Người dân Mỹ tiết kiệm 75 năm mới đủ tiền trả học phí đại học top đầu

Lam Linh
12:24 - 14/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các chuyên gia cảnh báo học phí đại học tại Mỹ ngày càng trở nên đắt đỏ. Học phí trung bình của các trường đại học tư thục ở Mỹ đã tăng khoảng 4% trong năm 2022, lên gần 40.000 USD/năm.

Người dân Mỹ tiết kiệm 75 năm mới đủ tiền trả học phí đại học top đầu - Ảnh 1.

Tính cạnh tranh của các gia đình giàu có, trợ cấp nhà nước giảm... là một số nguyên nhân khiến học phí đại học ở Mỹ tăng. Ảnh: Reuters

Học phí đại học tại Mỹ ngày càng đắt đỏ

Năm 2022, trung bình mỗi người dân Mỹ tiết kiệm được 5.011 USD. Điều này có nghĩa họ sẽ mất 75 năm mới tiết kiệm đủ số tiền để cho một người con theo học tại một trường đại học hàng đầu của Mỹ. Bởi học phí đại học tại Mỹ ngày càng trở nên vô cùng đắt đỏ.

Dữ liệu của một công ty truyền thông Mỹ cho thấy năm 2022, học phí trung bình của các trường đại học tư thục ở Mỹ đã tăng khoảng 4% lên gần 40.000 USD/năm.

Trong khi đó, mức học phí mỗi năm ở các trường công lập của các tiểu bang là 10.500 USD, tăng 0,8% đối với sinh viên trong tiểu bang và khoảng 1% đối với sinh viên ở ngoài tiểu bang.

Thậm chí học phí tại các trường danh tiếng còn tăng mạnh hơn. Chẳng hạn như học phí và các loại phí đối với sinh viên Đại học Harvard rơi vào khoảng 57.246 USD/năm. Nếu tính thêm chi phí nhà ở, sinh hoạt và đồ dùng học tập, sinh viên sẽ phải trả khoảng 95.438 USD/năm (khoảng 2,2 tỉ đồng).

Theo Sáng kiến Dữ liệu Giáo dục Mỹ, sau khi điều chỉnh theo lạm phát, học phí các trường đại học tại Mỹ đã tăng 747,8% kể từ năm 1963.

Trong đó, theo một báo cáo của Trung tâm Giáo dục và Lực lượng Lao động thuộc Đại học Georgetown, trong giai đoạn từ năm 1980-2020, trung bình các khoản học phí, lệ phí, tiền ký túc xá... để có được một tấm bằng cử nhân đã tăng lên 169%. Con số này "vượt xa mức tăng lương" của các bậc phụ huynh.

Cũng theo báo cáo, trong cùng khoảng thời gian 40 năm, thu nhập của người lao động từ 22 đến 27 tuổi tại Mỹ chỉ tăng 19%.

Điều đó có thể giải thích tại sao niềm tin của người Mỹ vào giáo dục đại học đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, theo một cuộc thăm dò của viện Gallup được công bố vào tháng trước.

Cụ thể, chỉ 36% người Mỹ tin tưởng vào giáo dục đại học, giảm hơn 20 điểm phần trăm so với 8 năm trước.

Megan Brenan, nhà tư vấn nghiên cứu tại Viện Gallup (Mỹ) cho biết: "Mặc dù Gallup không điều tra nguyên nhân đằng sau sự sụt giảm niềm tin gần đây, nhưng chi phí giáo dục sau trung học ngày càng tăng có thể đóng một vai trò quan trọng".

Nguyên nhân học phí đại học tăng ở Mỹ

Chi phí đào tạo và tuyển dụng giáo viên cao

Catharine Hill, một nhà kinh tế thuộc tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Ithaka S&R và là cựu Chủ tịch Đại học Vassar, cho biết chi phí để tuyển dụng các giáo sư và giảng viên là rất cao.

