Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gia tăng, diễn biến phức tạp

Hồng Ngọc
08:58 - 05/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc).

Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gia tăng, diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Một số thanh thiếu niên ý thức kém trong tuân thủ pháp luật về trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

Phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông trong 10 tháng đầu năm 2023

Theo thông tin từ Bộ Công an, trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã phát hiện, xử lý 64.446 trường hợp học sinh vi phạm trật tự, an toàn giao thông (chiếm 2,31% tổng xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông toàn quốc). Trong đó lỗi vi phạm chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59%; không có giấy phép lái xe chiếm 7,38%; không đội mũ bảo hiểm chiếm 42,9%; có cả lỗi học sinh vi phạm nồng độ cồn, ma túy…

Ngoài ra, lực lượng Công an còn làm rõ 3 vụ đua xe trái phép, tạm giữ 57 đối tượng trong lứa tuổi học sinh, 51 xe mô tô; 201 vụ tụ tập chạy xe phóng nhanh, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, tạm giữ 395 đối tượng trong lứa tuổi học sinh và 537 mô tô vi phạm.

Xảy ra 16 vụ chống người thi hành công vụ, làm bị thương 10 đồng chí, đã bắt giữ 16 đối tượng trong lứa tuổi học sinh bàn giao cho cơ quan điều tra xử lý.

Thời gian qua, tình hình tai nạn giao thông liên quan đến học sinh cũng có nhiều diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn quốc xảy ra 881 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi dưới 18 tuổi (chiếm 8,96% số vụ tai nạn giao thông toàn quốc). Trong đó có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện hoặc đang đi bộ bị tai nạn, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Trước tình hình trên, các bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội đã triển khai nhiều giải pháp, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Ngày 19/10/2022, Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo ký Chương trình phối hợp số 11/CTrPH-BCA-BGDĐT về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022-2025.

Thực hiện Chương trình phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giáo dục và Đào tạo, lực lượng Công an đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho học sinh tại 18 nghìn cơ sở giáo dục với 9 triệu lượt học sinh tham gia; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm pháp luật trật tự, an toàn giao thông đối với 18 nghìn cơ sở giáo dục, với hơn 8 triệu học sinh, phụ huynh thực hiện ký cam kết.

Ngày 7/6/2023, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã ban hành Công điện số 256/CĐ-UBATGTQG về việc tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng học sinh vi phạm pháp luật về an toàn giao thông hiện nay ngày càng phổ biến

Theo Bộ Công an, có những nguyên nhân sau:

1. Hiện tượng học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông đi học bằng phương tiện xe máy điện, xe máy, xe mô tô, không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện, đặc biệt là điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe đang diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông. Qua số liệu cho thấy lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là tai nạn giao thông liên quan điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.

2. Việc tổ chức giao thông tại khu vực các cổng trường học hiện nay đang có nhiều vấn đề đặt ra: ùn tắc giao thông vào giờ đến trường, tan học; nhiều trường học có vị trí gần hoặc nằm dọc các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, gần khu họp chợ.

Bên cạnh đó, tình trạng phụ huynh đưa, đón con đến trường cũng vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (như dừng đỗ xe lấn chiếm cả lòng đường, lề đường đứng chờ con, chen lấn nhau di chuyển không tuân theo quy tắc giao thông)… 

Những vi phạm này tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông và cho chính bản thân các em học sinh. Nhiều điểm đen, điểm tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông khu vực trường học được xác định nhưng chưa được khắc phục kịp thời.

Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gia tăng, diễn biến phức tạp - Ảnh 3.

Cảnh sát giao thông Công an thành phố Cần Thơ tăng cường tuyên truyền về an toàn giao thông cho các em học sinh. Ảnh: Báo Cần Thơ

3. Việc phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội để quản lý, giáo dục học sinh chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông còn chưa hiệu quả, một bộ phận còn thiếu trách nhiệm dẫn đến khi học sinh ra khỏi nhà thì gia đình xem là việc của xã hội, của nhà trường; khi học sinh ra khỏi trường thì nhà trường xem là việc của xã hội, của gia đình. 

4. Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn chung chung, hình thức chưa thực sự tác động hiệu quả đến đối tượng đặc thù là học sinh. 

5. Công tác giáo dục an toàn giao thông đã được các cơ sở giáo dục lồng ghép vào trong chương trình chính khóa nhưng chưa có khung chương trình chuẩn cho từng cấp học. Các nội dung học về an toàn giao thông chưa được thể hiện rõ nét trong nội dung thi và kiểm tra đánh giá, dẫn tới tình trạng học nhưng không thi do đó các nội dung này cũng chưa được học sinh và phụ huynh quan tâm. 

Những tài liệu giáo dục an toàn giao thông ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ làm theo chưa nhiều, dẫn đến học sinh chưa ghi nhớ thành kiến thức lâu dài; các nội dung giảng dạy trong trường học cơ bản giới hạn ở phần lý thuyết, khối lượng thực hành còn hạn chế, do các trường không có đủ điều kiện để thực hiện. 

