Rác thải nhựa khiến hàng triệu người có nguy cơ đối mặt với lũ lụt thường xuyên và dữ dội hơn
Ước tính có hơn 200 triệu người trên thế giới phải đối mặt với lũ lụt thường xuyên và nghiêm trọng hơn do rác thải nhựa làm tắc hệ thống thoát nước.
Theo The Guardian, năm 2005, từng có một trận lũ lụt kinh hoàng giết chết 1.000 người ở thành phố Mumbai của Ấn Độ do một nguyên nhân không ngờ tới: rác thải nhựa đã chặn cống thoát nước khiến lũ không thể thoát ra khỏi thành phố.
Gần đây, một báo cáo mới của công ty tư vấn môi trường Resource Futures và tổ chức cứu trợ quốc tế Tearfund đã định lượng vấn đề này. Theo đó, ước tính có đến 218 triệu người nghèo nhất thế giới có nguy cơ đối mặt với lũ lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn do rác thải nhựa gây ra. Con số này tương đương với dân số của Anh, Pháp và Đức cộng lại. Trong đó, có khoảng 41 triệu trẻ em, người già và người khuyết tật. 3/4 những người có nguy cơ cao nhất sống ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương.
Kết quả phân tích dữ liệu của các nhà nghiên cứu cho thấy rác thải nhựa là "nhân tố nguy cơ cao" gây lũ lụt tại một số cộng đồng ở Cameroon, Nigeria, Congo, Ghana, Bangladesh và Indonesia.
Để xác định những khu vực có nguy cơ cao nhất, họ đã sử dụng một nghiên cứu về lũ lụt và nghèo đói do chuyên gia kinh tế học cấp cao Jun Rentschler và cộng sự thực hiện. Theo đó, các nhà khoa học ước tính 1,8 tỉ người có nguy cơ lũ lụt cao ở 188 quốc gia.
Nghiên cứu mới thu hẹp phân tích vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với hệ thống thoát nước đô thị, quản lý chất thải rắn và vệ sinh không đầy đủ. Để tập trung vào các nhóm dân cư có nguy cơ cao nhất do rác thải nhựa làm trầm trọng thêm nguy cơ lũ lụt, họ cũng loại trừ các quốc gia có lượng rác thải được quản lý kém dưới 1kg/người/năm và tập trung vào các khu ổ chuột đô thị.
Ông Rich Gower - nhà kinh tế cấp cao, chuyên gia tư vấn chính sách tại Tearfund cho biết: "Trên khắp thế giới, từ Brazil đến Congo, từ Malawi đến Bangladesh, ô nhiễm nhựa đang khiến lũ lụt trở nên tồi tệ hơn. Nếu không có hành động quyết đoán, vấn đề này sẽ ngày càng trở nên trầm trọng hơn".
Ô nhiễm chất thải nhựa đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua và được dự đoán sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2060. Trong khi đó, chỉ có khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn cầu.
Ông Gower cho biết: "Mục đích của báo cáo là đưa ra mức độ nghiêm trọng cho số người có nguy cơ mắc bệnh. Điều chúng tôi muốn cảnh báo là ô nhiễm nhựa ảnh hưởng nghiêm trọng đến những cộng đồng nghèo nhất, bị thiệt thòi nhất. Những cộng đồng này phải chống chịu với gánh nặng ô nhiễm nhựa đáng báo động".
Theo đồng tác giả Brendan Cooper - nhà tư vấn tại Resource Futures, một số khu vực đô thị phải hứng chịu những tác động tồi tệ nhất của lũ lụt gây ra bởi rác thải nhựa do quá trình phát triển nhanh chóng, thiếu kế hoạch quản lý và cơ sở hạ tầng chống lũ lụt hạn chế.
Ô nhiễm nhựa tại các khu ổ chuột tại nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình cũng dẫn đến những vấn đề sức khỏe như các bệnh về đường tiêu hóa (dịch tả, tiêu chảy...). Điển hình là các khu ổ chuột đông dân cư ở Nam Á, Đông Á, Thái Bình Dương và châu Phi cận Sahara.
Hiện nay, hơn 1 tỉ người đang sống trong các khu ổ chuột trên toàn cầu và con số này dự kiến sẽ đạt 3 tỉ vào năm 2050.
Báo cáo cho thấy các vật dụng bằng nhựa phổ biến nhất làm tắc hệ thống thoát nước là chai lọ, sợi nilon từ lưới đánh bắt cá, các loại túi nhựa. Nghiên cứu cũng cảnh báo sự tích tụ rác thải nhựa có thể khiến mực nước tăng 1m chỉ trong giờ đầu tiên sau một trận lũ lụt.
Với việc công bố những ước tính "thực tế và thận trọng" này, ông Gower kêu gọi các quốc gia trên toàn thế giới cùng nhau đàm phán một hiệp ước ràng buộc về mặt pháp lý đối với nhựa, xem xét những cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi ô nhiễm nhựa. "Thông qua hiệp ước về nhựa, các nhà lãnh đạo thế giới có cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng này bằng cách giảm sản xuất nhựa và đảm bảo phần còn lại được thu gom và tái chế một cách an toàn" - ông Gower nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google