Nhà văn trẻ đi hội nghị bằng gì?

Thảo Mỹ Dân
17:34 - 14/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dư luận đang xôn xao trước thông tin trên báo Tuổi Trẻ rằng Hội Nhà văn Việt Nam "thất vọng" vì chính quyền Hà Nội "ngó lơ" 2 văn bản của Hội đề nghị hỗ trợ vé máy bay cho các nhà văn trẻ dự Hội nghị "Những người viết văn trẻ toàn quốc" lần thứ 10.

Hội nghị sẽ diễn ra trong 2 ngày (18 và 19/6/2022) tại Đà Nẵng, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức 5 năm một lần. Theo tờ  Tuổi Trẻ (ngày 13/6),  Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói rằng Hà Nội đã gây đã "thất vọng" cho các nhà văn trẻ khi không phản hồi 2 công văn Hội đề nghị hỗ trợ vé máy bay cho họ đi dự hội nghị diễn ra cuối tuần này tại Đà Nẵng. 

Sự "thất vọng" đó cũng được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội với những bình luận trái chiều, nhưng chủ yếu là chê trách, thậm chí... mắng mỏ Hà Nội, rằng lãnh đạo Hà Nội làm sao hiểu được văn chương, rằng chẳng coi văn chương là cái gì.... 

Bình tĩnh mà xét thì việc có hỗ trợ hay không cần phải được nhìn nhận một cách công bằng.

Thứ nhất, chi tiền ngân sách phải theo nguyên tắc. Chính quyền các cấp đương nhiên hoạt động bằng ngân sách Nhà nước và có nhiệm vụ quản lý ngân sách. Mà sử dụng hay quản lý ngân sách thì phải tuân thủ theo luật. Chi dù chỉ vài triệu đồng cũng phải có kế hoạch, có chứng từ kèm theo đầy đủ. Trong bộ chứng từ đó phải có đầy đủ con dấu và chữ ký của những người có thẩm quyền. Nếu chi nhiều, chi lớn thì phải có kế hoạch theo quý, theo năm; và nhất thiết phải được Hội đồng Nhân dân họp thông qua, nếu không, dù có rất nhiều tiền cũng không thể chi được!

Có câu chuyện mà  nhiều địa phương đã gặp phải. Chẳng hạn, một vi lãnh đạo A họp với đầy đủ ban ngành, sau đó chỉ đạo rằng sẽ dùng ngân sách chi hỗ trợ cho một cơ quan B một khoản tiền C vì cơ quan B quá khó khăn. Mọi người dự họp vỗ tay rầm rầm, riêng ngành tài chính thì vò đầu bứt tai. Sau đó văn phòng ký văn bản thông báo nêu rõ ý kiến chỉ đạo của vị lãnh đạo A, đề nghị bên tài chính và các cơ quan liên quan thực hiện. Cơ quan B nhận được văn bản thông báo thì mừng lắm, nhưng chờ mãi không thấy động tĩnh gì. Đến hỏi thì ngành tài chính nhăn nhó: "Chúng tôi lục tìm các quy định của Nhà nước nhưng không có điều khoản, văn bản nào cho phép chi như vậy. Việc này phải trình Ủy ban Nhân dân đưa vào kế hoạch năm sau để Hội đồng Nhân dân xem xét". Bị ép quá, ngành tài chính đề nghị những người có thẩm quyền liên quan ký để chi thì không ai dám ký. Lúc này, ngành tài chính phán một câu làm cho cơ quan B ngã ngửa: "Chúng tôi mà chi thì đi tù à? Chẳng dại!".

Nói chuyện này để lưu ý một thực tế hiển nhiên: Chi một đồng ngân sách khó khăn như thế nào, dù địa phương, hay cơ quan nhà nước đó không thiếu tiền.

Có người lại  cãi rằng: Hàng năm các địa phương chi gặp mặt đối tượng này, đối tượng kia, chi cho Hội này, Hội kia, chi cho sự kiện này, sự kiện kia đấy thôi. Tại sao lại "ngó lơ" việc chi vé máy bay cho các nhà văn trẻ đi họp? 

 Xin thưa, việc chi đó của các địa phương đều có kế hoạch cả đấy; biết bao cuộc họp, biết bao chữ ký mới chi được từ ngân sách. Việc chi ngân sách ở nước ta lâu này vẫn như vậy, chưa có gì thay đổi.

Thư hai, chính quyền địa phương không có nghĩa vụ và bổn phận chi vé máy bay cho nhà văn trẻ đi dự hội nghị. Chính quyền các cấp quan tâm, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ - đó vừa là trách nhiệm theo quy định của nhà nước, vừa thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng. Nhưng quan tâm, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ không có nghĩa là phải đột xuất lấy ngân sách chi vé máy bay cho các nhà văn trẻ đi họp mà không tuân theo quy định nào. Nếu coi việc "ngó lơ" văn bản của Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị hỗ trợ tiền vé máy bay cho 27 nhà văn trẻ đi họp ở Đà Nẵng mà quả quyết khẳng định Hà Nội không quan tâm, không tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ,  không coi văn chương ra gì, thì lại quá lời rồi!

