Ngày này năm xưa: Kỳ tích bắn rơi B52, bảo vệ bình yên bầu trời Hà Nội
Cũng vào mùa đông của 50 năm trước, trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972, Không quân Mỹ đã sử dụng tới hàng chục nghìn tấn bom rải thảm nhằm “đưa Hà Nội trở về thời kỳ đồ đá”. Thế nhưng, với tinh thần mưu trí, dũng cảm tuyệt vời, quân và dân ta đã làm nên kỳ tích bắn rơi các pháo đài bay B52.
Kỷ niệm bắn rơi B52
Mùa đông năm 1972 cách đây 50 năm, toàn thế giới đã chứng kiến cuộc chiến 12 ngày đêm khói lửa giữa quân và dân Việt Nam với đế quốc Mỹ qua cuộc đọ sức "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không". Người thắng cuộc không phải ai khác mà chính là nhân dân Việt Nam, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Chiến thắng Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ ngay sau đó phải ngồi vào bàn đàm phán để ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (tháng 1/1973), đồng thời cũng tạo tiền đề cho cuộc Tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975.
Nhắc đến "Điện Biên Phủ trên không" không thể không nhắc tới Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân - phi công Việt Nam đầu tiên bắn rơi B52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội.
Chia sẻ về bối cảnh lịch sử trận "Điện Biên Phủ trên không" mà ông trực tiếp tham gia và bắn rơi máy bay B52, Trung tướng Phạm Tuân cho biết: Ngày 5/8/1964, Mỹ bắt đầu cho máy bay đánh phá miền Bắc. Năm 1966, Trung ương và đặc biệt là Bác Hồ đã căn dặn bộ đội phòng không không quân: "Trước sau địch cũng đánh ra Hà Nội và thế nào cũng dùng máy bay B52. Bây giờ Mỹ có B52 nhưng các chú chưa có gì đánh được nó cả nên phải nghiên cứu để đến khi đánh sẽ được".
Năm 1967, quân đội ta đã chuẩn bị lực lượng và nghiên cứu cách đánh B52. Vì vậy, năm 1972, khi Mỹ dùng B52 đánh Hà Nội, chúng ta đã không bị bất ngờ.
Theo Trung tướng Phạm Tuân, trước khi đưa B52 đánh phá miền Bắc, Mỹ đã nghiên cứu rất kỹ lực lượng, phương tiện của chúng ta, đồng thời cũng nắm rất rõ ta có những loại tên lửa, pháo, máy bay nào… và thuộc địa chỉ từng sân bay của ta. Do đó, Mỹ rất tự tin khi đưa B52 ném bom, đánh phá Hà Nội và miền Bắc vào cuối năm 1972.
Máy bay B52 của Mỹ thời đó được coi là "siêu pháo đài bay", là một trong 3 loại vũ khí chiến lược của Mỹ lúc bấy giờ, gồm B52, tàu ngầm nguyên tử và tên lửa hạt nhân. Đó còn gọi là "quả đấm thép" của Mỹ để triển khai chiến tranh hiện đại.
Một chiếc B52 có thể mang được 30 tấn bom. Mỗi khi xuất kích, B52 thường được nhiều máy bay khác bay cùng để yểm trợ như F4, F100, F111... Mặt khác, hệ thống làm nhiễu sóng ra đa của các máy bay này rất hiện đại nên chúng ta rất khó phát hiện B52 để tấn công. Nhưng bộ đội ta đã phối hợp tổng lực gồm không quân đánh vòng ngoài, tên lửa đánh vòng trong từ nơi cách Hà Nội khoảng 40km-50km.
Lực lượng Không quân được Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định hai nhiệm vụ chủ yếu là đánh từ xa, uy hiếp và tiêu diệt B52 trước khi chúng vào mục tiêu và phối hợp với pháo phòng không đánh địch ban ngày bảo vệ mục tiêu, đặc biệt là bảo vệ các trận địa tên lửa, để tên lửa tập trung đánh B52 ban đêm.
"Đêm 27/12/1972, tôi được lệnh xuất kích với sự dẫn đường của 2 trạm ra đa Mộc Châu và Thọ Xuân. Phi công ta chủ động tránh các tốp F4 bay về hướng Sơn La, Nà Sản, sau đó vòng trái tăng tốc độ, độ cao và phát hiện được B52 ở cự ly 10km. Với tốc độ lớn, lại được dẫn đường thông báo kịp thời, phi công bình tĩnh vượt các tốp F4 bám sát mục tiêu B52, đến cự ly gần 2km và phóng hai quả đạn tên lửa vào cùng chiều bên phải B52. Đây là chiếc B52 đầu tiên bị bộ đội không quân tiêu diệt", Trung tướng Phạm Tuân cho biết.
