Người lao động có thể làm thực tập sinh tại Nhật Bản như thế nào?
Theo dõi các thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động có thể tham gia Chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản để có cơ hội thực tập và làm việc tại Nhật Bản.
Các chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản
Theo thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm Lao động ngoài nước hiện nay đã và đang có nhiều kế hoạch tuyển chọn ứng viên tham gia Chương trình thực tập sinh tại Nhật Bản tại tất cả các tỉnh/thành phố trên cả nước.
Theo đó, người lao động trên phạm vi toàn quốc có thể tham gia các Chương trình thực tập sinh nếu có nguyện vọng và đáp ứng đủ các điều kiện phù hợp. Trong đó, đặc biệt người lao động cần lưu ý các điều kiện về tuổi tác, bằng tốt nghiệp, chiều cao, cân nặng và các yếu tố sức khỏe đủ để đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 6/5/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khỏe.
Bên cạnh đó, các ứng viên với ý chí quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ khi làm thực tập sinh thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để có thể hoàn thành các chương trình/ngành học đang rất hấp dẫn như: Xây dựng, sản xuất chế tạo; y dược; điều dưỡng và các ngành nghề liên quan khác.
Được biết, IM Japan là Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản được thực hiện từ năm 2006 theo Thỏa thuận giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế Nhật Bản (IM Japan). Trung tâm Lao động ngoài nước là cơ quan duy nhất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giao thực hiện Chương trình.
Người lao động trúng tuyển sẽ tham gia các khóa đào tạo tại Cơ sở đào tạo của Trung tâm Lao động ngoài nước trong thời gian từ 4 đến 8 tháng phụ thuộc vào yêu cầu cụ thể của các công ty tiếp nhận. Nếu trúng tuyển, người lao động sẽ phải tuân thủ và thực hiện nghiêm túc quy chế đào tạo trước phái cử đã được thống nhất giữa Trung tâm Lao động ngoài nước và IM Japan.
Người lao động đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản gọi là thực tập sinh, được tu nghiệp và thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản trong thời gian 03 năm; được hưởng mức lương cơ bản theo hợp đồng trong khoảng từ 125,000 Yên ~ 150,000 Yên/tháng; sau khi hoàn thành chương trình thực tập, về nước đúng thời hạn sẽ được Tổ chức IM Japan hỗ trợ 600.000 yên/người (tương đương khoảng 120.000.000 triệu đồng tiền Việt Nam) để khởi nghiệp. Sau 3 năm, các thực tập sinh có thể tích lũy mang về Việt Nam số tiền khoảng 500 triệu ~ 600 triệu đồng.
Trung tâm Lao động ngoài nước cũng vừa ký kết hợp đồng cung ứng thực tập sinh kỹ năng ngành nghề hộ lý với Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka (Nhật Bản). Theo Hợp đồng cung ứng giữa Trung tâm Lao động ngoài nước và Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka về việc phái cử và tiếp nhận thực tập sinh trong ngành hộ lý, người lao động tham gia chương trình sẽ được Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka đài thọ toàn bộ chi phí học tiếng Nhật tại Việt Nam
Người lao động có thể làm việc/học tập tại Nhật Bản như thế nào?
Ứng viên có nhu cầu sẽ nộp hồ sơ ứng tuyển tới Trung tâm Lao động ngoài nước (www.colab.gov.vn).
Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ phối hợp với Văn phòng Tổ chức IM Japan tại Việt Nam tổ chức thi tuyển đối với những người lao động có kết quả kiểm tra hồ sơ đạt yêu cầu.
Ứng viên cần lưu ý các bài tập chuẩn bị để thi tuyển dễ dàng. Với các nội dung thi tuyển kiến thức (môn toán), ứng viên cần ôn luyện/tham gia các khóa bổ trợ để thi tốt. Đối với các nội dung liên quan tới kiểm tra thể lực (chạy 3.000m, chống đẩy 35 lần, gập cơ bụng 25 lần), ứng viên cần tự chuẩn bị và tập luyện trước trong khoảng thời gian từ 30-90 ngày để có kết quả tốt nhất.
Cuối cùng, ứng viên cần tự tin, bản lĩnh, chuẩn bị các thông tin cần thiết cho quá trình trao đổi phỏng vấn trực tiếp với các đơn vị tiếp nhận.
Được biết, sẽ có một số trường hợp ưu tiên, ứng viên cần nắm rõ để nhận cơ hội tốt như điểm cộng cho bài thi toán, người lao động là con em thương binh, liệt sỹ; người lao động thuộc các huyện nghèo và dân tộc thiểu số...
Chương trình IM Japan có hỗ trợ, nhưng sẽ có một số khoản chi phí người lao động phải nộp và các khoản được hỗ trợ khi tham gia như: Chi phí làm Hộ chiếu, visa và khám sức khỏe; Học phí khóa đào tạo dự bị trong 3 tháng đầu; Chi phí ăn, ở trong thời gian tham dự các khóa đào tạo tại Việt Nam. Ngoài các khoản chi phí nêu trên, người lao động khi tham gia Chương trình này không phải nộp bất kỳ khoản chi phí nào khác.
Các khoản được miễn bao gồm: Chi phí vé máy bay; Học phí khóa đào tạo chính thức trong thời gian 04 tháng; Chi phí đào tạo tay nghề, chi phí ôn tập trong 01 tháng trước xuất cảnh.
Ngoài ra, hợp tác mới về việc thực tập sinh trong ngành hộ lý theo hình thức phi lợi nhuận mở ra nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn cho người lao động đồng thời góp phần tạo cơ sở bền vững cho việc mở rộng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Theo Hợp đồng cung ứng mới được hai bên ký kết, đối tượng tuyển chọn là người lao động đã tốt nghiệp chuyên ngành chăm sóc sức khỏe; trường hợp sinh viên đã hoàn thành chương trình học 1 năm của ngành nghề chăm sóc sức khỏe hoặc ứng viên chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông được tuyển chọn sẽ tham gia khóa đào tạo ngành điều dưỡng ngắn hạn (có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học).
Người lao động tham gia chương trình sẽ được Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka được đài thọ các chi phí: toàn bộ chi phí học tiếng Nhật tại Việt Nam (từ 8-11 tháng để đạt trình độ tiếng Nhật N4), lệ phí thi chứng chỉ tiếng Nhật (01 lần), lệ phí xin thị thực, chi phí khám sức khỏe (02 lần), vé máy bay (xuất cảnh và về nước khi hoàn thành hợp đồng).
Người lao động khi sang thực tập tại Nhật Bản được bố trí thực tập tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của Hiệp hội hoặc các bệnh viện là đối tác của Hiệp hội chăm sóc y tế Osaka, Người lao động được thực tập trong môi trường làm việc chuyên nghiệp, thân thiện với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, được hưởng mức lương tương đương với mức lương cơ bản của người Nhật làm cùng vị trí với mức lương tháng khoảng 30 triệu đồng chưa bao gồm phụ cấp, lương làm thêm ngoài giờ và được hưởng phúc lợi xã hội, tham gia các loại hình bảo hiểm theo quy định của pháp luật Nhật Bản.
Như vậy, người lao động chỉ phải chi trả chi phí ăn, ở trong thời gian đào tạo, chi phí đào tạo nghề (đối với đối tượng chưa được đào tạo chuyên môn ngành điều dưỡng).
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google