"Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" - Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam
Từ ngày 18-29/12/1972, quân dân miền Bắc Việt Nam đã anh dũng chiến đấu đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, lập nên một kỳ tích vang dội: chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12/1972 - 12/2022), Tạp chí điện tử Công dân & Khuyến học xin giới thiệu quá trình chiến đấu, giành chiến thắng của quân và dân ta trong Chiến dịch Điện Biên phủ trên không.
Sau thất bại của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965), đầu năm 1965, đế quốc Mỹ chuyển sang chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam và sử dụng không quân, hải quân đánh phá ra miền Bắc. Bị thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam - Bắc, ngày 01/11/1968, Tổng thống Mỹ Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom, kết thúc cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ nhất, đồng thời chuyển sang thực hiện Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Đầu năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta bước vào giai đoạn quyết liệt. Trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao, ta đều giành thắng lợi to lớn. Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của đế quốc Mỹ có nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, ngày 06/4/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon vội vã ra lệnh tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc với quy mô lớn hơn, tính chất ác liệt, tàn bạo hơn nhiều so với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất. Mỹ sử dụng máy bay chiến lược B-52 đánh phá các tỉnh: Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hoá, Hải Phòng... nhưng đều bị đánh bại; cục diện chiến tranh chuyển hướng có lợi cho ta.
Chiến tranh kéo dài khoét sâu thêm những mâu thuẫn trong nội bộ và làm trầm trọng hơn những khó khăn về kinh tế, chính trị, xã hội của nước Mỹ; cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, sức ép của cử tri, của phong trào phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam và các lực lượng chính trị ở Mỹ tác động mạnh mẽ đến Tổng thống Richard Nixon. Trong khi đó, Hội nghị đàm phán bốn bên tại Pari đã kéo dài 4 năm mà Mỹ vẫn chưa tìm được lối thoát. Đầu tháng 10/1972, ta đưa ra dự thảo Hiệp định “Về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” và phía Mỹ chấp thuận bản dự thảo này. Tuy nhiên, sau khi tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai, Richard Nixon đã trắng trợn lật lọng, xóa bỏ dự thảo Hiệp định đã thỏa thuận, đòi Việt Nam phải sửa chữa 126 điểm mà trước đó phía Mỹ đã hoàn toàn nhất trí và tuyên bố ngừng đàm phán vô thời hạn với ta.
Để cứu vãn Chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” và tình hình, đế quốc Mỹ đã âm mưu tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B-52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pari theo các điều khoản sửa đổi của chúng; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu chống Mỹ của nhân dân Việt Nam; đe doạ phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Chúng đã sử dụng máy bay chiến lược B-52: 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật: 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F.111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay: 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như: máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương.
Ngày 14/12/1972, Richard Nixon chính thức phê chuẩn kế hoạch tập kích chiến lược B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng với mật danh Linebacker II (nghĩa là Cứu bóng trước khung thành II).
Những diễn biến chính của Chiến dịch Phòng không Hà Nội
Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 17/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh mở cuộc tập kích bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc.
Sáng ngày 18/12/1972, Phủ Thủ tướng điện chỉ đạo các bộ, cơ quan và một số địa phương: “Địch có thể ném bom Hà Nội - Hải Phòng, cần thực hiện tốt kế hoạch sơ tán nhân dân của thành phố”. Bộ Tổng Tham mưu điện chỉ đạo các đơn vị: “Đề phòng địch dùng B-52 đánh phá các mục tiêu trọng điểm. Các binh chủng: pháo cao xạ, tên lửa, rađa, không quân, pháo binh sẵn sàng chiến đấu, kịp thời đánh trả máy bay, tàu chiến địch. Tổ chức quan sát, báo động, sơ tán, đào hầm hào, phối hợp với Công an và nhân dân làm tốt công tác bảo vệ an ninh, bảo vệ tài sản...”.