Địch định "san phẳng" Hà Nội nhưng trong suốt chiến dịch 12 ngày đêm ấy, Hà Nội chỉ phải chịu 2 vệt bom B52. Có được điều này là vì lực lượng phòng không - không quân đã đánh B52 từ xa, khi chúng còn cách xa Hà Nội.
Chiến thắng nhờ sự đoàn kết quân dân
Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân cho biết ông đã đi nhiều, gặp cả phi công Mỹ, họ rất ngạc nhiên vì sao Việt Nam lại đánh được B52 của Mỹ trong khi Mỹ dùng B52 đánh phá nhiều nước nhưng chưa nước nào hạ được pháo đài bay này.
Sau 50 năm, chúng ta đã có câu trả lời: Việt Nam đánh được B52 là nhờ sự nhạy cảm, đánh giá đúng âm mưu, thủ đoạn, hành động thực tế của đối phương.
Đến thời điểm B52 đánh Hà Nội thì đó là thời điểm quyết định một mất một còn giữa ta và địch. Nếu so sánh lực lượng bằng con số thì ta không hơn gì đối phương. Tuy nhiên, nhờ ý chí và lòng quyết tâm của toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cũng như việc chúng ta đã biết trước được âm mưu của địch để chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc chiến đầy gian khó, chúng ta đã giành chiến thắng.
"Nguồn gốc của chiến thắng rất nhiều nhưng điều trước tiên theo tôi, đó là sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, của Bác Hồ đã đánh giá và dự đoán được trước tình hình. Từ đó chúng ta chuẩn bị tinh thần, lực lượng, sau đó là chuẩn bị vũ khí cho trận đánh", Trung tướng Phạm Tuân nói.
Một điều nữa làm nên chiến thắng của nhân dân ta là sự đoàn kết. Trong chiến dịch "Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không", tất cả quân binh chủng đều tham gia và trở thành sức mạnh tổng hợp. Nếu để B52 vào ném bom Hà Nội như mưu đồ của Mỹ thì chắc chắn Hà Nội sẽ chịu nhiều thiệt hại về người và của. Nhưng "Bác Hồ có dặn là dù Mỹ có B57, B52 hay B gì đi nữa thì chúng ta cũng đánh và đánh là phải thắng", Trung tướng Phạm Tuân kể lại.
Chính vì quyết tâm ấy, sau nhiều ngày đêm bộ đội tên lửa cũng tìm cách đánh, bộ đội không quân cũng tập luyện thường xuyên để ứng phó tốt nhất, bắn rơi máy bay Mỹ nhiều nhất.
Mỗi lần địch vào đánh sân bay là toàn dân xung quanh đó cũng đến sân bay sửa sang để máy bay ta tiếp đất an toàn.
Trung tướng Phạm Tuân khẳng định: "Không có một nước nào làm được như thế cả. Tôi muốn nói rằng cũng là nhờ vào sức mạnh tổng hợp của toàn dân đã tạo nên chiến thắng 12 ngày đêm của quân và dân ta".
Đầu tháng 12/1972, Mỹ đình chỉ việc ký Hiệp định Paris. Tổng thống Mỹ Nixon đe dọa sẽ ném bom hủy diệt Hà Nội nhằm buộc chúng ta chấp nhận những điều khoản có lợi cho Mỹ trên bàn Hội nghị Paris.
Từ tối 18 - 29/12/1972, Mỹ tiến hành chiến dịch Linebacker II, huy động 193 máy bay chiến lược B52, hơn 1.077 máy bay chiến thuật các loại, 50 máy bay KC.135 tiếp dầu trên không, 6 tàu sân bay và các phương tiện chiến tranh hiện đại nhất ném bom đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số mục tiêu khác. Liên tục trong 12 ngày đêm, pháo đài bay B52 đã rải thảm hơn 20.000 tấn bom, đạn các loại xuống miền Bắc Việt Nam.
Bằng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, chúng ta đã xây dựng được thế trận phòng không - không quân nhân dân rộng khắp, nòng cốt là bộ đội phòng không.
Kết quả chiến đấu sau 12 ngày đêm, quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay, có 34 B52; riêng Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 53 máy bay, trong đó có 32 chiếc B52 (16 chiếc rơi tại chỗ), làm nên chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không", buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, tạo ra bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google