Ngày 15/8: Mở phiên đầu tuần, giá vàng, dầu thô, tiền ảo đồng loạt giảm

Li Lê
10:21 - 15/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi chạm ngưỡng 1.800 USD/ounce, giá vàng lại "đảo chiều" giảm. Tương tự, mở phiên đầu tuần, giá dầu thô và Bitcoin cũng đồng loạt giảm.

Giá vàng

Sáng 15/8, các cơ sở kinh doanh vàng trong nước không điều chỉnh giá vàng. Hiện tại, giá vàng trong nước đang niêm yết quanh mức 66,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 67,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. 

Với giá vàng trong nước đứng yên và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức quanh 1.800 USD/ounce (tương đương gần 51,1 triệu đồng/lượng, nếu quy đổi theo tỉ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới hiện trên 16 triệu đồng/ lượng.


Giá mua vào (VNĐ/lượng)Giá bán ra (VNĐ/lượng)

DOJI Hà Nội

66.550.000

67.550.000

DOJI Thành phố Hồ Chí Minh

66.600.000

67.550.000

SJC Thành phố Hồ Chí Minh

66.600.000

67.600.000

SJC Hà Nội

66.600.000

67.620.000 

SJC Đà Nẵng

66.600.000

67.620.000 

Phú Quý SJC

66.550.000

67.550.000

Vietinbank Gold

66.300.000

67.320.000

Tính đến sáng 15/8, giá vàng thế giới có xu hướng giảm sau khi đứng yên trong ngày nghỉ cuối tuần. Khoảng 9 giờ sáng (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch ở mức 1.798.20 USD/ounce. 

Đóng cửa phiên giao dịch tuần trước, vàng đã có tuần tăng thứ 4 liên tiếp với mức tăng 1,5%. Giá vàng kỳ hạn tháng 12 trên sàn Comex giao dịch lần cuối ở mức 1.818,1 USD/ounce.

Ngày 15/8: Mở phiên đầu tuần, giá vàng, dầu thô, tiền ảo đồng loạt giảm - Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng thế giới tính đến 9 giờ sáng 15/8 (theo giờ Việt Nam).
Nguồn: Kitco

Mặc dù vàng tăng vượt ngưỡng 1.800 USD/ounce, tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lo ngại vàng có khả năng “lao dốc” trở lại mức 1.700 USD/ounce. 

Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều nhà phân tích kỳ vọng vàng sẽ phục hồi sau báo cáo công bố cho thấy lạm phát Mỹ giảm tốc.

Trưởng nhóm chiến lược gia thị trường Phillip Streible của Blue Line Futures nhận định, đã có một đợt phục hồi về tâm lý chấp nhận rủi ro trên thị trường chứng khoán, vốn đã lấy đi dòng tiền khỏi vàng. Streible chỉ ra rằng ông rất thận trọng khi bước vào tuần tới sau khi vàng không thể vượt qua mức 1.850 USD/ounce.

Vị chuyên gia này cho rằng, đầu tuần trước, vàng đã tăng trở lại sau khi đồng USD suy yếu. Tuy nhiên, kim loại quý này đã không thể bứt phá. Ông cho rằng, kim loại quý này phải đạt mức 1.850 USD/ounce, đó là một giá trị hợp lý.

Chiến lược gia Streible nói thêm, vàng cần đóng cửa ở mức 1.825 USD/ounce để khôi phục lại động lực tăng giá mới.

Trong khi đó, Giám đốc chiến lược hàng hóa toàn cầu Bart Melek của TD Securities cho biết, ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là xung quanh đường trung bình động 50 ngày ở mức 1.783 USD và mức kháng cự là 1.830 USD/ounce. Nếu vàng không thể giữ được mức 1.783 USD/ounce, giá có thể rơi xuống mức 1.772 USD/ounce.

Những thông tin được thị trường chờ đợi trong tuần này là biên bản cuộc họp tháng 7 của Ủy ban Thị trường mở liên bang (FOMC), dữ liệu doanh số bán lẻ và dữ liệu nhà ở của Mỹ.

Ngày 15/8: Mở phiên đầu tuần, giá vàng, dầu thô, tiền ảo đồng loạt giảm - Ảnh 2.

Giá vàng, dầu thô và tiền ảo đều ghi nhận xu hướng giảm.

Giá dầu

Tính đến sáng 15/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 91,7 USD/thùng, giảm 0,42%. Giá dầu Brent dừng lại ở mức 97,71 USD/thùng, giảm 0,45%.

Trong tuần qua, chuẩn dầu Brent đã tăng 3,4% sau khi giảm 14% vào tuần trước đó do lo ngại rằng lạm phát và lãi suất tăng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và nhu cầu về nhiên liệu, trong khi chuẩn dầu WTI cũng tăng 3,5%.

Số liệu lạm phát của Mỹ được công bố tuần qua đã cho thấy lạm phát có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Điều này đã hỗ trợ giá dầu nhích dần trở lại mốc 100 USD/thùng. 

Theo Eli Tesfaye, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures ở Chicago, sức tăng giá trên thị trường không nhiều vì thế, sự giảm giá của đồng USD chỉ làm giá dầu tăng nhẹ.

Tuần vừa qua, trong khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) hạ dự báo triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu cho cả năm 2022, thì Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) lại nâng dự báo.

Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: 

Loại xăng/dầuGiá bán

Xăng E5 RON 92

< 23.725 đồng/lít

Xăng RON95

< 24.669 đồng/lít

Dầu diezel 0.05S 

< 22.908 đồng/lít

Dầu hỏa

< 23.320 đồng/lít

Dầu mazut 180CST 3.5S

< 16.548 đồng/kg

Bitcoin

Tính đến sáng sớm 15/8 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin trên sàn CoinDesk giao dịch ở ngưỡng 24.337 USD, giảm 0,3%, tương đương mỗi coin mất 89 USD.

Theo CoinMarketCap, khối lượng giao dịch Bitcoin trong 24 giờ qua vào khoảng 22,8 tỉ USD, vốn hóa thị trường ở mức 465,5 tỉ USD.

Do ảnh hưởng từ Bitcoin, nhiều đồng tiền ảo vốn hóa lớn cunhx lao dốc, như Ethereum giảm 1,9%, Tether giảm 0,1%, Binance Coin giảm 1,8%, Ripple giảm 0,01%,... khiến tổng vốn hóa toàn thị trường “bốc hơi” 0,7% về 1.116 tỉ USD.

Nhiều nhà giao dịch chuyên nghiệp cho rằng, giá Bitcoin gần đây đang nương theo đà tăng của những tài sản rủi ro khác như cổ phiếu sau báo cáo lạm phát tháng 7 của Mỹ. Dữ liệu lạm phát thấp hơn đã thúc đẩy tâm lý của các nhà đầu tư, khuyến khích triển vọng tăng giá tổng thể. Vì vậy, nếu đà tăng này tiếp tục được duy trì, Bitcoin được hy vọng sẽ có thể bứt phá và đảo chiều lên mức quanh 25.500 USD.

Ngược lại, cũng xuất hiện không ít nhận định khá bi quan, cho rằng Bitcoin sẽ lao dốc, thậm chí “đáy” có thể ở mức 10.000 USD. Như ông Edward Moya, chuyên gia phân tích tại hãng tư vấn Americas Oanda (có trụ sở ở Mỹ), nhận định, nếu giá Bitcoin giảm xuống dưới ngưỡng 20.000 USD/coin, tình hình có thể tiếp tục xấu đi.

Nhà phân tích thị trường Francis Hunt dự báo, giá Bitcoin thậm chí có thể giảm xuống mức thấp nhất là 8.000 USD trước khi tăng trở lại.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.
Nguồn: Tổng hợp