18 giờ 50 phút, Quân chủng Phòng không - Không quân chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 1; 19 giờ 10 phút, Đại đội rađa 16 phát hiện nhiễu B-52. 19 giờ 15 phút, Trung đoàn 291 phát hiện B-52 và báo cáo: “B-52 đang vào miền Bắc”. 19 giờ 25 phút, không quân ta được lệnh cất cánh đón đánh các tốp máy bay chiến thuật của địch.
Từ 19 giờ 25 phút đến 20 giờ 18 phút, nhiều tốp B-52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực sân bay Nội Bài, Đông Anh, Yên Viên, Gia Lâm; 19 giờ 44 phút, quả đạn tên lửa đầu tiên của Tiểu đoàn 78 thuộc Trung đoàn Tên lửa 257 được phóng lên - cuộc chiến đấu 12 ngày đêm của lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội bắt đầu.
Trung đoàn Tên lửa 261 được lệnh đánh tập trung, tiêu diệt tốp máy bay 671 từ hướng Tam Đảo đánh phá các kho tàng ở Đông Anh, Cổ Loa. Một kíp chiến đấu của Tiểu đoàn 59 đã phóng 2 quả đạn từ cự ly thích hợp, hạ 01 máy bay B-52. Đây là chiếc B-52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội, cách trận địa chưa đầy 10km. Thắng lợi hạ gục tại chỗ “Siêu pháo đài bay B-52” ngay trong đêm đầu tiên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về tư tưởng và tác chiến, giải tỏa những lo lắng, băn khoăn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh và tất cả cán bộ, chiến sĩ trực tiếp chiến đấu bảo vệ Hà Nội.
Đêm 18 rạng ngày 19 tháng 12, Mỹ huy động 90 lần chiếc B-52 ném 3 đợt bom xuống Thủ đô Hà Nội, xen kẽ có 8 lần chiếc F-111 và 127 lần chiếc máy bay cường kích; ném khoảng 6.600 quả bom xuống 135 địa điểm thuộc Thủ đô Hà Nội, 85 khu vực dân, làm chết 300 người. Quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 6 máy bay các loại, trong đó có 3 máy bay B-52 (2 chiếc rơi tại chỗ).
Sáng ngày 19/12/1972, Bộ Chính trị họp, chỉ đạo về đánh máy bay B-52. Đêm ngày 19/12, máy bay B-52 tiếp tục ném bom Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Nguyên, Nam Định. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 87 lần chiếc B-52 và hơn 200 lần chiếc máy bay cường kích ném 3 đợt bom xuống 68 điểm thuộc nội và ngoại thành. Các lực lượng phòng không ba thứ quân của ta đã anh dũng chiến đấu, bắn rơi 1 máy bay B-52; 1 máy bay F-4.
Đêm ngày 20/12/1972 (bắt đầu từ lúc 19 giờ 27 phút), địch sử dụng 93 lần chiếc B-52 và hơn 100 lần chiếc máy bay cường kích các loại vào đánh phá Hà Nội và một số mục tiêu ở khu vực Hải Phòng, Thái Nguyên. Rút kinh nghiệm các trận đánh trước, quân và dân ta đã anh dũng, mưu trí, lập công xuất sắc: chỉ với 35 quả đạn đã bắn rơi 07 chiếc B-52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ). Đại đội tự vệ của 3 nhà máy (Cơ khí Mai Động, Gỗ Hà Nội và Cơ khí Lương Yên), bằng 19 viên đạn 14,5 mm đã bắn rơi 1 máy bay F-111 “cánh cụp cánh xòe” của địch.
Ngày 21/12/1972, địch sử dụng 180 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm địch huy động 24 lần chiếc B-52, 36 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu trọng yếu của ta tại Hà Nội và một số khu vực tại Bắc Giang, Hải Phòng. Phát huy khí thế chiến thắng của 3 ngày trước, quân và dân ta đã bắn rơi 11 máy bay, trong đó có 3 chiếc B-52; 02 chiếc F-4; 2 chiếc A-7; 1 chiếc F-111; 1 chiếc A-6; 1 chiếc RA-50; 1 chiếc F-105.