Phần thực hành kỹ năng tham gia giao thông và điều khiển các phương tiện của học sinh chủ yếu phụ thuộc vào việc quan tâm giảng dạy của cha mẹ học sinh, người giám hộ, trong khi đó một số gia đình chưa quan tâm, còn phó mặc cho con em mình tự tìm hiểu, tự thực hành dẫn tới thiếu kỹ năng thực hành.

6. Một bộ phận phụ huynh, người giám hộ còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý con cái (qua thống kê, hơn 71% vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh là do điều khiển xe mô tô trên 50 phân khối, đây là hệ quả của việc cha mẹ giao xe cho học sinh điều khiển không đúng quy định). Chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về trật tự, an toàn giao thông khi tham gia giao thông, nhất là trong khi chở con em mình trên xe (như chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, sử dụng rượu bia khi lái xe...) dẫn tới làm ảnh hưởng tiêu cực tới ý thức và hành vi của các em. 

7. Việc xử lý vi phạm khi phát hiện hành vi vi phạm với học sinh còn gặp khó khăn, do công tác phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường (chưa có các quy định rõ ràng về đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm trật tự, an toàn giao thông của học sinh đối với nhà trường, quy trình xử lý trong nhà trường, chuyển thông tin cho gia đình cùng giáo dục, trách nhiệm của gia đình...).

Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gia tăng, diễn biến phức tạp - Ảnh 5.

Cảnh sát giao thông phát tờ rơi tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh tại Thái Nguyên. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Công an

8. Một số địa phương buông lỏng quản lý hoạt động vận chuyển, đưa đón học sinh dẫn tới các vụ tai nạn giao thông liên quan tới dịch vụ đưa đón học sinh (như vụ tai nạn giao thông tại Đồng Nai tháng 2/2023 một xe đưa đón học sinh trong khi lùi xe làm 1 học sinh lớp 3 tử vong). 

9. Mặt trái của internet và các trang mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến nhận thức, hành vi của giới trẻ hiện nay, trong khi đó nhiều người trưởng thành, thậm chí người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trong xã hội có những hành vi không chuẩn mực, quay clip đua xe, bốc đầu, đánh võng đăng tải lên mạng xã hội nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ ảnh hưởng rất không tốt đến giới trẻ.

Cần nhiều hơn nữa cách làm sáng tạo, thực chất để bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh

Theo VGP, ngày 2/11, tại Hội nghị chuyên đề về an toàn giao thông đối với học sinh, các địa phương đã chia sẻ những mô hình sáng tạo gắn liền với việc tổ chức kiểm tra, giám sát đột xuất để kịp thời phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm, hạn chế tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Đơn cử, thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), ngoài mô hình cổng trường an toàn giao thông, thành phố tổ chức các tổ đi kiểm tra đột xuất nhà để xe của học sinh tại các trường học để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các em học sinh sử dụng phương tiện không đúng quy định.

Tai nạn giao thông liên quan đến học sinh gia tăng, diễn biến phức tạp - Ảnh 6.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Ảnh: VGP/Hải Minh

Tại tỉnh Gia Lai, tỉnh đã phối hợp với Quỹ phòng chống thương vong châu Á thực hiện dự án "Giảm tốc độ - Trường học an toàn" tại thành phố Pleiku.

Dự án có tổng vốn đầu tư 23 tỷ đồng tập trung cải tạo khu vực cổng của 33 trường học; làm gờ giảm tốc độ; cắm biển hạn chế tốc độ 40km/giờ trong thời gian đưa, đón học sinh; giúp phụ huynh và học sinh tiếp cận giáo trình điện tử về an toàn giao thông.

Qua 5 năm thực hiện (2018-2023), thành phố Pleiku đã trở thành điển hình trong việc cải thiện an toàn giao thông đường bộ cho trẻ em đến trường khi không để xảy ra vụ tai nạn giao thông nào, va chạm giao thông giảm từ 19% xuống còn 2%.

Tỉnh Gia Lai cũng đã huy động xe bus, xe hợp đồng đưa đón học sinh đi học.

Cũng tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia nhấn mạnh, nhiệm vụ trước mắt để bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh còn nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn, trách nhiệm lớn hơn, và tuyệt đối không được chủ quan.

Các địa phương phải nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu; xem xét đưa nội dung an toàn giao thông cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành cuối năm của các trường; gắn việc triển khai các mô hình với kiểm tra, giám sát đột xuất, thực chất để tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh.

Cùng với việc ngăn chặn, loại bỏ những thông tin xấu, độc trên mạng, cần có những nội dung tuyên truyền mang tính định hướng thuyết phục để dần hình thành nên ý thức, văn hóa cho mọi người khi tham gia giao thông.

Phó Thủ tướng cũng mong muốn mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, hưởng ứng việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho các em học sinh về an toàn giao thông, bởi đây là nội dung rất sát sườn với mọi người, mọi nhà.