Thứ ba, bất cứ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hay cá nhân nào đều có quyền từ chối lời đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ. Nói thẳng ra, có thể từ chối vì không muốn hỗ trợ, không thích hỗ trợ- vì đó là quyền của họ được pháp luật bảo hộ. Và có thể từ chối vì đề nghị đó không có cơ sở hợp lý theo quy định của Nhà nước. 

Trên tờ Tuổi Trẻ, đại  diện Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, kinh phí tổ chức hội nghị của Hội Nhà văn Việt Nam là kinh phí của Nhà nước kết hợp với xã hội hóa. Nguồn kinh phí từ Nhà nước khá thấp, vì gần đây có yêu cầu giảm chi phí tổ chức các hội nghị, hội thảo tối đa. Vì vậy Hội Nhà văn Việt Nam đã có công văn gửi các tỉnh, thành phố đề nghị hỗ trợ tiền vé máy bay, vé xe đi lại cho các đại biểu tỉnh, thành về dự hội nghị. Đến nay Hội đã nhận được sự hỗ trợ của hầu hết tỉnh, thành, ngoại trừ Lạng Sơn đã có trả lời từ chối cấp kinh phí, còn Hà Nội thì ...không trả lời sau 2 công văn của Hội gửi.

Thứ tư, xã hội hóa dù ở đâu cũng là mối quan hệ mang tính tự nguyện. Theo Điều lệ, Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của công dân Việt Nam là các nhà văn, được thành lập nhằm mục đích tập hợp đoàn kết và động viên hội viên phát huy trí tuệ và tài năng để xây dựng nền văn học Việt Nam yêu nước, nhân văn, dân chủ, đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên trong hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật; góp phần xây dựng nền văn học Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Cũng như các Hội khác, Hội Nhà văn Việt Nam được Nhà nước chi ngân sách hoạt động ở mức độ nào đó; ngoài ra những hoạt động khác có thể xã hội hóa - tức là có thể đề nghị chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân hỗ trợ kinh phí. Xã hội hóa là đề nghị, kêu gọi. Mà đề nghị, kêu gọi không phải là pháp lệnh, người được đề nghị không bắt buộc phải đáp ứng. 

So sánh thì luôn khập khiễng. Mỗi thời mỗi khác, mỗi người mỗi khác. Không nên lấy việc làm của người này áp vào người kia buộc phải giống như vậy. Tuy nhiên, vẫn nên kể chuyện đi lại của cố nhà văn Tô Hoài để "tham khảo". Tương truyền rằng, có lần cố nhà văn Tô Hoài kể chuyện ông phải đi bộ từ Hà Giang lên Mèo Vạc. Quãng đường ấy rất xa. Để đi được tới nơi, nhà văn Tô Hoài đã vào bưu điện Hà Giang gửi hành lý cho một người tên là... Tô Hoài ở Mèo Vạc. Rồi ông lúc thì lóc cóc đi bộ tay không sau đuôi ngựa, lúc thì ngồi nhờ ngựa của dân, vượt qua núi non, nhiều ngày sau mới lên đến Mèo Vạc nhận lại hành lý. Nhân bất phong sương vị lão tài! Dường như cố nhà văn đáng kính của chúng ta có những chuyến đi như thế nên văn đàn nước nhà mới có một Tô Hoài lừng lẫy. Tất nhiên không ai dại gì mà nói rằng các nhà văn trẻ hiện nay phải như nhà văn Tô Hoài.

Vẫn là chuyện đi  họp của  các nhà văn trẻ. Vậy các nhà văn trẻ đi họp bằng gì? 

Một nhà báo  rất có uy tín vừa viết trên mạng xã hội  như thế này: Mình mà là nhà văn trẻ của Hà Nội thì sẽ tự mua vé máy bay đi dự hội nghị ngay. Mỗi ngày Vietjet Air có đến 14 chuyến bay nối Hà Nội với Đà Nẵng, giá vé rẻ rề, có chuyến chỉ 459 ngàn đồng/một chiều. Làm gì đến nỗi phải "thất vọng" vì Hà Nội không đài thọ vé bay???

Vây nên hãy coi việc đề nghị hỗ trợ và không được Hà Nội đáp ứng chi tiền ngân sách để hỗ trợ là bình thường. Người đề nghị nhưng bị từ chối đương nhiên phải buồn. Chẳng ai vui trong tình huống này cả. Hà Nội những năm qua đã và đang có những  khiếm khuyết trong quản lý, và vẫn còn đó những câu chuyện buồn, nhưng dù như thế  cũng không nên tạo ra tâm thế  thất vọng cho các nhà văn trẻ!