Nhu cầu vốn hạ tầng giao thông đô thị của vùng Đông Nam Bộ gần 750 nghìn tỉ đồng

Trang Linh
15:28 - 18/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 18/7, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thông tin về nhu cầu vốn hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, trong đó bao gồm quy hoạch, nâng cấp vận tải đường cao tốc, đường sắt, đường thủy và đường hàng không.

Phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Đông Nam Bộ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thông tin về nhu cầu vốn đầu tư và các giải pháp hoàn thiện mạng lưới giao thông vùng Đông Nam Bộ. 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ hơn 700.000 tỉ đồng

Theo quy hoạch, dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ khoảng 738.500 tỉ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 342.000 tỉ đồng và giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 396.5000 tỉ đồng. Nguồn lực này sẽ tập trung đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng, tạo động lực lan tỏa.

giao thông vùng đông nam bộ

Giao thông vùng Đông Nam Bộ còn tồn tại nhiều điểm nghẽn. Ảnh: Yến Phương

Về đường bộ, ông Nguyễn Văn Thắng cho rằng cần tập trung hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh nối với các cửa ngõ, các đầu mối giao thông quan trọng và các đường vành đai.

Trong đó, ưu tiên các dự án giao thông như Vành đai 3, Vành đai 4, Bến Lức - Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Cát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy hoạch.

Cải thiện hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, cần nâng cấp hiệu quả khai thác đường sắt, đường thủy và hàng không

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, để cải thiện hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ, cần nâng cấp, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh. 

Ngoài ra, cần sớm nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu nối Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai với Thành phố Vũng Tàu ra cảng Cái Mép - Thị Vải, tuyến đường sắt Thành phố Hồ chí Minh - Cần Thơ.

Về đường thủy nội địa, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu định hướng cải tạo, nâng cấp và hoàn thành các luồng tuyến vận tải thủy nội địa như các tuyến Thành phố Hồ Chí Minh đi Kiên Lương, Thành phố Hồ Chí Minh đi Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh đi Bến Kéo...

Cùng với đó, đầu tư và nâng cấp các cảng thủy nội địa như cảng Phú Định, Nhơn Đức, Long Bình, Tân An, Bến Súc, các cảng tại Long An, Tây Ninh... để thu gom, giải tỏa hàng hóa cho các cảng biển lớn trong vùng.

Về hàng không, đầu tư đưa vào khai thác nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất, sân bay Long Thành giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để nâng công suất lên 50 triệu hành khách/năm.

Bình luận của bạn

Bình luận