Không đăng ký thương mại điện tử khi bán hàng online bị phạt tới 30 triệu đồng

Dũng Minh
17:30 - 02/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo quy định của Bộ Công Thương, các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ online đều phải thông báo hoặc đăng ký theo quy định.

Không đăng ký thương mại điện tử khi bán hàng online bị phạt tới 30 triệu đồng - Ảnh 1.

Việc thực hiện giao dịch trực tuyến sẽ được đảm bảo bởi pháp luật, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Ảnh minh họa/IT

Nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử chưa có nhận thức rõ ràng về việc này và chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục. Điều này có thể khiến họ phải đối mặt với nguy cơ bị xử phạt theo Nghị định số 52/2013/NĐ-CP, Thông tư số 47/2014/TT-BCT và Nghị định số 185/2013/NĐ-CP.

Cụ thể, các website/ứng dụng thương mại điện tử cần phải thông báo hoặc đăng ký gồm: Website thương mại điện tử do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thiết lập để bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ của mình hoặc để xúc tiến thương mại; website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử do các doanh nghiệp, tổ chức thiết lập để tạo môi trường cho các bên khác giao dịch. Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm sàn giao dịch thương mại điện tử, website đấu giá trực tuyến, website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công Thương quy định. Đối với các ứng dụng trên thiết bị điện tử có nối mạng, tùy theo tính năng của ứng dụng mà doanh nghiệp, tổ chức phải tuân thủ các quy định tương ứng.

Đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương. Nguyên nhân có thể là do doanh nghiệp chưa nắm rõ các quy định, chính sách về thương mại điện tử , hoặc chưa được tư vấn về các thủ tục cần thiết.

Phạt tiền lên tới 30 triệu đồng nếu doanh nghiệp không đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử

Đây là một thiếu sót lớn, vì việc đăng ký, thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng không chỉ là yêu cầu bắt buộc của pháp luật, mà còn là cách để doanh nghiệp nâng cao uy tín, khẳng định thương hiệu và xây dựng lòng tin của khách hàng. Khi nhận được xác nhận của Bộ Công Thương, doanh nghiệp sẽ được cung cấp logo để gắn lên website/ứng dụng của mình. Logo này sẽ dẫn tới đường link xác nhận trên trang của Bộ Công Thương.

Ngoài ra, việc tuân thủ quy định của pháp luật cũng giúp doanh nghiệp tránh những hậu quả pháp lý không mong muốn, như bị xử phạt tiền với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu không thông báo website/ứng dụng thương mại điện tử, bán hàng, gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi thông báo website. Mức phạt tiền lên tới 20 - 30 triệu đồng nếu doanh nghiệp không đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử, gian dối hoặc cung cấp thông tin sai sự thật khi đăng ký website/ứng dụng cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, việc thực hiện giao dịch trực tuyến sẽ được đảm bảo bởi pháp luật, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp.

"Việc thông báo, đăng ký website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng với Bộ Công Thương là điều kiện cần thiết đối với doanh nghiệp trong việc tiếp cận và mở rộng thị trường trên môi trường số. Các website/ứng dụng thương mại điện tử bán hàng khi tuân thủ đúng quy định của pháp luật, sẽ nhận được quyền và lợi ích của mình khi thực hiện giao dịch trực tuyến được đảm bảo bởi pháp luật, tạo dựng được niềm tin cho khách hàng khi sử dụng sản phẩm, dịch vụ của mình", đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.