Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế khủng

PV
14:30 - 08/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều doanh nghiệp viện dẫn lý do khó khăn không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế vào ngân sách nhà nước, trong đó các doanh nghiệp bất động sản có tỉ lệ nợ khủng nhất.

Lùm xùm ở nhiều dự án bất động sản lớn

Tin từ Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh với báo giới, từ đầu năm đến nay, Cục này đã công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế 2 đợt, với tổng số nợ lên tới hơn 6.000 tỉ đồng.

Gần đây nhất, ngày 15/5, Cục công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế chây ỳ đợt 2/2022. Theo đó, có 30 doanh nghiệp nợ thuế, với tổng số tiền thuế nợ, tiền phạt, tiền chậm nộp lên đến 1.911 tỉ đồng.

Trong số này có 3 doanh nghiệp nợ thuế trên 300 tỉ đồng, trong đó, Công ty cổ phần Phát triển và kinh doanh nhà (HDTC) nợ trên 351 tỉ đồng; Công ty TNHH MTV Thảo Cầm Viên Sài Gòn nợ 339,3 tỉ đồng; Công ty Cổ phần Đức Khải nợ 334,3 tỉ đồng. Đây cũng là những doanh nghiệp "quen mặt" nằm trong danh sách nợ của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với 3 doanh nghiệp nợ thuế khủng nêu trên, có 8 doanh nghiệp có số nợ từ trên 20 - 50 tỉ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mê Kông nợ 49,5 tỉ đồng.

Tại Hà Nội, Cục Thuế Thành phố Hà Nội vừa tiếp tục thực hiện công khai lần đầu nợ thuế đối với 281 người nộp thuế, với tổng số nợ khó thu và khả năng thu trên 112 tỉ đồng và danh sách 136 người nộp thuế sau khi thực hiện công khai trong năm 2022 đến thời điểm rà soát đã nộp hết nợ vào ngân sách nhà nước.

Đáng chú ý, trong danh sách công khai 205 người nộp thuế chây ỳ đợt này, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Long Giang (Long Giang Land, mã chứng khoán: LGL-HOSE), nợ gần 55 tỉ đồng, chiếm đến gần 70% số nợ thuế trong danh sách này.

Trong đó, Long Giang Land nợ thuế thu nhập doanh nghiệp gần 16 tỉ đồng; nợ gần 14 tỉ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp từ chuyển nhượng bất động sản; nợ gần 7 tỉ đồng thuế giá trị gia tăng; nợ hơn 6,5 tỉ đồng tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng; nợ hơn 6 tỉ đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các khoản nợ khác…

Đồng thời, trong hai ngày 28 và 29/7, Cục Thuế thành phố Hà Nội cũng đã ban hành 9 quyết định xử phạt Tập đoàn FLC số tiền 11,5 triệu đồng vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân và cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của FLC tổng số tiền gần 72 tỉ đồng.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế khủng - Ảnh 1.

Dự án khu đô thị Ocean Park Vân Đồn do Công ty TNHH Quan Minh làm chủ đầu tư.

Đán chu ý, ngoài thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, nhiều cục thuế khác trên cả nước cũng công khai doanh nghiệp nợ đọng thuế, trong đó có nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế khủng.

Điển hình ngày 29/7 vừa qua, Cục Thuế Quảng Bình ban hành 3 quyết định cưỡng chế gần 224 tỉ đồng đối với FLC. Lý do là công ty có số tiền quá hạn nộp phải thực hiện cưỡng chế theo quy định.

Tại Quảng Ninh, Cục Thuế Quảng Ninh vừa công khai danh sách 498 người nợ thuế kỳ tháng 6/2022. Trong đó, Công ty TNHH Quan Minh nợ trên 195,4 tỉ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Hạ Long nợ trên 35,2 tỉ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư Hồng Nguyên nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài nợ trên 26,2 tỉ đồng; Công ty cổ phần đầu tư và phát triển bất động sản Hồng Hải Quảng Ninh nợ trên 15,2 tỉ đồng...

Nợ thuế vẫn có chiều hướng tăng

Theo Tổng cục Thuế, tổng số tiền thuế nợ ước tại thời điểm 31/7/2022 đang tăng so với thời điểm 31/12/2021, một phần do phát sinh tiền chậm nộp tính 0,03%/ ngày trên tổng số tiền nợ thuế. Một số người nộp thuế thuộc ngành nghề được gia hạn nộp thuế chưa nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP, nên vẫn theo dõi nợ thuế làm tổng số nợ thuế tăng lên.

Tổng cục Thuế cho biết thêm, các khoản nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản của một số dự án do có vướng mắc chưa đi vào hoạt động, khai thác, nên người nộp thuế chưa nộp tiền vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật cơ quan thuế tính nợ theo thông báo nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Một số khoản tiền thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn nộp thuế cơ quan thuế các cấp đã thực hiện biện pháp đôn đốc thu, nhưng người nộp thuế vẫn còn khó khăn về dòng tiền, chưa nộp được tiền thuế đã được gia hạn vào ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, còn có một số người nộp thuế lợi dụng ảnh hưởng của dịch bệnh không hợp tác với cơ quan thuế trong công tác thu nợ thuế, nên để nợ thuế dây dưa, kéo dài.

Theo Tổng cục Thuế, các biện pháp cưỡng chế tiếp theo như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên, thu tài sản của đối tượng bị cưỡng chế gặp khó khăn, không thực hiện được vì người nộp thuế không còn tài sản, hay tài sản đã thế chấp tại các tổ chức tín dụng.

Nguồn: VGP