Người đi bộ cần nâng cao ý thức và trách nhiệm khi tham gia giao thông

Hồng Ngọc
16:21 - 08/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay, tình trạng người đi bộ vượt dải phân cách, leo rào chắn, luồn lách qua dòng xe,... để sang đường hay đi lên cao tốc diễn ra khá thường xuyên. Dù đã có quy định xử lý người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, một bộ phận người dân còn chưa hiểu rõ hoặc hiểu nhưng vẫn cố tình vi phạm.

người đi bộ

Người dân trèo qua dải phân cách trên quốc lộ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông

Nhiều người đi bộ sang đường tùy tiện, "bất chấp"

Theo Cục Cảnh sát giao thông, ở nhiều tuyến đường, dải phân cách cứng không thể ngăn được người đi bộ trèo qua, mặc dù đã có hầm dành cho người đi bộ và trên đường các phương tiện giao thông hoạt động rất nhiều.

Ở nhiều điểm trung chuyển xe buýt, nơi lưu lượng người đi bộ và phương tiện tham gia giao thông lớn, những lúc xe quá đông, nhiều người đi bộ tụ lại thành nhóm để sang đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Trong số đó, có cả hành khách xe buýt, do xuống xe ở giữa lòng đường nên phải băng qua đường để vào lề. 

Biện minh cho hành vi của mình, phần lớn người đi bộ đưa ra những lý do như: nút giao thông, cầu vượt hoặc hầm dành cho người đi bộ cách xa điểm cần đến,... nên đi như vậy nhanh và tiện hơn.

người đi bộ

Người đi bộ sang đường không đúng quy định. Ảnh: Cục Cảnh sát giao thông

Tình trạng này diễn ra phổ biến, tràn lan, không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự, an toàn giao thông, mà còn đe dọa đến tính mạng của chính người đi bộ.

Bên cạnh đó, hành vi đi bộ bất cẩn không dùng phần đường dành riêng cho người đi bộ, hay sang đường không nhường đường chính là tạo chướng ngại vật gây tai nạn giao thông cho các phương tiện đang đi đúng phần đường, làn đường theo chiều đi bên phải của họ, tạo chướng ngại vật bất ngờ cho các loại phương tiện đang đi đúng chiều làm xảy ra tai nạn giao thông nên đa phần lỗi trong các vụ việc này thuộc người đi bộ tham gia giao thông dù họ không điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Vì vậy, Cục Cảnh sát giao thông khuyến cáo người đi bộ khi tham gia giao thông tìm hiểu, nắm rõ và chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.

Mỗi người dân cần phải nâng cao ý thức, có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông trên đường để xây dựng văn hóa giao thông, góp phần hạn chế những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội đã xử lý nhiều trường hợp người đi bộ sang đường không đúng quy định, bất chấp nguy hiểm cho bản thân, cho người và phương tiện tham gia giao thông khác. Hầu hết các trường hợp vi phạm khi bị lực lượng chức năng xử phạt mới nhận thức được hành vi qua đường không đúng nơi quy định của mình là sai và cam kết không tái phạm.

Theo Đội Cảnh sát giao thông số 6, Công an Thành phố Hà Nội, đối với các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở để người dân không tái phạm, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Qua kiểm tra, xử lý, xác định đối tượng vi phạm chủ yếu là thanh thiếu niên, nên thời gian tới, Đội Cảnh sát giao thông số 6 sẽ phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn, tổ chức tuyên truyền cho học sinh, sinh viên nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Quy định đối với người đi bộ tham gia giao thông, đi bộ qua đường

Quy định liên quan đến người đi bộ tham gia giao thông, đi bộ qua đường đã được quy định rõ trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Cụ thể, quy định tại Điều 32 về "Người đi bộ" như sau: 

1. Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường.

2. Người đi bộ chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ và phải tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn.

3. Trường hợp không có đèn tín hiệu, không có vạch kẻ đường, cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ thì người đi bộ phải quan sát các xe đang đi tới, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn khi qua đường.

4. Người đi bộ không được vượt qua dải phân cách, không đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy; khi mang vác vật cồng kềnh phải bảo đảm an toàn và không gây trở ngại cho người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

5. Trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường đô thị, đường thường xuyên có xe cơ giới qua lại phải có người lớn dắt; mọi người có trách nhiệm giúp đỡ trẻ em dưới 7 tuổi khi đi qua đường.

Ngoài ra, việc người đi bộ đi vào đường cao tốc là vô cùng nguy hiểm. Khi xảy ra va chạm, nạn nhân là người đi bộ thường bị thương rất nặng, dễ dẫn tới tử vong do phương tiện lưu thông trên đường cao tốc đi với tốc độ cao và không có tâm lý phòng tránh người đi bộ.

Khoản 4, Điều 26, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: “Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc, trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc”.

Các trường hợp người điều khiển phương tiện phải nhường đường cho người đi bộ:

Theo Khoản 4, Điều 11 của Luật Giao thông đường bộ, tại nơi có vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, giảm tốc độ và nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường.

Những nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, người điều khiển phương tiện phải quan sát, nếu thấy người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường thì phải giảm tốc độ, nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường bảo đảm an toàn.

Quy định xử phạt người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ

Nếu người đi bộ vi phạm quy tắc khi tham gia giao thông đường bộ thì bị áp dụng chế tài giống như người điều khiển phương tiện giao thông khác. Nếu tạo chướng ngại vật gây tai nạn giao thông nghiêm trọng trở lên thì sẽ bị áp dụng chế tài hình sự phạt tù, bồi thường thiệt hại. 

Vi phạm hành chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30/12/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt như sau:

1. Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với người đi bộ thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn;

b) Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này;

c) Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông;

d) Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông;

đ) Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy.

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.



Bình luận của bạn

Bình luận