Nhiều đề kiểm tra Ngữ văn còn sạn: Có phải do Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH chưa rõ ràng?

Phan Anh
11:10 - 14/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH quy định "tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết" phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn.

Nhiều đề kiểm tra Ngữ văn còn sạn: Có phải do Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH chưa rõ ràng?- Ảnh 1.

Giáo viên cần hiểu rõ quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo qua Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH để dạy môn Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Fexels

Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH khiến đề kiểm tra Ngữ văn còn "sạn"?

Sau một số sự cố trong việc ra đề kiểm tra môn Ngữ văn bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông ở một số địa phương trên cả nước, trên một diễn đàn, một số giáo viên cho rằng Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH quy định "tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết" là bất cập.

Trả lời truyền thông mới đây, một cán bộ Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhận định rằng việc "hành chính" hóa cách ra đề theo hướng đồng loạt, rập khuôn, máy móc theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH khiến giáo viên bị hạn chế không gian trong sáng tạo đề thi.

"Tưởng là đổi mới nhưng lại vẫn cũ, giáo viên bị đóng khung về nguồn ngữ liệu. Chưa nói đến việc không thúc đẩy sáng tạo, với tinh thần công văn đó, giáo viên sẽ hiểu phiến diện về cách ra đề thi", cán bộ này nhận định.

Không được lấy ngữ liệu trong sách giáo khoa đã được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn

Tuy vậy, việc quy định lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để ra đề kiểm tra, đề thi đã được đề cập trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 môn Ngữ văn chứ không riêng gì Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH.

Theo đó, "Trong việc đánh giá kết quả học tập cuối năm học, cuối cấp học, cần đổi mới cách thức đánh giá (cấu trúc đề, cách nêu câu hỏi, phân giải độ khó,...); sử dụng và khai thác ngữ liệu bảo đảm yêu cầu đánh giá được năng lực của học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép tài liệu có sẵn; tránh dùng lại các văn bản ngữ liệu đã học để đánh giá được chính xác khả năng đọc hiểu và phân tích, cảm thụ tác phẩm văn học."

Nhiều giáo viên vẫn chưa rõ tinh thần Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH

Cùng với đó, không ít giáo viên (kể cả chuyên viên, tổ trưởng chuyên môn) vẫn chưa hiểu rõ tinh thần Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH nên việc ra đề kiểm tra còn rập khuôn, máy móc.

Điều này đã được đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với truyền thông như sau: "Không phải giáo viên không được dùng văn bản khác của những tác phẩm đã được học trong sách giáo khoa.

Ví dụ, một tác phẩm văn học dài mà trong SGK đã đưa trích đoạn đó vào dạy học thì giáo viên không lấy trích đoạn đó để ra đề đọc hiểu, viết chứ không phải là không được lấy trích đoạn khác trong tác phẩm văn học đó để ra đề."

Nói một cách dễ hiểu, ví dụ, sách giáo khoa Ngữ văn 11 (tập 1) dạy đoạn trích "Sống hay không sống – đó là vấn đề" (trích Hăm-lét, Sếch-xpia) thì giáo viên không được lấy đoạn trích này để ra đề kiểm tra. Tuy vậy, giáo viên hoàn toàn được phép lấy đoạn trích khác của vở kịch Hăm-lét để ra đề kiểm tra.

Một số lưu ý khi ra đề kiểm tra Ngữ văn theo Công văn 3175/BGDĐT-GDTrH

Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngữ liệu để ra đề kiểm tra môn Ngữ văn là không thiếu. Bởi vì, kho tàng văn học Việt Nam rất đa dạng, phong phú, giáo viên có thể lựa chọn để ra đề.

"Thầy cô giáo cũng có thể lựa chọn những trích đoạn văn bản khác với văn bản đã in trong sách giáo khoa của cùng một tác phẩm, một tác giả... để làm ngữ liệu đọc hiểu và viết. Các yêu cầu về lựa chọn ngữ liệu đã được các văn bản nêu rõ.

Thứ nhất, giáo viên muốn đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh ở thể loại văn bản nào thì phải chọn thể loại văn bản đó để đánh giá học sinh.

Thứ hai, nội dung của văn bản phải đảm bảo thuần phong mỹ tục, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi của học sinh...

Thầy cô giáo cần nghiên cứu kỹ chương trình, hiểu sâu về chương trình thì việc chọn ngữ liệu không còn khó khăn", đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý.

Theo kinh nghiệm, mỗi giáo viên chỉ cần sưu tầm khoảng 10-15 ngữ liệu hay trong các sách, báo chính thống thì đủ để ra đề kiểm tra cho một khối lớp trong vài ba năm học. Việc cần nhất trước khi cho học sinh làm bài kiểm tra thì đề cần được phản biện qua 2 vòng để tránh những sự cố đáng tiếc như đã từng xảy ra.