Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1012/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Kế hoạch nhằm tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đến người dân, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân trong tuân thủ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, Kế hoạch sẽ triển khai: Tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tổ chức rà soát văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các Bộ, ngành và địa phương về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng, ban hành văn bản pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng và triển khai thực hiện các dự án, đề án, chương trình, hoạt động cấp quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; ban hành quy chế phối hợp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Trong đó, Kế hoạch triển khai xây dựng, biên soạn tài liệu phổ biến, tuyên truyền, tập huấn chuyên sâu các nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để các cơ quan, tổ chức có liên quan tham khảo, sử dụng thống nhất trên toàn quốc; tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tập huấn chuyên sâu về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan đối với cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các điểm mới của Luật này bằng các hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế; tổ chức thực hiện các chuyên mục, chương trình, tin, bài phổ biến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật này và các văn bản pháp luật có liên quan trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đồng thời, các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lĩnh vực mình quản lý tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan; các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng do bộ, ngành, địa phương mình đã ban hành, thực hiện; đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn có liên quan, bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định của luật chuyên ngành và các văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp với các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xây dựng một số nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật được xây dựng trên nguyên tắc kế thừa, phát huy và hoàn thiện những quy định còn phù hợp với thực tiễn tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ban hành năm 2010; đồng thời sửa đổi, bổ sung những quy định chưa rõ, còn bất cập, chưa thống nhất trên nguyên tắc hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đồng bộ trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật...
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương, 80 điều; sửa đổi, bổ sung toàn bộ các Điều (bao gồm các Điều được bỏ, chuyển nội dung sang điều khác, bổ sung 3 điều); và bổ sung khoản 5 của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bộ Công Thương đang dự thảo (lần 2) Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống.
Theo Bộ Công Thương, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là văn bản có phạm vi tác động tới nhiều lĩnh vực, nhiều chủ thể trong xã hội. Một số quy định của Luật có tác động tới số lượng lớn chủ thể, đặc biệt là các tổ chức, cá nhân kinh doanh như: quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh, trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh; kiểm soát hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung; trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật;…
Một số quy định có tính mới trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cần có hướng dẫn chi tiết để bảo đảm thống nhất trong tổ chức thực thi như: khái niệm người có ảnh hưởng; tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện.
Do đó, việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cần thiết nhằm bảo đảm tính minh bạch, thống nhất trong cách tổ chức thực thi một số quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo căn cứ pháp lý để triển khai các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vào thực tiễn cuộc sống.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google