Ngày 22/12/1972, ban ngày, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các mục tiêu quanh Hà Nội; ban đêm, địch sử dụng 24 lần chiếc B-52 và 30 máy bay chiến thuật hộ tống, cùng 9 máy bay F-111 đánh các mục tiêu tại Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh..., các lực lượng vũ trang và Nhân dân ta đã chiến đấu anh dũng, kiên cường, bắn rơi 6 máy bay; trong đó, bắn rơi tại chỗ 3 chiếc B-52; 1 chiếc F-111; 1 chiếc F-4.
Ngày 23/12/1972, ban ngày, địch sử dụng 54 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá các khu vực ngoại thành Hà Nội; ban đêm, địch sử dụng 33 chiếc B-52 đánh Đồng Mỏ (Lạng Sơn) và khu vực Bắc Giang; 30 máy bay F-4 và F-105 và 7 máy bay chiến thuật của Hải quân, 11 máy bay F-111 đánh phá các sân bay: Nội Bài, Yên Bái,Kiến An (Hải Phòng) và một số mục tiêu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Ta bắn rơi 4 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52; 1 chiếc F-4; 1 chiếc A-7.
Ngày 24/12/1972, ban ngày, địch sử dụng 44 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá khu vực Thái Nguyên, Hà Bắc; ban đêm, địch sử dụng 33 lần chiếc B-52, 39 lần chiếc máy bay chiến thuật đánh phá ác liệt Ga Kép, Bắc Giang, các sân bay Yên Bái và khu vực Vĩnh Tuy (Hà Nội). Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 5 máy bay: 1 chiếc B-52; 2 chiếc F-4; 2 chiếc A-7.
Trước những thất bại nặng nề, 24 giờ 0 phút ngày 24/12, lấy cớ nghỉ lễ Noel, địch tạm ngừng tập kích để củng cố tinh thần, lực lượng và tìm thủ đoạn đánh phá mới.
Ngày 25/12/1972, Bộ Chính trị, Quân uỷ Trung ương nhận định: địch sẽ đánh phá trở lại Hà Nội ác liệt hơn, quân và dân thủ đô Hà Nội cùng các địa phương miền Bắc cần rút kinh nghiệm các trận đánh trước, tiếp tục củng cố tinh thần, lực lượng đánh địch trong những ngày tới. Tranh thủ thời gian địch ngừng đánh phá, cán bộ, chiến sĩ lực lượng phòng không ba thứ quân của các địa phương, nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã khẩn trương rút kinh nghiệm, tìm cách đánh, kịp thời ứng phó với các thủ đoạn đánh phá của địch.
Ngày 26/12/1972, từ 13 giờ 0 phút đến tối, địch sử dụng 56 lần chiếc máy bay cường kích các loại ném bom dữ dội các khu vực trận địa tên lửa và trạm biến thế Đông Anh. Từ 22 giờ 5 phút đến 23 giờ 20 phút, địch sử dụng 105 lần chiếc B-52 và 110 lần chiếc máy bay chiến thuật hộ tống đánh phá ồ ạt, liên tục vào nhiều mục tiêu khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, ném bom rải thảm dữ dội tàn phá tất cả các mục tiêu nội, ngoại thành Hà Nội, đặc biệt là phố Khâm Thiên và phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Hơn một giờ chiến đấu anh dũng, lực lượng phòng không ba thứ quân của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên đã bắn rơi 8 máy bay B-52 (riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, trong đó 4 chiếc rơi tại chỗ) và 10 máy bay chiến thuật khác (đây là trận đánh then chốt, quyết định nhất, bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất trong 9 ngày chiến đấu). Trong trận này, lần đầu tiên Trung đoàn 252, Quân khu Việt Bắc đã bắn rơi 1 chiếc B-52 bằng pháo cao xạ 100 mm.
Ngày 27/12/1972, buổi sáng, địch huy động 100 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch tăng cường huy động 36 lần chiếc B-52,66 lần chiếc máy bay chiến thuật yểm hộ, xen kẽ, địch dùng 17 lần chiếc F-111 tập trung đánh phá dữ dội vào khu vực Hà Nội. Ngày và đêm 27/12, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 14 máy bay trong đó có 5 chiếc B-52; 5 chiếc F-4; 2 chiếc A-7; 1 chiếc A-6; 1 máy bay lên thẳng HH-53. Đặc biệt, lần đầu tiên B-52 bị Phi công Phạm Tuân lái máy bay MiG-21 bắn rơi vào lúc 22 giờ 20 phút.
