Vi khuẩn Vibrio: rất đáng sợ

Bác sĩ Trần Kiên
06:00 - 02/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 28/9, bão Ian tàn phá nặng nề bang Florida, Mỹ. Sau bão có nhiều ca bệnh do vi khuẩn Vibrio vulnificus - vi khuẩn "ăn thịt người".

Ở hạt Lee, Florida, sau trận bão phát hiện 27 ca bệnh do Vibrio vulnificus, với 4 tử vong. Cơ quan y tế bang Florida khuyến cáo nước lũ, nước đọng sau bão có nhiều Vibrio vulnificus và yêu cầu người dân hết sức đề phòng nguy cơ mắc bệnh. 

Cụ thể, những người có vết thương hoặc vết xước da không lội, tiếp xúc nước đọng. Những người suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh có suy giảm miễn dịch như bệnh gan, thận mãn tính, tiểu đường… cần có trang bị bảo hộ để phòng thương tích ở chân khi va chạm với đá, vỏ sò… trên bãi biển. 

Từ đầu năm tới 22/10, Florida có 65 người nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus, 13 người tử vong và nhiều người phải cắt bỏ chi để ngăn chặn nhiễm trùng lan rộng toàn thân. Năm 2021, Florida có 34 người nhiễm Vibrio vulnificus; 10 tử vong, năm 2020 là 36 ca nhiễm, 7 tử vong.

Vibrio là vi khuẩn nguy hiểm

Vibrio là một chi vi khuẩn Gram âm (không bắt màu khi nhuộm bằng phương pháp Gram) thuộc họ Vibrionaceae, có hình que hoặc như "dấu phảy" nên có khi gọi là phảy khuẩn, là vi khuẩn yếm (kỵ) khí tùy tiện (trao đổi chất không cần oxy, nhưng vẫn có thể sử dụng oxy; những vi khuẩn yếm khí (ví dụ uốn ván, ngộ độc thịt…) thường độc hơn nhiều vi khuẩn ái khí). 

Có các loại chính gây bệnh ở người là Vibrio cholerae, Vibrio vulnificus, Vibrio parahaemolyticus. Trong đó Vibrio cholerae gây bệnh tả (nhân loại trải qua 7 đại dịch tả: 1817-1824; 1826-1837; 1846-1860; 1863-1875; 1881-1896; 1899-1923; 1961-1975; đại dịch hoành hành khắp các quốc gia Á, Âu, Phi, Mỹ, làm chết vài chục triệu người); Vibrio parahaemolyticus gây viêm dạ dày, ruột cấp tính; Vibrio vulnificus gây hoại tử cơ, mô mềm và cả ba đều có thể vào máu, gây nhiễm trùng huyết. 

Các loài Vibrio sống trong nước biển và nước lợ ở vùng nhiệt và ôn đới, vào cơ thể người qua vết tổn thương da và đặc biệt là đường tiêu hóa. Năm 2017, y tế Mỹ ghi nhận một ca tử vong vì nhiễm Vibrio do tắm biển sau khi vừa xăm hình. Hầu hết các loài thủy sản đều mang Vibrio và những vùng nước ô nhiễm thường có rất nhiều Vibrio, như ao nuôi tôm với nhiều thức ăn thừa và bùn hữu cơ. 

Mỗi năm, ở Mỹ có khoảng 80.000 người nhiễm Vibrio (trong đó hơn 52.000 ca nhiễm do ăn thực phẩm ô nhiễm và các loại hải sản sống - theo Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ), với khoảng 100 người chết; phần lớn các ca nhiễm đều trong thời kỳ ấm, nóng. Sau bão Katrina - cơn bão mạnh thứ 5 trong lịch sử nước Mỹ (tháng 8/2005), dịch bệnh do Vibrio tăng mạnh ở thành phố New Orleans, Louisiana. Năm 2013, ở Mỹ, nhiễm khuẩn Vibrio tăng 43% so với thống kê giai đoạn 2002 - 2008. Cơ quan phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ ước tính tử vong do Vibrio khoảng 20%..., đôi khi rất nhanh, chỉ sau 1 - 2 ngày biểu hiện bệnh! Có những tài liệu khác nói tử vong đến 25, 30 thậm chí 50%. 

Thực ra, không có loại vi khuẩn nào "ăn thịt người" theo đúng nghĩa đen, mà Vibrio vulnificus là một trong những loại vi khuẩn gây hoại tử mô do độc tố của nó.

Những nạn nhân của Vibrio

Ngày 13/9, ông L.C.C, 62 tuổi ở Nam Định chuyển đến Trung tâm bệnh nhiệt đới, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, trong tình trạng sốc, nhiễm khuẩn huyết phải duy trì thuốc vận mạch, rối loạn đông máu, da cẳng chân phải có những đám phồng rộp màu tím đen, chứa dịch. Trước đó, bệnh viện tỉnh Nam Định chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, toan chuyển hóa (axit máu cao), sốt cao, rất mệt mỏi... Ba ngày sau, kết quả cấy dịch mủ vết rộp xác định nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus. Sau 6 ngày điều trị mới qua được nguy kịch, chân đỡ sưng, cai được thuốc vận mạch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định. Tuy vậy nhưng các đám phỏng vẫn chảy dịch viêm lẫn huyết tương, bệnh nhân có bệnh nền tiểu đường và xơ gan nên tiên lượng rất dè dặt… Bệnh nhân này nạo vét ao nuôi tôm, sau 2 ngày thì mọc vài nốt phỏng nước ở chân… 

Hàng năm, Trung tâm bệnh nhiệt đới Bạch Mai nhận 2 - 3 ngư dân nhiễm Vibrio, thường đã đến giai đoạn sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do tổn thương tiến triển rất nhanh, nhiều ca phải lọc máu và tỷ lệ tử vong rất cao.

