Người bán hàng online có thể bị nêu tên và cấm xuất cảnh nếu nợ thuế

Trang Linh
10:34 - 26/02/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Mai Xuân Thành cho biết, cơ quan thuế sẽ siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử.

Người bán hàng online có thể bị nêu tên và cấm xuất cảnh nếu nợ thuế- Ảnh 1.

Cơ quan chức năng sẽ tiếp tục siết chặt quản lý nghĩa vụ thực hiện thuế của người kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử.

Đã có Luật và quy định nhưng vẫn khó kiểm soát việc đóng thuế của người bán hàng online

Tại cuộc họp trao đổi, thảo luận về kế hoạch triển khai thực hiện và đề xuất các giải pháp cụ thể chống thất thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử mới đây, Tổng Cục trưởng Tổng Cục thuế Mai Xuân Thành cho biết, cơ quan thuế sẽ siết quản lý thu thuế từ thương mại điện tử và người bán hàng online. 

Theo đó, danh sách những người bán hàng online nợ thuế sẽ bị công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Ngoài ra, cơ quan thuế có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có xem xét tạm hoãn xuất cảnh đối với người bán hàng thương mại điện tử chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Hiện nay, những cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ thực hiện đóng lệ phí môn bài từ 300.000-1.000.000 đồng tùy thuộc doanh thu từ 100 hay trên 500 triệu đồng. 

Ngoài ra, các cá nhân, hộ kinh doanh bán hàng trên các trang mạng xã hội như TikTok, Facebook, Zalo, sàn thương mại điện tử… còn nộp thuế thu nhập cá nhân 0,5%, thuế giá trị gia tăng 1% trên doanh thu. Nếu trốn tiền thuế từ 100 đến dưới 300 triệu đồng sẽ bị phạt từ 100-500 triệu đồng, thậm chí bị phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020 quy định tạm hoãn xuất cảnh với người nộp thuế đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế. Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp người nộp thuế có quyền quyết định tạm hoãn, gia hạn, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh.

Các biện pháp trên đã được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, riêng với người bán hàng qua thương mại điện tử, cơ quan thuế chủ yếu tuyên truyền, khuyến khích, đôn đốc để các tổ chức, cá nhân kinh doanh và các bên thứ ba tự giác kê khai, nộp thuế.

Tuy nhiên, cơ quan thuế không dễ quản lý đầy đủ các nguồn thu, xác định đối tượng nộp thuế, căn cứ tính thuế, phân biệt rõ loại thu nhập, kiểm soát giao dịch kinh doanh, dòng tiền.

Theo Bộ Tài chính, trước kia khi chưa được bổ sung thẩm quyền này, các cá nhân nợ thuế, chủ doanh nghiệp, nhất là các chủ doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài đã "cao chạy xa bay" trước khi cơ quan Hải quan đề nghị tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên để chống thất thu ngân sách Nhà nước và thu hồi số thuế nợ đọng từ các cá nhân, doanh nghiệp, quy định này là cần thiết để tránh các đối tượng nợ thuế bỏ trốn.

Người bán hàng online có thể bị nêu tên và cấm xuất cảnh nếu nợ thuế- Ảnh 2.

Thương mại điện tử thu về hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm. Ảnh: Pexels

Nghiên cứu cách quản lý, thu thập dữ liệu về hộ, người bán hàng online

Tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cũng lưu ý các đơn vị liên quan nghiên cứu cách quản lý, thu thập dữ liệu về hộ, người bán hàng online thông qua chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh tại Việt Nam, các đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán...

Theo quy định hiện hành, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán. Riêng các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán.

Bộ Tài chính cũng ký các thỏa thuận, phối hợp về cung cấp thông tin với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và đang trong quá trình xây dựng dự thảo Thỏa thuận phối hợp công tác với Ngân hàng Nhà nước.

Dựa trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ rà soát để đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp nhằm điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Theo Tổng cục Thuế, trong năm 2023 đã có 74 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, kê khai và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Các nước ngoài đã nộp là 8.096 tỉ đồng, trong đó đã có 6.896 tỉ đồng khai, nộp trực tiếp qua qua Cổng thông tin điện tử và 1.200 tỉ đồng do các bên Việt Nam khấu trừ nộp thay.

Đối với Cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế, đến nay cũng đã ghi nhận 357 sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện việc cung cấp thông tin… Đồng thời, đến nay cơ quan thuế đã tiến hành truy thu, xử lý vi phạm đối với 179 doanh nghiệp và 1.061 cá nhân có hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử với số tiền khoảng 275 tỉ đồng.

Mặc dù số thu thuế thương mại điện tử tăng trong những năm qua nhưng vẫn còn nhiều hạn chế so với giá trị hàng hóa và tiêu dùng thương mại điện tử tại Việt Nam. 

Theo số liệu của Bộ Công thương, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam 2023 dự kiến đạt 20,5 tỉ USD, tăng khoảng 4 tỉ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.

Các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…