Vaccine dạng dán có thể chống lại SARS-CoV-2 hiệu quả hơn

PV
07:39 - 29/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Queensland (Australia) tin rằng vaccine dạng dán thế hệ mới sẽ hiệu quả hơn so với các loại vaccine dạng tiêm truyền thống trong việc phòng ngừa các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Vaccine dạng dán thế hệ mới có thể chống lại các biến thể của SARS-CoV-2 hiệu quả hơn  - Ảnh 1.

Các nhà khoa học tại nơi nghiên cứu. Ảnh: Đại học Queensland

Theo một báo cáo khoa học công bố trên Tạp chí Vaccine ngày 28/7, các kết quả thử nghiệm trên chuột cho thấy vaccine Hexapro sản xuất dưới dạng miếng dán có hiệu quả cao hơn gấp 11 lần trong việc chống lại biến thể Omicron so với cùng một loại vaccine này nhưng được bào chế dành cho dạng tiêm.

Vaccine dạng dán Hexapro do trường Đại học Queensland hợp tác phát triển cùng Công ty công nghệ sinh học Vaxxas (có trụ sở tại Brisbane, Australia). Khi được dán lên da, hàng nghìn vi kim trên miếng dán sẽ "tiêm" vaccine vào cơ thể. Tiến sĩ Chris McMillan làm việc tại Khoa Hóa học và Sinh vật học phân tử thuộc trường Đại học Queensland giải thích: "Miếng dán vi kim mật độ cao này là một nền tảng phân phối vaccine, giúp đưa vaccine vào các tế bào miễn dịch nằm sâu dưới da một cách chính xác".

Để kiểm tra tính hiệu quả, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu đối với 8 con chuột, được chia thành 2 nhóm, trong đó 1 nhóm được tiêm vaccine Hexapro theo cách truyền thống, còn nhóm còn lại ứng dụng công nghệ vaccine dán. Sau đó, các nhà khoa học lấy máu của những con chuột này để thử nghiệm đối với từng biến thể gây bệnh COVID-19, trong đó bao gồm cả các dòng phụ của các biến thể Alpha, Delta và Omicron. Kết quả cho thấy vaccine loại dán tạo ra phản ứng miễn dịch vượt trội và hiệu quả hơn trong việc vô hiệu hóa cả hai biến thể Omicron và Delta. 

Tiến sĩ David Muller thuộc trường Đại học Queensland cho biết điều này đưa ra những bằng chứng sơ bộ rằng vaccine loại dán có thể giúp chống lại các biến thể ngày càng đột biến của virus SARS-CoV-2. Tuy không phủ nhận sự cần thiết của việc tiêm chủng ngừa COVID-19, nhưng ông Muller cũng cho rằng sự suy giảm hiệu quả của các loại vaccine hiện nay ngày càng rõ rệt hơn với sự xuất hiện của Omicron - biến thể chứa hơn 30 đột biến trong protein gai.

Theo Tiến sĩ Muller, công nghệ vaccine dạng dán cũng có triển vọng giúp mở rộng khả năng tiếp cận của người dân các nước với các loại vaccine ngừa bệnh trong tương lai, do tính dễ dàng vận chuyển, sử dụng và chỉ cần bảo quản ở nhiệt độ phòng (trong tối đa 30 ngày).

Giám đốc điều hành Vaxxas - ông David Hoey cho biết Công ty đang lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, với việc chuyển sang thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn trước khi thương mại hóa loại vaccine này.

Miếng dán thật ra là một công cụ để bạn có thể... tự tiêm vaccine ngừa COVID-19 mà không cần kim, theo nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà virus học David Muller từ Đại học Queensland. Miếng dán dạng tròn được phủ một lớpvaccine ngừa COVID-19, được gắn chặn vào một vật tròn như quả bóng khúc côn cầu. Bạn chỉ cần đơn giản dán nó vào da. Trên miếng dán có hơn 5.000 gai siêu nhỏ đến mức mắt thường không nhìn thấy, không thể làm bạn đau, thậm chí là không đủ để gây ngứa.

Giáo sư Robert Booy - Giám đốc Y tế của Công ty Vaxxas đồng thời là chuyên gia về vaccine và các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney, cho biết mặc dù đây không phải là phương pháp và loại vaccine ưu tiên trong cuộc chiến chống dịch hiện nay nhưng những thử nghiệm này có thể cực kỳ hữu ích trong việc ứng phó các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 trong tương lai. Bên cạnh đó, phương pháp tiếp nhận vaccine thông qua miếng dán có thể giúp tạo điều kiện tiếp cận đến các khu vực rừng, núi hoặc quần đảo xa xôi của bất kỳ quốc gia nào ở châu Á hoặc châu Phi khi mà các vaccine hiện tại đang được sử dụng gặp khó khăn trong việc bảo quản để có thể đưa đến những khu vực này.
Việc sử dụng miếng dán vaccine đã từng được Vaxxas thử nghiệm trước đây để triển khai tiêm phòng cúm, bại liệt và sởi.