Đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất

Quang Minh
13:52 - 20/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP. Ngân hàng Nhà nước đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ nhằm triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất; kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Không còn cách nào khác là phải quyết liệt triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Hội nghị trực tuyến về tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP vừa được tổ chức ngày 19/5/2023, tại Hà Nội. Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, để triển khai Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước đã ngay lập tức ban hành Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 31/2022/NĐ-CP cùng với rất nhiều Hội nghị để quán triệt, phổ biến, thống nhất triển khai chính sách.

Bản thân các Ngân hàng thương mại cũng tích cực vào cuộc, truyền thông rộng rãi gói hỗ trợ đến đối tượng thụ hưởng qua nhiều kênh khác nhau, tổ chức hàng loạt hội nghị kết nối ngân hàng, doanh nghiệp.

Kết quả, tính đến cuối tháng 4/2023, doanh số hỗ trợ lãi suất đạt hơn 105.000 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt gần 52.000 tỷ đồng, số tiền đã hỗ trợ khách hàng luỹ kế từ đầu chương trình đạt khoảng 409 tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú, đây là con số khá khiêm tốn so với tổng quy mô của chương trình nhưng toàn ngành Ngân hàng cũng đã vào cuộc tích cực. Ngân hàng Nhà nước đã trăn trở, tìm mọi cách để triển khai gói hỗ trợ một cách tốt hơn. Nhiều ngân hàng với trách nhiệm rất cao. Tuy chưa giải ngân được nhiều nhưng triển khai quyết liệt thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Thông tin cụ thể hơn, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trong số 44 Ngân hàng Thương mại được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, có 32 ngân hàng đã có phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất.

Các ngân hàng đồng loạt triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất

Ngay sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã tích cực triển khai hướng dẫn thực hiện trong toàn hệ thống. Các ngân hàng đi đầu bao gồm: Vietinbank, BIDV đều báo cáo đã triển khai chương trình trên hầu hết các chi nhánh của mình trên toàn quốc. 

Theo Vietinbank, đã có 224 khách hàng của nhà băng này vay, quy mô dư nợ là 12.300 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 96 tỷ đồng.

BIDV cũng đã thực hiện hỗ trợ 98 khách hàng, dư nợ hỗ trợ lãi suất đạt 4.960 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 52,2 tỷ đồng.

Agribank cũng đã triển khai chương trình tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tìm mọi cách đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ. Tính đến ngày 18/5, Agribank đã hỗ trợ 879 khách hàng, doanh số cho vay đạt 9.500 tỷ đồng, dư nợ hỗ trợ đạt 4.800 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ là 44 tỷ đồng.

Nỗ lực triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%, nhưng chưa được như kỳ vọng?

Dù đã vào cuộc rất tích cực, nhưng có thể thấy, kết quả giải ngân của gói hỗ trợ lãi suất 2% vẫn chưa được như kỳ vọng.

Theo bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, trong số 44 Ngân hàng Thương mại được thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất, có 32 ngân hàng đã có phát sinh số tiền hỗ trợ lãi suất.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, có rất nhiều nguyên nhân như bối cảnh kinh tế - xã hội có nhiều thay đổi so với khi xây dựng Chương trình; khách hàng không đáp ứng điều kiện được hỗ trợ lãi suất hay có trường hợp khách hàng đáp ứng điều kiện nhưng lại e ngại công tác thanh, kiểm tra, khó đánh giá về khả năng “phục hồi” trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều yếu tố rủi ro, bất định.

Vì vậy, căn cứ vào thực tế triển khai, các Ngân hàng thương mại đã dự kiến số tiền hỗ trợ lãi suất trong năm 2023 là khoảng 2.435 tỷ đồng. Tuy nhiên theo bà Giang, khả năng đạt được mục tiêu này là khó.

Về phía ngân hàng, đại diện Agribank chia sẻ, ngân hàng tập trung cho vay ở lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản, tập trung vào phân khúc nhỏ lẻ. Các hộ gia đình thường không đăng ký kinh doanh, vì vậy họ e ngại trong việc chứng minh mục đích sử dụng vốn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngân hàng cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, sát sao chương trình tới từng chi nhánh.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú nhận định, bối cảnh của nền kinh tế hiện tại đang hết sức khó khăn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của tất cả các cấp, các ngành.

Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, khơi thông nhiều thị trường, trong đó có thị trường bất động sản. Việc điều hành chính sách tiền tệ cũng đang gặp rất nhiều thách thức.

Tuy nhiên cần nhìn nhận rằng, doanh nghiệp khó sẽ dẫn đến ngân hàng khó, ngược lại, ngân hàng cũng cần bảo vệ sức khoẻ của mình, đảm bảo an toàn hệ thống.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị các ngân hàng phải coi trọng công tác tín dụng. Tập trung tối đa vào công tác tín dụng trong giai đoạn tới đây. Trong đó, đẩy nhanh tiến độ thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% là nhiệm vụ quan trọng và phải tiếp tục thực hiện một cách quyết liệt.

Giải ngân được thêm đồng nào tốt đồng đó, thêm doanh nghiệp nào tốt doanh nghiệp đó. Các ngân hàng phải có trách nhiệm từ nay đến cuối năm, chủ động tiếp cận, hướng dẫn khách hàng hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ lãi suất theo quy định, không bị động ngồi chờ khách hàng đến
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú

Công tác thông tin, truyền thông về chính sách cũng đóng vai trò quan trọng. Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp để tăng cường nắm bắt thông tin, khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã hội kinh doanh và kịp thời tháo gỡ.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành Ngân hàng nói chung triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất; kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai chính sách.


Nguồn: SBV