Tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ: Chưa đạt kỳ vọng

Quang Minh
07:07 - 12/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội nghị Ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam Bộ.

Xác định Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn với tổng GDP năm 2022 chiếm 30,8% cả nước, vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 40,4%, thu ngân sách chiếm 45% tổng thu ngân sách cả nước, Ngân hàng Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp tại đây.

Tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng chậm lại

Báo cáo tại hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, với mạng lưới gần 3.500 chi nhánh tổ chức tín dụng, phòng giao dịch, quỹ tín dụng nhân dân, tính đến hết quý I/2023, huy động vốn của các ngân hàng khá tốt, đạt 12,4 triệu tỷ đồng. Thanh khoản hệ thống dồi dào, các ngân hàng có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay. Tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 12,28 triệu tỷ đồng, tăng 3,04% so với cuối năm 2022, tăng 9,92% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế vùng đang có xu hướng chậm lại và thấp hơn cả nước. Đặc biệt, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2023 vẫn ở mức thấp.

Tăng trưởng vùng Đông Nam Bộ: Chưa đạt kỳ vọng - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú báo cáo tại hội nghị.

Tình hình huy động vốn khu vực giảm 0,75% so với cuối năm 2022 (khoảng 4,1 triệu tỷ đồng); tín dụng đạt gần 4,3 triệu tỷ đồng, chiếm gần 35% dư nợ toàn quốc, tăng 1,72% so với cuối năm 2022 (thấp hơn mức tăng chung của cả nước quý I là 2,61%).

Nguyên nhân tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn ở mức thấp do những khó khăn chung và một số khó khăn đặc thù của khu vực Đông Nam Bộ.

Theo phân tích, những khó khăn, thách thức bao gồm xu hướng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và thấp hơn cả nước; sản xuất, xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng giảm sút, giá nguyên vật liệu đầu vào duy trì ở mức cao.

Khó khăn lớn nhất đến từ thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng. Hoạt động mua - bán đều giảm; dòng vốn giải ngân đầu tư công còn chậm, ước 4 tháng 2023 giải ngân khoảng 10.805 tỷ đồng, đạt 9,26% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình cả nước là 15,65%.

Cần nhiều chính sách thúc đẩy nền kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Tại Hội nghị, lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong vay vốn và phân tích các nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp.

Doanh nghiệp ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi do nhu cầu về tín dụng thấp và tâm lý e ngại làm việc với các cơ quan chức năng. Đối với bất động sản, người mua bây giờ cũng ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi cho người mua nhà…

Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin, trên địa bàn thành phố có gần 50% số doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng, giữ lao động và gần như không có nhu cầu tín dụng, chủ yếu do không có thị trường, không có hiệu quả. Một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu về vốn lưu động để giải quyết các yêu cầu thanh toán ngắn hạn hoặc tạo tính thanh khoản. Có khoản vay đến hạn nhưng thanh toán gặp khó khăn do hàng bán không được hoặc bán nhưng mà chưa được thanh toán.

Ngoài ra, doanh nghiệp ngại tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi do nhu cầu về tín dụng thấp và tâm lý e ngại làm việc với các cơ quan chức năng. Đối với bất động sản, người mua bây giờ cũng ngại vay và mong muốn có chính sách ưu đãi cho người mua nhà…

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong thời gian qua, các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đều hướng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, kịp thời cung ứng vốn tín dụng để góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm vẫn thấp, chưa đạt kỳ vọng.

Để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; thực hiện các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả.

Riêng khu vực Đông Nam Bộ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ngành, thành phố cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tại các ngân hàng thương mại, đồng thời tăng cường các hoạt động kết nối ngân hàng với doanh nghiệp, người dân để nâng cao khả năng tiếp cận vốn.

Nguồn: Nhân Dân, SBV, Cổng TTĐT TPHCM