Nắng nóng, cháy rừng khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng

PV
18:41 - 07/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tác động của biến đổi khí hậu sẽ khiến chất lượng không khí giảm sút, gây tác hại nghiêm trọng đối với con người và hệ sinh thái.

Biến đổi khí hậu tác động tiêu cực đến chất lượng không khí

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) của Liên Hợp quốc đưa ra cảnh báo trên trong báo cáo hằng năm về chất lượng không khí và khí hậu vừa được công bố vào ngày 7/9/2022. WMO cảnh báo ô nhiễm kết hợp với biến đổi khí hậu sẽ tác động đến đời sống hàng trăm triệu người trong thế kỷ tới, đồng thời kêu gọi hành động để hạn chế những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.

Nắng nóng, cháy rừng khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng - Ảnh 1.

Cháy rừng tại California, Mỹ. Ảnh: AP

Trong báo cáo của WMO, các chuyên gia đã đánh giá tác động của các đợt cháy rừng tại Siberia và miền Tây của Bắc Mỹ năm 2021 và kết luận rằng các đợt cháy này khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng hơn tại khu vực Bắc Siberia. Báo cáo chỉ ra những rủi ro liên quan bụi mịn với đường kính dưới 2,5 micromet (PM2.5), coi đây là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người vì chúng có thể xâm nhập sâu vào phổi hoặc hệ thống tim mạch.

Giám đốc WMO Petteri Taalas cho biết, các đợt cháy rừng và tình trạng ô nhiễm không khí liên quan sẽ gia tăng, kể cả khi lượng khí phát thải được hạn chế, đồng thời ảnh hưởng đến hệ sinh thái khi các chất ô nhiễm không khí từ khí quyển lắng xuống bề mặt Trái đất.

Theo WMO, tổng diện tích rừng bị cháy trên toàn thế giới đã giảm trong 2 thập kỷ qua do số vụ cháy rừng tại các thảo nguyên và đồng cỏ giảm, song các khu vực Bắc Mỹ, rừng Amazon và Australia ghi nhận các đợt hỏa hoạn thường xuyên hơn. WMO cảnh báo chỉ riêng tình trạng khí hậu ấm lên đã khiến ô nhiễm gia tăng và chất lượng không khí suy giảm.

Ông Taalas cho biết, các đợt nắng nóng gay gắt ở châu Âu và Trung Quốc trong năm nay, cùng với điều kiện khí quyển cao ổn định, ánh sáng mặt trời và tốc độ gió thấp, đã khiến mức độ ô nhiễm tăng cao. Các chuyên gia dự báo tần suất, cường độ và thời lượng của các đợt nắng nóng sẽ tiếp tục gia tăng, khiến chất lượng không khí ngày càng xuống cấp.

Nắng nóng, cháy rừng khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng - Ảnh 2.

Khói bụi từ các đám cháy rừng ở Australia. Ảnh: AP

Giới nghiên cứu gọi hiện tượng này là "climate penalty" (hình phạt khí hậu) - chỉ tình trạng biến đổi khí hậu làm gia tăng sản xuất ozone trên mặt đất, theo đó tác động tiêu cực đến chất lượng không khí. Các chuyên gia lý giải rằng ở tầng bình lưu, ozone là lớp bảo vệ Trái đất khỏi tia cực tím, nhưng khi ở gần mặt đất hơn thì ozone rất nguy hại đối với sức khỏe con người.

Chuyên gia của WMO Lorenzo Labrador cho biết nếu lượng khí phát thải vẫn ở mức cao, hình phạt khí hậu này sẽ chiếm khoảng 20% mức gia tăng nồng độ ozone trên mặt đất, trong đó khu vực châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trước thực trạng trên, WMO kêu gọi hành động, nhấn mạnh rằng "việc thực hiện mục tiêu trung hòa carbon sẽ giúp hạn chế tình trạng ô nhiễm ozone nghiêm trọng có thể xảy ra trong tương lai".

Ô nhiễm không khí làm giảm 2 năm tuổi thọ con người  

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 99% người dân trên thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Ô nhiễm không khí là mối đe dọa môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người và gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Viện Chính sách năng lượng thuộc Đại học Chicago cũng công bố báo cáo cho thấy ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch đang làm mất đi 2 năm tuổi.

Nắng nóng, cháy rừng khiến ô nhiễm không khí thêm trầm trọng - Ảnh 3.

99% người dân trên thế giới đang phải hít thở bầu không khí ô nhiễm. Ảnh: Reuters

Theo đó, trên khắp Nam Á, tuổi thọ trung bình của một người có thể kéo dài thêm hơn 5 năm nếu mức độ hạt bụi mịn đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WTO). Tại các bang Uttar Pradesh và Bihar của Ấn Độ, nơi có 300 triệu người sinh sống, bệnh phổi và tim do ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 gây ra làm giảm 8 năm tuổi thọ của người dân, trong khi con số này ở thủ đô New Delhi là 10 năm. So với các nguyên nhân gây tử vong sớm khác, tác động của ô nhiễm bụi mịn PM2.5 có thể so sánh với việc hút thuốc lá, gấp ba lần so với sử dụng rượu và 6 lần so với bệnh HIV/AIDS.

Bụi mịn PM2.5 có kích thước siêu nhỏ, gần bằng đường kính sợi tóc của con người, có khả năng xâm nhập sâu vào phổi và đi vào máu. Năm 2013, Liên hợp quốc đã xếp bụi mịn PM2.5 vào danh sách tác nhân gây ung thư. WHO cho biết mật độ bụi mịn PM2.5 trong không khí không được vượt 15 microgam/m3 trong bất kỳ khoảng thời gian 24 giờ, hoặc 5 microgram/m3 tính trung bình trong cả năm. Trước những bằng chứng cho thấy tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của ô nhiễm không khí.

Theo báo cáo, mật độ bụi mịn tại hầu hết tất cả các khu vực đông dân trên thế giới đều vượt quá tiêu chuẩn của WHO, trong đó châu Á dẫn đầu. Cụ thể, mật độ bụi mịn tại Bangladesh cao gấp 15 lần tiêu chuẩn của WHO, ở Ấn Độ gấp 10 lần, trong khi ở Nepal và Pakistan gấp 9 lần. Khu vực Trung và Tây Phi, cùng với phần lớn Đông Nam Á và một phần của Trung Mỹ, cũng phải đối mặt với mức độ ô nhiễm cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Trưởng nhóm nghiên cứu Crista Hasenkopf và các đồng nghiệp nhấn mạnh việc đảm bảo không khí trong sạch "sẽ trả lại" thêm số năm tuổi thọ cho mọi người trên khắp thế giới. Việc giảm ô nhiễm không khí toàn cầu một cách bền vững để đáp ứng các hướng dẫn của WHO sẽ giúp tuổi thọ trung bình của con người kéo dài thêm 2,2 năm.

Nguồn: TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận