Nhà văn Võ Khắc Nghiêm qua đời

10:38 - 30/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Không sinh ra ở vùng Mỏ Quảng Ninh, nhưng cả cuộc đời nhà văn Võ Khắc Nghiêm gắn bó với vùng Mỏ và bản thân của là người của ngành than.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm qua đời - Ảnh 1.

Nhà văn Võ Khắc Nghiêm mất vào sáng 29/9/2022.

Nhắc đến đời sống văn học, nghệ thuật liên quan thợ Mỏ, vùng Than là bạn đọc nhớ ngay tới Võ Khắc Nghiêm bởi ông là một tượng đài, với sự nghiệp đồ sộ ít ai có được trong cuộc đời với nghề làm mỏ, làm báo, viết văn...

Ông sinh ngày 10/10/1942 tại Nha Trang, Khánh Hòa; quê Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông là học viên khóa đầu tiên của trường Trung cấp Cơ điện Mỏ (1959 – 1962). Ra trường, ông về làm tại Mỏ than Cọc Sáu, Thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh. Tại đây, ông vừa làm cán bộ cơ điện mỏ, vừa viết báo, viết văn. Trước khi về hưu, ông về Hà Nội làm Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than.

Những tác phẩm gắn liền với tên tuổi của ông gồm có: Xung đột âm thầm (truyện ngắn, 1986); 16 tấn vàng (tiểu thuyết, 1989); Đại dương trong mắt em (tiểu thuyết, 1990); Người cha tội lỗi (tiểu thuyết, 1990); Người tình 15 năm (tiểu thuyết, 1990); Cướp ngày (tiểu thuyết, 1989); Nhân danh công lý (kịch, 1985); Bi kịch ngược chiều (kịch, 1988); Quy luật muôn đời (kịch, 1991); Bỉ vỏ (kịch, 1990); Tình yêu hai quá khứ (kịch, 1990); Mảnh đời của Huệ (tiểu thuyết và kịch bản phim truyện); Tìm lại chính mình (1995-1996); Giới hạn của hạnh phúc (tiểu thuyết, 1997); Chân dung tình yêu (tiểu thuyết, 1997); Mạnh hơn công lý (tiểu thuyết, 2000); Phúc họa đời người (truyện ngắn, 2004); Huyết thống (tiểu thuyết, 2004)…

Ông đã giành được nhiều giải thưởng lớn, như: Giải thưởng Nhà nước về Văn học & Nghệ thuật đợt 4 năm 2017; Giải A Văn học Công nhân (1990-1995), Giải B "Vì bình yên cuộc sống" Bộ Công An – Hội Nhà văn Việt Nam (1998-2002); Giải A cuộc thi kịch bản sân khấu của Đài Tiếng nói Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu với vở kịch Bi kịch ngược chiều; Giải thưởng cuộc thi kịch bản điện ảnh của báo Văn nghệ, Hãng phim Người Bảo vệ với kịch bản Sự huyền diệu của tình yêu.

Cả cuộc đời, nhà văn Võ Khắc Nghiêm sống chung thủy, tin yêu với thợ Mỏ, vùng Mỏ, ngành than. Trong nghề làm báo, viết văn, ông luôn bênh vực những người yếu thế và đấu tranh không khoan nhượng với cái xấu, cái ác. Điều đó làm cho ông được kính trọng, được yêu mến và nổi tiếng.

Nguồn: Báo Lao Động
Bình luận của bạn

Bình luận