc đàm phán ở Uruguay để tìm giải pháp chung cho vấn đề ô nhiễm nhựa, với mục tiêu có thể đạt được một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý vào cuối năm 2024.
Nhà vận động môi trường Greenpeace cho biết sản xuất nhựa sẽ tiếp tục tăng nếu không có hiệp ước toàn cầu, theo đó sản lượng có thể tăng gấp đôi trong 10 đến 15 năm tới và thậm chí gấp ba vào năm 2050.
Vào ngày 5 tháng 3, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cuối cùng đã phê chuẩn văn bản của hiệp ước quốc tế đầu tiên nhằm bảo vệ các đại dương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google