Học phí giáo dục - một trong những nguyên nhân khiến CPI tăng mạnh
Theo số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2023 được công bố ngày 29/3, Tổng cục Thống kê (GSO) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết một trong những nguyên nhân khiến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý I/2023 tăng tới 4,18% so với cùng kỳ năm 2022 là do học phí đang tăng trở lại.
Nhóm giáo dục được báo cáo có mức tăng cao nhất do một số tỉnh, thành phố thực hiện tăng học phí. Ảnh minh họa: IT.
Chi phí giá cả ở nhóm giáo dục tăng cao nhất
Trong số 9 nhóm hàng hoá, dịch vụ cơ bản tăng giá ngoài nhà ở, nguyên nhiên vật liệu, giá các mặt hàng thực phẩm... nhóm giáo dục được báo cáo có mức tăng cao nhất do một số tỉnh, thành phố thực hiện tăng học phí năm học mới 2022-2023 đối với các trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập. Cụ thể, học phí giáo dục tăng 10,13% do một số địa phương đã tăng học phí trở lại sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021 - 2022 để chia sẻ khó khăn với người dân trong đại dịch, tác động làm CPI tăng 0,62%
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí cũng đã thực hiện điều chỉnh tăng học phí. Bên cạnh đó, năm học mới khiến nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 0,29%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,09%; bút viết các loại tăng 0,18% so với tháng trước.
Theo bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính chung quý I năm 2023, CPI tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung.
So với tháng trước, CPI tháng 3/2022 giảm 0,23% (khu vực thành thị giảm 0,15%; khu vực nông thôn giảm 0,31%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 6 nhóm hàng giảm giá.
Nhiều nhóm ngành có xu hướng tăng giá
Bên cạnh nhóm giáo dục, chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 4,9% do dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu giải trí và du lịch của người dân tăng cao, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tác động làm CPI tăng 0,22 điểm phần trăm. Giá điện sinh hoạt tăng 2,71% chủ yếu do nhu cầu sử dụng điện dịp Tết Nguyên đán tăng, tác động làm CPI tăng 0,09 điểm phần trăm…
Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI trong quý I năm 2023, đó là: Bình quân quý I/2023, giá xăng dầu trong nước giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước theo biến động của giá thế giới, tác động làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước giảm 1,81% theo giá thế giới, tác động làm CPI giảm 0,03 điểm phần trăm. Chỉ số giá nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,26% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm, tác động làm CPI giảm 0,01 điểm phần trăm.
Ở thị trường tài chính, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Giá vàng thế giới biến động tăng do giới đầu tư tài chính lo ngại rủi ro sẽ lan rộng từ sự sụp đổ một số ngân hàng trên thế giới. Tính đến ngày 25/3/2023, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1902,44 USD/ounce, tăng 2,37% so với tháng 02/2023.
Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 3/2023 giảm 0,56% so với tháng trước; tăng 0,87% so với tháng 12/2022, giảm 2,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá vàng trong nước tăng 1,25%.
Đồng đô la Mỹ tháng 3/2023 trên thị trường thế giới tăng sau khi FED thông báo nâng lãi suất tham chiếu thêm 0,25 điểm phần trăm đưa mức lãi suất lên mức 4,75%-5% và chỉ số giá tiêu dùng tháng 02/2023 của Mỹ được công bố. Tính đến ngày 25/3/2023, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 103,93 điểm, tăng 0,5% so với tháng trước.
Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.862 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2023 tăng 0,47% so với tháng trước; giảm 1,39% so với tháng 12/2022, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I/2023, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước tăng 3,45%.
Tác động của thế giới có nhiều áp lực tới kinh tế trong nước
Tính tới thời điểm tháng 3/2023, lạm phát cơ bản tăng 0,22% so với tháng trước, tăng 4,88% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,01% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước quý I/2023 giảm 11,09% so với cùng kỳ năm trước là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết: Trong quý I năm 2023, thị trường hàng hóa thế giới chịu tác động đan xen bởi nhiều yếu tố kinh tế, chính trị, xã hội. Tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina chưa dừng lại, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ở mức cao, tiêu dùng và các hoạt động kinh tế suy giảm trên diện rộng tại nhiều quốc gia đã tác động đến giá cả hàng hóa trên thị trường thế giới.
Các nhân tố địa chính trị, kinh tế tạo sức ép khác nhau lên giá dầu như lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm dầu của Nga; OPEC+ quyết định giữ nguyên các biện pháp hạn chế sản lượng; dự trữ dầu và các sản phẩm lọc dầu của Mỹ tăng mạnh; Trung Quốc chính thức gỡ bỏ hầu hết các hạn chế xuất nhập cảnh và triển vọng tiêu thụ dầu tích cực tại nước này.
"Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Thị trường tiền tệ với tỷ giá ổn định và lãi suất đang có xu hướng giảm. Trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, tình hình cung cầu thị trường diễn ra sôi động như quy luật hằng năm, nguồn cung hàng hóa dồi dào, phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân", Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google