Ngày 28/12/1972, ban ngày địch huy động 131 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch sử dụng khoảng 60 lần chiếc B-52 đánh vào các mục tiêu ở khu vực nội, ngoại thành Hà Nội. Quân và dân ta tiếp tục chiến đấu dũng cảm, bắn rơi 03 máy bay, trong đó có 2 chiếc B-52 (1 chiếc do Phi công Vũ Xuân Thiều lái chiếc máy bay Mig-21 tiêu diệt và đã anh dũng hy sinh); 1 chiếc RA-5C.
Ngày 29/12/1972, do bị tổn thất nặng nề trong 11 ngày liên tiếp, máy bay B-52 của địch chỉ đánh một số địa phương vòng ngoài, không dám tập trung lực lượng ở toạ độ lửa Hà Nội nữa. Ban ngày, địch sử dụng 36 lần chiếc máy bay chiến thuật; ban đêm, địch huy động 60 lần chiếc B-52, 70 lần chiếc máy bay chiến thuật công kích các mục tiêu ở Thái Nguyên, Lạng Sơn, Vĩnh Phú, Thanh Hóa và ngoại vi Hải Phòng, Quảng Ninh. Các đơn vị phòng không vòng ngoài của ta (tiểu đoàn 72, 78, 79) đã bắn rơi 2 máy bay (1 chiếc B-52, 1 chiếc F-4). Đây là trận đánh kết thúc thắng lợi 12 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung cuối tháng 12 tháng 1972.
7 giờ sáng ngày 30/12/1972, Richard Nixon tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tiếp tục đàm phán, ký kết Hiệp định Paris.
Trong 12 ngày đêm, đế quốc Mỹ đã sử dụng 663 lần chiếc B-52 và 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 ngàn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã miền Bắc nước ta. Riêng ở Hà Nội, địch sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật ném hàng ngàn tấn bom xuống các khu phố, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học... Chúng đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc; phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga; giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác, hủy diệt phố Khâm Thiên - khu vực có mật độ dân số đông nhất Hà Nội.
Kết quả và nguyên nhân của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Kết quả
Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 quân và dân ta miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, gồm: 34 chiếc B-52; 5 chiếc F-111A; 21 chiếc F-4CE; 4 chiếc A-6A; 12 chiếc A-7; 1 chiếc F-105D; 2 chiếc RA-5C; 1 chiếc trực thăng HH-53; 1 chiếc trinh sát không người lái 147-SC, bắt sống và diệt nhiều giặc lái. Quân chủng Phòng không - Không quân bắn rơi 32 trong tổng số 34 máy bay B-52 bị bắn rơi trong chiến dịch.
Chỉ hơn 10 ngày, Không quân Hoa Kỳ đã mất gần 100 phi công, phần lớn phi công bị chết và bị bắt đều là những phi công kỳ cựu, có giờ bay rất cao. Thông thường trong chiến tranh, ở những trận tập kích đường không lớn, tỷ lệ tổn thất về máy bay của phe tiến công là khoảng 1-2%. Nhưng trong cuộc tập kích bằng đường không vào Hà Nội, riêng B-52 tỷ lệ tổn thất lên tới 17% (34/193 chiếc). Tướng Gioóc Ếttơ, Phó chỉ huy không quân chiến lược Mỹ, ngày 30/12/1972, đã thú nhận trên tạp chí US.Air Forces (Không lực Hoa kỳ): “Tổn thất về máy bay chiến lược B-52 cùng các nhân viên phi hành là hết sức nặng nề, là đòn choáng váng đánh thẳng vào những nhà vạch kế hoạch của Lầu Năm góc”. Trong hồi ký của mình, Richard Nixon viết: “Nỗi lo của tôi trong những ngày này không phải là lo những làn sóng phản đối, phê phán nghiêm khắc ở trong nước và trên thế giới, mà chính là mức độ tổn thất về máy bay B-52 quá nặng nề”.
