Neuralink của tỷ phú Elon Musk bắt đầu thử nghiệm cấy ghép chip vào não người

Hồng Ngọc
12:48 - 21/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Công ty công nghệ thần kinh Neuralink của tỷ phú Elon Musk đang chuẩn bị cho cuộc thử nghiệm phương pháp cấy ghép chip "giao diện não - máy tính" vào não người, giúp những bệnh nhân bị liệt điều khiển các thiết bị công nghệ chỉ bằng suy nghĩ.

Neuralink của tỷ phú Elon Musk bắt đầu thử nghiệm cấy ghép chip vào não người - Ảnh 1.

Công ty Neuralink của tỷ phú Elon Musk chuẩn bị thử nghiệm chip cấy ghép não người. Ảnh: REUTERS/Dado Ruvic

Tham vọng kết nối trực tiếp máy tính với não của Elon Musk và Neuralink 

Công ty công nghệ thần kinh Neuralink của tỷ phú Elon Musk vừa cho biết đã nhận được sự chấp thuận từ một hội đồng đánh giá độc lập để bắt đầu tuyển bệnh nhân tình nguyện tham gia cuộc thử nghiệm lâm sàng cấy chip vào não người.

Quá trình thử nghiệm này sẽ mất khoảng 6 năm để hoàn thành. Đối tượng tham gia là những bệnh nhân bị liệt do chấn thương tủy sống cổ hoặc bệnh xơ cứng teo cơ một bên.

Theo nguồn tin nội bộ, Neuralink hy vọng nhận được sự chấp thuận để cấy thiết bị của mình vào 10 bệnh nhân và đang đàm phán về số lượng bệnh nhân với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sau khi cơ quan này nêu lên những lo ngại về vấn đề an toàn của thử nghiệm. Số lượng bệnh nhân được FDA chấp thuận hiện chưa xác định.

Neuralink cho biết, nghiên cứu sẽ sử dụng robot để phẫu thuật đặt bộ chip "giao diện não - máy tính" (BCI) vào vùng não kiểm soát cử động của cơ thể. Mục tiêu ban đầu của thử nghiệm là hỗ trợ bệnh nhân điều khiển con trỏ hoặc bàn phím máy tính chỉ bằng suy nghĩ của họ.

Tỷ phú Elon Musk thành lập Neuralink năm 2016. Ông kỳ vọng phát triển thành công thiết bị "giao diện não - máy tính" để cho phép con người hợp nhất với trí tuệ nhân tạo (AI) trong tương lai, đồng thời đảm bảo con người không bị AI lấn át về mặt trí tuệ.

Neuralink của tỷ phú Elon Musk bắt đầu thử nghiệm cấy ghép chip vào não người - Ảnh 2.

Công nghệ "giao diện não - máy tính" của Neuralink đưa các điện cực vào não người, sau đó sử dụng một con chip để giao tiếp với các máy tính bên ngoài. Ảnh: AFP

Với Neuralink, tỷ phú Elon Musk tham vọng công nghệ cấy ghép chip vào não người có thể được sử dụng để điều trị nhiều bệnh và hội chứng như béo phì, tự kỷ, trầm cảm và tâm thần phân liệt. 

Vào tháng 5/2023, Neuralink thông báo đã nhận được giấy phép từ FDA cho thử nghiệm lâm sàng đầu tiên trên người. Trước đó, công ty đã cấy ghép não cho khoảng 23 con khỉ từ năm 2017 đến 2020. Chúng có thể chơi trò chơi điện tử đơn giản sau khi được cấy ghép não, nhưng có 15 con khỉ trong số này đã chết. 

Tuy nhiên, cuối năm 2022, Neuralink đã bị Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) tổng thanh tra và điều tra cấp liên bang về hành vi vi phạm Đạo luật phúc lợi động vật. Theo đó, hồ sơ được tiết lộ cho thấy số động vật đã chết trong các cuộc thử nghiệm của Neuralink kể từ năm 2018 là khoảng 1.500 con, trong đó có hơn 280 con cừu, lợn và khỉ (không tính chuột cống và chuột nhắt).

Tổng số động vật đã chết không phải là căn cứ cáo buộc rằng Neuralink đang vi phạm các quy định về nghiên cứu tiêu chuẩn. Tuy nhiên, theo nguồn tin nội bộ, số lượng động vật chết cao hơn mức cần thiết do liên quan đến yêu cầu của ông Musk trong việc đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu. Chính hành động này đã khiến động vật bị chết "không cần thiết" cao bất thường.

Theo các chuyên gia, ngay cả khi thiết bị BCI được chứng minh là an toàn khi sử dụng trên người, Neuralink có thể phải mất hơn một thập kỷ để được phép sử dụng thiết bị này cho mục đích thương mại.

Trước Neuralink, một công ty khác là Synchron đã thành công trong việc đưa chip vào một bệnh nhân người Mỹ mắc bệnh thoái hóa thần kinh (ALS) ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và nói. Việc cấy chip của Synchron được FDA chấp thuận từ tháng 7/2021. Một trong những đối thủ chính của Neuralink là Paradromics, được tài trợ bởi Chính phủ Mỹ, cũng phát triển một thiết bị liên kết với hàng chục nghìn tế bào thần kinh nhằm khôi phục khả năng giao tiếp bằng giọng nói hoặc gõ văn bản cho người bị liệt. Paradromics đang đợi sự chấp thuận của FDA các thử nghiệm lâm sàng trên người.


Nguồn: Reuters, AFP