Cuối tháng 7, anh Roger Pinckney, 44 tuổi, ở quận Broward, Florida, Mỹ, tử vong sau khi ăn hàu sống ở nhà hàng nổi tiếng trên bãi biển Dania. Pinckney suy đa phủ tạng, phải chạy thận lọc máu liên tục và đặt nội khí quản trong suốt những ngày nằm viện. Ngày 31/7, anh chảy máu tiêu hóa và qua đời. Trước đó, Pinckney bị phồng rộp những mảng lớn ở hai chân và rất đau. Nhiễm trùng nghiêm trọng nên phải cắt cụt một chân. Văn phòng giám định y tế và chấn thương quận Broward xác nhận Pinckney nhiễm Vibrio vulnificus. 

Vi khuẩn Vibrio: rất đáng sợ - Ảnh 1.

Bàn tay hoại tử của một bệnh nhân bị nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Vibrio vulnificus. Ảnh: CNN

Trong cùng thời gian, một ông 55 tuổi, ở thành phố Pensacola, Florida, cũng chết vì Vibrio vulnificus. Ông ăn hàu sống mua ở chợ, sau đó tình hình trở nên tồi tệ do khó thở ngày càng nghiêm trọng.

Hàu có nhiều chất vi lượng quan trọng như Selen, Kẽm, Sắt và vitamin D, B12 - món khoái khẩu của nhiều người sành ăn. Nhưng khoảng 12 loài Vibrio sống trong nước biển, nước lợ đều có thể có trong hàu, vì chúng ăn theo cơ chế hút nước, nhưng thường có nhất là Vibrio vulnificus và Vibrio parahaemolyticus. Ngoài gây độc và hoại tử tế bào, chất Lipopolysaccharide trên vỏ của Vibrio có thể kích hoạt quá mức hệ miễn dịch (chất này kích thích phản ứng viêm rất mạnh), tạo ra "bão Cytokine" (do phản ứng quá mức, hệ miễn dịch "phản bội", tấn công chính cơ thể) gây tình trạng sốc…

Ngày 24/9 năm ngoái, một ông ở thành phố Uông Bí, Quảng Ninh, ăn hàu sống tại nhà rồi đau bụng, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục, sốt cao, tụt huyết áp, rất mệt mỏi, nổi nhiều ban nâu đỏ trên da... Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển ở thành phố Uông Bí không cứu được, nhưng xác định ông nhiễm khuẩn Vibrio parahaemolyticus bằng xét nghiệm cấy máu.

Ông Vương, 60 tuổi, ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, làm món tôm cho gia đình. Vài ngày sau, ông sốt cao, ngất rồi hôn mê… Đến viện, ông lập tức được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt  (ICU) do tình trạng rất xấu. Gia đình nói rằng ba hôm trước, khi làm tôm, ông bị vỏ tôm cứa vào ngón tay. Vết thương  nhỏ đó hiện sưng bầm rất to, làm bác sĩ nghĩ đến vi khuẩn nguy hiểm chết người thường có ở hải sản… Gia đình không tin vì nghĩ rằng vết cứa do vỏ tôm làm gì mà nguy hiểm đến thế! Kết quả cấy máu xác định ông Vương nhiễm khuẩn Vibrio vulnificus. Bệnh viện dùng kết hợp ba loại kháng sinh nhưng tình trạng ngày càng xấu hơn, mô mềm hoại tử rất nhanh. Ba ngày sau, ông Vương tử vong vì nhiễm trùng máu.

Vi khuẩn Vibrio: rất đáng sợ - Ảnh 2.

Hàu sống thường là nơi trú ngụ của vi khuẩn "ăn thịt người" Vibrio vulnificus. Ảnh: Atlanta Journal.

Người khỏe mạnh nhiễm Vibrio đã rất nguy hiểm, người có bệnh nền còn nguy hiểm hơn nhiều do khả năng đề kháng suy giảm nhưng đặc biệt dễ nhiễm vi khuẩn này. Biểu hiện lâm sàng do Vibrio rất dễ nhầm với các nhiễm trùng huyết do liên cầu, não mô cầu, tụ cầu..., vì vậy, phải rất cảnh giác với vi khuẩn này. Người nuôi trồng hải sản phải có trang bị bảo hộ; người dân không nên ăn hải sản sống hoặc chưa đủ chín vì rất nguy hiểm, mặt khác hải sản sống không bổ dưỡng hơn chín. Nên nhớ là thịt hàu nhiễm khuẩn Vibrio không có khác biệt về hình dạng, màu sắc, mùi vị.