Với việc đánh thắng cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, làm nên Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972, ngày 27/1/1973 Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết.
Nguyên nhân thắng lợi
Thứ nhất, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng và Nhân dân làm nên Chiến thắng.
Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận định tình hình, đưa ra chủ trương, quyết sách kịp thời; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt để đối phó với mọi tình huống chiến tranh, làm thất bại hoàn toàn ý đồ thâm hiểm của địch, tạo niềm tin, củng cố ý chí chiến đấu cho quân và dân ta; giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, mục đích cuối cùng là tập trung cho kháng chiến thắng lợi.
Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị và ngoại giao, vừa đánh vừa đàm để sớm giành thắng lợi; vừa tổ chức lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, vừa tổ chức sơ tán dân cư, bảo đảm an toàn. Quân ủy Trung ương đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân vừa tổ chức đánh địch vừa nghiên cứu, tổng kết, tìm tòi, sáng tạo cách đánh, kịp thời điều chỉnh tổ chức lực lượng chiến đấu, phục vụ chiến đấu, phòng tránh, đánh trả, bảo đảm an toàn, hạn chế thấp nhất tổn thất lực lượng, phương tiện, tính mạng, tài sản của Nhân dân. Quân và dân Thủ đô đã chủ động chuẩn bị về mọi mặt, đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng vũ trang, dũng cảm, kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội”. Các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Trung ương, quân đội và các địa phương liên tục mở các đợt tuyên truyền trước, trong và sau cuộc chiến đấu, kịp thời đưa đường lối, chủ trương kháng chiến của Đảng đến mọi tầng lớp nhân dân; vạch trần âm mưu, thủ đoạn, tội ác của đế quốc Mỹ và tay sai, phản ánh kịp thời tình hình chiến sự và những tấm gương chiến đấu dũng cảm; động viên, khích lệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Thứ hai, quân và dân ta đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng kẻ thù.
Quân và dân ta đã nhận thức sâu sắc nhiệm vụ chính trị, có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, đề cao cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; chủ động chuẩn bị về mọi mặt, phát huy cao nhất chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tạo thành nguồn sức mạnh to lớn trong chiến đấu, đặc biệt là tinh thần quyết tâm, dám đánh, biết đánh và quyết thắng B-52.
Cùng “chia lửa” với đồng bào miền Bắc, quân và dân miền Nam đã đẩy mạnh tiến công Mỹ - Ngụy, triển khai lực lượng, tổ chức chiến đấu trên khắp chiến trường miền Nam, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó trên nhiều hướng, nhiều mặt trận, làm giảm sức chiến đấu của chúng, gây tư tưởng chán nản, hoang mang trong binh lính với các trận đánh chống lại cuộc phản kích của không quân và hải quân Mỹ ở Bình Trị Thiên, Bắc Bình Định, Tây Nguyên; các mặt trận ở Quảng Trị, Nam Bộ, Trung Bộ đều phối hợp tiến công mạnh mẽ, mở rộng vùng giải phóng, tạo thế bao vây, uy hiếp đối với Mỹ - Ngụy.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” được tạo nên bởi sức mạnh tổng hợp từ sự lãnh đạo, trí tuệ, bản lĩnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta; trong đó, yếu tố quan trọng là tìm được cách đánh B-52. Cho đến hiện nay, Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới bắn rơi được B-52. Để đánh được “pháo đài bay bất khả xâm phạm”, ta đã tổ chức lực lượng trực tiếp đối đầu với B-52 từ tháng 5/1966, vừa trực tiếp đánh trả vừa nghiên cứu cách đánh B-52. Cuốn “Cẩm nang đỏ” mang tên “Cách đánh B-52 của bộ đội tên lửa” ra đời kịp thời, đã đúc kết kinh nghiệm trong gần 7 năm đối đầu với B-52 và các thủ đoạn của Không quân Mỹ, tìm ra cách đánh hay, phù hợp với điều kiện thực tế về vũ khí, trang bị của ta. Quân và dân ta đã nghiên cứu phát hiện điểm mạnh, yếu của địch, bảo đảm vũ khí nào cũng phát huy tác dụng, lực lượng nào cũng có thể hạ máy bay địch, kể cả dân quân tự vệ, bộ đội địa phương; kết hợp tiêu diệt, khống chế máy bay chiến thuật hộ tống, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa và không quân bắn hạ B-52.
Thứ ba, sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Chiến dịch Linebacker II bị phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới, không chỉ với các nước xã hội chủ nghĩa mà cả các nước tư bản phương Tây. Chính phủ và báo chí các nước đã lên tiếng chỉ trích hành động của đế quốc Mỹ; Tòa án quốc tế được lập ra để xét xử các tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam. Ngay trong chính nước Mỹ, nhân dân cũng biểu tình đòi Chính phủ phải chấm dứt ném bom ở miền Bắc Việt Nam.
Tầm vóc và ý nghĩa lịch sử Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Thứ nhất, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là một trong những chiến công oanh liệt, là bản hùng ca vĩ đại trong thế kỷ XX; mãi đi vào lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta như những “Chi Lăng”, “Hàm Tử”, “Đống Đa”, trở thành biểu tượng của ý chí, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Thứ hai, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” góp phần bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giữ vững thành quả cách mạng đã giành được, tạo ra bước chuyển chiến lược căn bản về cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đế quốc Mỹ liên tiếp thực hiện hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc mà đỉnh cao là cuộc tập kích đường không chiến lược cuối tháng 12/1972 hòng “đưa miền Bắc về thời kỳ đồ đá”. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tiếp tục củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, thôi thúc toàn dân đoàn kết, hăng hái thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi hoàn toàn ở cả hai miền Nam - Bắc.
Thứ ba, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân, của thế trận phòng không nhân dân; là chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần của toàn dân tộc Việt Nam; là ý chí, quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết thắng giặc Mỹ xâm lược.
Kế thừa và phát triển truyền thống nghệ thuật quân sự Việt Nam, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” chứng minh cho chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Một dân tộc tuy đất không rộng, người không đông nhưng biết đoàn kết đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của một Đảng Mácxít chân chính, với đường lối và phương pháp cách mạng đúng đắn có thể chiến thắng mọi kẻ thù với vũ khí trang bị hiện đại nhất.
Thứ tư, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đánh bại sức mạnh quân sự hùng hậu của chủ nghĩa đế quốc, góp phần dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới; làm tăng thêm sức mạnh, củng cố niềm tin cho các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" làm thất bại toàn bộ các mục tiêu chiến lược phía Mỹ đặt ra; đặc biệt, không những không đè bẹp được ý chí chiến đấu của quân và dân ta mà còn làm tăng thêm tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cả dân tộc, làm sụp đổ “thần tượng không lực Hoa Kỳ”, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội trên thế giới. Sự thất bại toàn diện cả về chiến lược quân sự và chính trị của đế quốc Mỹ báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới. Sau Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đã đứng lên đấu tranh giành độc lập, chủ quyền.
Thứ năm, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã chứng minh sức sống của học thuyết Mác - Lênin về chiến tranh, cách mạng và giá trị tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Đó là những quan điểm, tư tưởng về nguồn gốc, bản chất, tính chất của chiến tranh, về xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân và tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng... Những quan điểm, tư tưởng đó đã được Đảng ta quán triệt sâu sắc, vận dụng sáng tạo, hiệu quả, thể hiện trong đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để chiến thắng mọi kẻ thù.
Bài học kinh nghiệm
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi căn bản cục diện của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, buộc Chính phủ Mỹ phải ký Hiệp định Pari, chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng cũng để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, đó là:
Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, của cấp ủy các cấp; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng; tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, xây dựng tinh thần chủ động, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng.
Kế thừa và phát huy nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn trên cơ sở phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, vừa đánh, vừa tìm cách đánh sáng tạo.
Chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo, đánh giá đúng tình hình; thường xuyên theo dõi, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn của địch, nắm vững lực lượng, phương tiện, ý đồ và hướng tiến công chủ yếu của địch để có phương án tác chiến phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân, phòng không nhân dân vững chắc; phát huy tốt vai trò nòng cốt của các lực lượng thường trực Phòng không - Không quân.
Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế, của nhân dân tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.
Trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các địa phương trên cả nước đã chủ động phát huy nội lực để phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, thực hiện tốt các chính sách xã hội, tạo sự phát triển nhanh, bền vững và giành được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Đến nay, Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh luôn nằm trong danh sách những địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), dẫn đầu về đóng góp cho ngân sách Nhà nước và có thu nhập đầu người cao nhất cả nước.
Tiếp nối truyền thống anh hùng, trong những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân chủng Phòng không - Không quân đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; xây dựng các lực lượng Phòng không - Không quân, phòng không nhân dân, tạo thành thế trận phòng không nhân dân vững mạnh và rộng khắp, có khả năng sẵn sàng chiến đấu cao; luôn chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, âm mưu, thủ đoạn của địch, nhất là đối tượng tác chiến phòng không để có phương án tác chiến chính xác, kịp thời, phù hợp. Trong xây dựng hiện đại hóa, Quân chủng đã tiếp nhận, đưa vào sử dụng nhiều loại vũ khí, trang bị mới của các lực lượng như Không quân, Rađa, Tên lửa, Cao xạ, Phòng không lục quân... Thực hiện tốt việc phát huy nội lực, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất; cải tiến, sửa chữa, nâng cao tính năng kỹ thuật, chiến thuật của một số loại vũ khí, trang bị hiện có,luôn bảo đảm sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện; coi trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng Quân chủng ngày càng “tinh, gọn, mạnh”, thực sự trở thành lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc vùng trời của Tổ quốc.
Trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những diễn biến phức tạp, khó lường; hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á phát triển năng động nhưng vẫn tồn tại nhiều nhân tố gây mất ổn định; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo ngày càng gay gắt. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn đan xen, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp; bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn lớn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá Đảng và Nhà nước ta. Bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và thích ứng với biến đổi khí hậu luôn là yêu cầu cấp thiết, đồng thời là những thách thức rất lớn đối với nước ta trong thời gian tới.
Để góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Ðảng; xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; việc phát huy tinh thần chiến đấu và chiến thắng kẻ thù của quân và dân ta, trong đó có chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là rất cần thiết.
Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước ta, kế thừa và phát huy truyền thống hòa hiếu của dân tộc, coi trọng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đẩy mạnh quan hệ hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển với các nước trên thế giới theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; bình đẳng, cùng có lợi, giải quyết các tranh chấp, bất đồng bằng phương pháp hòa bình; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực với nước khác; thường xuyên nêu cao cảnh giác, sẵn sàng tự vệ, đập tan mọi hành động xâm lược, kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ thành quả cách mạng.
Lực lượng vũ trang nhân dân mà nòng cốt là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cần tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong xây dựng nền quốc phòng, an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng và củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân; không ngừng nâng cao tiềm lực mọi mặt của đất nước, ngăn ngừa và sẵn sàng đánh thắng các loại hình chiến tranh xâm lược của kẻ thù trong mọi hoàn cảnh; kiên quyết không để bị động, bất ngờ, nhất là trước khả năng địch tấn công từ trên không, trên biển; bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại,một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
50 năm đã trôi qua, nhưng ý nghĩa lịch sử của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” vẫn còn nguyên giá trị. Chúng ta thêm tin tưởng, tự hào về Đảng ta, một Đảng mácxít kiên cường, luôn kiên định với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối đúng đắn, sáng tạo, đã lãnh đạo toàn dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; tự hào về truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc ta; về lòng yêu nước, ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước mọi kẻ thù xâm lược. Đó là cội nguồn của sức mạnh nội lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
*Ảnh trong bài được sử dụng từ nhiều nguồn tư liệu khác nhau.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google