Tiền lương thực tế cho công nhân lành nghề của Mỹ đã cao hơn lạm phát vài điểm phần trăm trong một thời gian dài, nhưng các ngành khác đã có thể bù đắp chi phí lao động đó thông qua những tiến bộ về năng suất như áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot - giúp giảm sự phụ thuộc vào lao động lành nghề.

Còn đối với ngành Giáo dục, bà Catharine Hill cho biết, việc giảng dạy đại học vẫn được thực hiện bởi các giảng viên có trình độ cao. Đồng thời, không như một số ngành khác, robot không được sử dụng để dạy học nên trường học vẫn cần nhiều giáo sư.

"Chúng ta vận hành việc dạy học ở đại học theo cách thức cũ kỹ, với một giảng viên đứng trước một lớp học có từ 20 đến 40 sinh viên. Cách làm này không đạt được nhiều hiệu quả về năng suất nhằm giảm chi phí", bà Catharine Hill nói thêm.

Người dân Mỹ tiết kiệm 75 năm mới đủ tiền trả học phí đại học top đầu - Ảnh 3.

Chi phí để có một tấm bằng đại học ở Mỹ liên tục tăng khiến nhiều gia đình lo lắng về khả năng chi trả và gánh nặng nợ nần. Ảnh: MIT fanpage

Tính cạnh tranh giữa các gia đình giàu có

Bất bình đẳng thu nhập ở Mỹ đã tăng lên đáng kể kể từ những năm 1970, và ngày nay khoảng cách giữa người giàu và người có thu nhập trung bình thậm chí còn lớn hơn nhiều so với trước.

Theo Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, vào năm 2021, top 10% người Mỹ nắm giữ gần 70% lượng tài sản của nước này, tăng từ mức khoảng 61% vào cuối năm 1989.

Còn theo Viện Chính sách Kinh tế, 1% những người có thu nhập cao nhất ở Mỹ hiện chiếm 21% tổng thu nhập tại quốc gia này.

Điều đó có nghĩa là một trường đại học hàng đầu có thể thu bất cứ mức phí nào họ muốn và vẫn sẽ tìm được những gia đình giàu có sẵn sàng, đủ khả năng chi trả học phí hàng năm.

"Các trường đại học hàng đầu ở Mỹ đang cạnh tranh để giành được những học sinh tài năng và những gia đình có khả năng trả học phí cao. Những gia đình này "không gặp khó khăn gì khi ký các tấm séc". Họ sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để đổi lấy dịch vụ xa xỉ như ký túc xá đẹp, căng tin có đồ ăn ngon và đầu tư cho các khuôn viên trường học được bảo trì tốt", bà Catharine Hill nói.

Theo một nghiên cứu gần đây của Hội đồng Ủy viên và Cựu sinh viên Mỹ, các trường đại học hiện đang chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ hành chính và những thứ xa xỉ hơn bao giờ hết trong quá khứ. Các khoản đầu tư đó đã tăng từ 17% vào năm 2010 lên đến 29% vào năm 2018.

Trợ cấp nhà nước giảm

Trong khi đó, các cơ quan lập pháp của nhiều bang ở Mỹ đang đóng góp ngân sách ít hơn cho giáo dục công so với trước đây.

Theo một phân tích gần đây của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia Mỹ (NEA), từ năm 2020 đến năm 2021, tài trợ của các tiểu bang Mỹ cho giáo dục đại học đã giảm trung bình 6% ở 37 tiểu bang.

NEA viết trong một báo cáo: "Điều này có nghĩa là các trường cao đẳng và đại học phải dựa vào sinh viên để trả chi phí học đại học. Và những sinh viên đó đang phải đi vay để trả học phí".

Nhiều sinh viên tại các trường đại học hàng đầu tại Mỹ đang nhận được một khoản hỗ trợ tài chính lớn và các khoản trợ cấp khác, giúp giảm đáng kể mức học phí mà họ phải trả. Nhưng không phải ai cũng được hưởng lợi từ hỗ trợ tài chính và các khoản trợ cấp khác.

Nguồn: CNN
Bình luận của bạn

Bình luận