Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây tử vong thứ hai toàn cầu

PV
15:41 - 22/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây là ước tính đầu tiên về nguy cơ các bệnh nhiễm khuẩn gây tử vong trên toàn thế giới dựa trên kết quả nghiên cứu mới được công bố ngày 22/11 trên Tạp chí Lancet.

Năm 2019 có 7,7 triệu ca tử vong do nhiễm khuẩn

Nghiên cứu này xem xét các ca tử vong do 33 mầm bệnh vi khuẩn phổ biến và 11 loại nhiễm trùng tại 204 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Kết quả cho thấy các mầm bệnh vi khuẩn trên liên quan đến 7,7 triệu ca tử vong - chiếm 13,6% tổng số ca tử vong toàn cầu trong năm 2019 - một năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. 

Theo đó, nhiễm khuẩn trở thành nguyên nhân gây tử vong cao thứ hai (chỉ sau bệnh tim thiếu máu cục bộ), chiếm khoảng 1/8 số ca tử vong trong năm 2019. Hơn 3/4 số ca tử vong do vi khuẩn là do nhiễm trùng hệ hô hấp dưới, máu hoặc dạ dày.

Đáng chú ý, 5 trong số 33 loại vi khuẩn được nghiên cứu là nguyên nhân dẫn tới 50% số ca tử vong do các bệnh nhiễm khuẩn, gồm Staphylococcus aureus, Escherichia coli, Streptococcus pneumoniae, Klebsiella pneumoniae và Pseudomonas aeruginosa.

Nhiễm khuẩn là nguyên nhân gây tử vong thứ hai toàn cầu - Ảnh 1.

Vi khuẩn Staphylococcus aureus. Ảnh: Kateryna Kon/Shutterstock

Trong đó, nguy hiểm nhất là Staphylococcus aureus (hay còn gọi là vi khuẩn tụ cầu) đã cướp đi sinh mạng của 1,1 triệu người. Đây là một vi khuẩn phổ biến trên da và trong mũi người, thông thường chỉ gây nhiễm trùng da nhẹ. Tuy nhiên, khi các vi khuẩn tụ cầu xâm nhập sâu hơn vào máu, khớp, phổi hay tim thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng, gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.

Nghiên cứu còn cho thấy sự khác biệt khá lớn giữa các vùng giàu - nghèo. Đơn cử, tại khu vực Nam Sahara, số ca tử vong do nhiễm khuẩn là 230 ca trên 100.000 dân, trong khi con số này là 52 ca trên 100.000 dân tại những nơi được xác định là “vùng có thu nhập cao và siêu cao,” như Tây Âu, Bắc Mỹ và Australia.

Tiến sĩ Christopher Murray, đồng tác giả nghiên cứu, Giám đốc Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ, khẳng định dữ liệu trên lần đầu tiên cho thấy thách thức mà các bệnh nhiễm khuẩn gây ra đối với y tế công cộng toàn cầu.

Do đó, cần đưa những kết quả này vào các sáng kiến y tế toàn cầu để có thể nghiên cứu sâu hơn những mầm bệnh có khả năng gây tử vong, cũng như có sự đầu tư thích đáng để giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.

Các tác giả nghiên cứu cũng kêu gọi tăng cường quỹ đầu tư cho các loại vaccine mới, nhằm giảm số ca tử vong do nhiễm khuẩn.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến nghị người dân rửa tay thường xuyên - biện pháp đơn giản nhất để phòng ngừa nhiễm khuẩn.

Không lạm dụng thuốc kháng sinh

Nghiên cứu cũng cảnh báo việc sử dụng kháng sinh tùy tiện khi nhiễm khuẩn có thể gây ra kháng kháng sinh.

Thuốc kháng sinh có tác dụng tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn nên được sử dụng trong điều trị nhiễm trùng và các bệnh do vi khuẩn gây ra.

Tuy nhiên, một số vi khuẩn có khả năng đề kháng tự nhiên với một số loại kháng sinh, hoặc phát triển khả năng đề kháng với các loại kháng sinh từng được sử dụng phổ biến để điều trị chúng.

Kháng kháng sinh xảy ra một cách tự nhiên. Nhưng việc lạm dụng thuốc kháng sinh có thể đẩy nhanh quá trình này.

Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh thường khó điều trị hơn. Các ca bệnh nhiễm trùng nhẹ có thể tiến triển nghiêm trọng hơn, gây nhiễm trùng máu.

Giáo sư Susan Hopkins, cố vấn y tế tại Cơ quan An ninh y tế Anh (UKHSA), khuyến cáo: "Thuốc kháng sinh sẽ không giúp ích cho các triệu chứng cảm lạnh, cúm hoặc COVID-19. Hãy tin tưởng vào các bác sĩ và chỉ dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định. Lạm dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết sẽ khiến bạn có nguy cơ bị nhiễm trùng không thể chữa khỏi."

Nguồn: AFP, DailyMail
Bình luận của bạn

Bình luận