Hà Nội tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam

Quang Minh
10:48 - 10/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tối 9/3, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức "Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam" và khai mạc "Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng" năm 2023.

Hà Nội tổ chức Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam - Ảnh 1.

Các đại biểu bấm nút phát động Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023. Ảnh: VGP/Thùy Linh

Thông tin minh bạch – Tiêu dùng an toàn

Với thông điệp "Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn", lễ phát động thu hút hàng trăm doanh nghiệp cùng đông đảo người dân Thủ đô tham gia.

Phát biểu tại Lễ phát động, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam đã từng bước vượt qua khó khăn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực phát triển cho các doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Năm 2022, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã đạt được một số kết quả; Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Có hơn 12 nghìn lượt người tham gia tìm hiểu pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tiếp nhận hơn 15.000 cuộc gọi qua tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838…

"Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần được xem xét, giải quyết với tinh thần thẳng thắn, cầu thị, đổi mới, sáng tạo để công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có được sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Năm 2023, với chủ đề "Thông tin minh bạch-Tiêu dùng an toàn", thông điệp khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng ngày càng phức tạp. Bên cạnh đó chủ đề còn hướng đến việc chung tay cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời từ các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp đến người tiêu dùng.

Thành phố Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thanh tra kiểm tra… công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Các đơn vị tăng cường công tác quản lý nhà nước về Bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn hỗ trợ, giải đáp về Luật bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra (nhất là kinh doanh trên môi trường mạng), hướng dẫn nhận biết hàng thật, hàng giả cho người tiêu dùng, giải đáp kịp thời, chính xác các thắc mắc, hỏi đáp về quyền của người tiêu dùng.

Hà Nội sẽ tổ chức nhiều chương trình, sự kiện hướng tới người tiêu dùng

Cùng với đó, Hà Nội sẽ tổ chức 65 chương trình, sự kiện của ngành Công Thương nhằm đẩy mạnh thực hiện kế hoạch kích cầu của thành phố và tri ân người tiêu dùng... Bằng các giải pháp này, Hà Nội mong muốn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Để lan tỏa tinh thần của chủ đề, ngay sau Lễ phát động, Sở Công Thương Hà Nội đã khai mạc Hội chợ hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng, kéo dài tới ngày 14/3 tại công viên Thống Nhất với quy mô 150 gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như: Đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu,

Tại hội chợ, các đơn vị tham gia sẽ niêm yết rõ thông tin sản phẩm, giá bán sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tính năng và hướng dẫn sử dụng, đồng thời giải đáp thắc mắc cho người tiêu dùng; thực hiện các hoạt động tri ân vì người tiêu dùng như: miễn phí dùng thử sản phẩm, miễn phí tư vấn nhận diện sản phẩm chính hãng…

Chuỗi hoạt động hưởng ứng sẽ được tổ chức tại Công viên Thống Nhất, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bao gồm các hoạt động cụ thể như sau:

1. Lễ phát động Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam - 15 tháng 3 năm 2023

Thời gian: 18h00 ngày 9 tháng 3 năm 2023

Nội dung: Khai mạc và công bố, phát động các hoạt động hưởng ứng "Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam" năm 2023.

2. Giải chạy “Vì Quyền lợi người tiêu dùng” – Race for Consumers

Thời gian: 6h30 ngày 11 tháng 3 năm 2023

Đối tượng tham gia: Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Công Thương; các Sở, Ban ngành của Hà Nội; các đơn vị, tổ chức xã hội, hiệp hội ngành hàng có liên quan; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng, người dân yêu thích chạy bộ, vận động viên của một số câu lạc bộ chạy phong trào....

Giới hạn độ tuổi: Từ 18 tuổi.

Cự ly thi đấu bao gồm: (i) Cự ly 4,4 km (2 vòng hồ Bảy Mẫu, Công viên Thống Nhất) (60 phút); (ii) Cự ly 8,8 km (4 vòng hồ Bảy Mẫu, Công viên Thống Nhất) (180 phút)

3. Hội chợ: “Hàng hoá, sản phẩm vì người tiêu dùng”

Trong khuôn khổ hoạt động hưởng ứng, người tiêu dùng được tham gia Hội chợ "Hàng hóa, sản phẩm vì người tiêu dùng" diễn ra từ ngày 09 tháng 3 đến 13 tháng 3 năm 2023 với quy mô lớn cùng các gian hàng của các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh, phân phối các sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ thuộc các lĩnh vực liên quan đến đời sống tiêu dùng như: Đồ gia dụng, thời trang, thực phẩm, sản phẩm tiêu dùng thiết yếu,… Hội chợ cũng có sự tham gia của một số địa phương như: Bắc Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Quảng Nam, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Nghệ An, Bắc Ninh, Nam Định, Thái Nguyên, Hải Phòng…

Theo Điều 2, Quyết định số 1035/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 15 tháng 3 là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam:

1. Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước.

2. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

3. Góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; giữ ổn định và tạo động lực phát triển, đổi mới, sáng tạo cho nền kinh tế đất nước.

4. Nâng cao trách nhiệm, khuyến khích sự hợp tác và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc thực hiện các hoạt động bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.