Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có động thái hỗ trợ khách hàng
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng vừa ký Chỉ thị 02 về việc tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân
Chỉ thị 02 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là một trong những biện pháp quan trọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Đây là sự tiếp nối của các chính sách linh hoạt và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng để duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Theo Chỉ thị 02, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023, bao gồm:
Triển khai các giải pháp tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay, giảm các loại phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Tuân thủ quy định pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định. Đồng thời, đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo khách quan, đúng bản chất của nợ xấu.
Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp. Triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ...
Nghiêm cấm hành vi gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng
Đối với các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước, tiếp tục tham mưu triển khai có hiệu quả các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất... theo các nhiệm vụ được giao.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng theo dõi tình hình triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn bằng cách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Kết quả thực hiện phải được báo cáo thường xuyên cho Ban Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ thanh tra, giám sát việc thực hiện chính sách này của các tổ chức tín dụng theo quy định.
Chỉ thị 02 đòi hỏi các tổ chức Hiệp hội trong ngành Ngân hàng phải đồng nhất giữa các tổ chức tín dụng hội viên trong việc triển khai các chương trình, chính sách tín dụng và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Các tổ chức tín dụng phải giảm lãi suất cho vay, chia sẻ lợi nhuận với khách hàng gặp khó khăn.
Ngân hàng Nhà nước nghiêm cấm các tổ chức tín dụng gây khó khăn, phiền hà cho khách hàng bằng cách ban hành thêm điều kiện, thủ tục không theo quy định. Chủ tịch Hội đồng thành viên/Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các tổ chức tín dụng phải chỉ đạo trực tiếp việc triển khai công tác cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và chịu trách nhiệm trước Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kết quả thực hiện. Nếu có đơn vị, cá nhân triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, thiếu trách nhiệm, thực hiện không đúng quy định sẽ bị xử lý nghiêm.
Thống đốc nhắc nhở các ngân hàng phải tăng cường công tác truyền thông, công khai về hồ sơ, thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ để khách hàng có được thông tin rõ ràng, hiểu đúng, hiểu đầy đủ về chính sách; giải đáp kịp thời các vấn đề vướng mắc về hồ sơ, thủ tục cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ, sớm được tiếp cận chính sách hỗ trợ. Đồng thời, tổ chức thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ theo quy định; giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ để gian lận.
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành 2 quyết định điều hành lãi suất có hiệu lực từ ngày 25/5/2023.
Cụ thể, Quyết định số 950/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng.
Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm.
Tiếp đó là Quyết định số 951/QĐ-NHNN ngày 23/5/2023 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/3/2014.
Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ mức 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Theo các chuyên gia, biện pháp hạ lãi suất điều hành nhằm mục đích để các ngân hàng giảm lãi suất huy động, từ đó, tạo điều kiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy nhanh tăng trưởng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google