Nâng cao kỹ năng tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo

PV
15:51 - 21/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 21/7, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo cho các phóng viên, biên tập viên báo, đài trung ương và địa phương.

Xây dựng nhận thức đúng đắn về dân tộc, tôn giáo

Hội nghị được tổ chức nhằm nâng cao năng lực, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo, dân tộc, kỹ năng viết bài tuyên truyền pháp luật liên quan đến chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo cho phóng viên, biên tập viên báo, đài Trung ương và địa phương.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh, Hội nghị hướng đến mục tiêu chung là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống lịch sử; các quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo; những giá trị của tôn giáo đối với đời sống xã hội.

Nâng cao kỹ năng tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo - Ảnh 1.

Hội nghị tập huấn tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo. Ảnh: Báo Lao động

Hội nghị góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn của xã hội về dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo; giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc Việt Nam; tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo

Trình bày nội dung "Chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam về dân tộc Việt Nam", ông Đinh Xuân Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Ủy ban Dân tộc đã khái quát các nội dung liên quan đến đặc điểm cơ bản của cộng đồng dân tộc Việt Nam; công tác dân tộc và chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh vai trò của cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam đối với sự nghiệp cách mạng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Theo ông Đinh Xuân Thắng, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư phát triển nhưng do xuất phát điểm thấp nên đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỉ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao.

Nước ta hiện có 53 dân tộc thiểu số với 14,123 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước.

Hầu hết các dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng núi cao, biên giới, vùng sâu, vùng xa và tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực miền núi phía bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung, và Tây Nam Bộ.

Chính vì vậy, cần tăng cường sự chỉ đạo và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng về công tác dân tộc. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn...

Đồng thời tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan báo chí nhằm nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách pháp luật về dân tộc, tôn giáo.

Cũng tại Hội nghị, Phó Chánh Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ Lê Trung Kiên đã trình bày về chính sách pháp luật và kỹ năng tuyên truyền chính sách, pháp luật về tôn giáo.

Ông Lê Trung Kiên lưu ý một số nguyên tắc xử lý khi tuyên truyền chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo: Lựa chọn ngôn ngữ, hình ảnh phù hợp; quan tâm đến mục đích tuyên truyền; chỉ phê bình hành vi trái pháp luật, không phê bình hành vi trái giáo luật và quy định của tổ chức tôn giáo; không dùng các vấn đề tôn giáo tiêu cực để làm tít các chuyên mục, trang bìa...

Nhà nước đã ban hành 118 chính sách và bố trí nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay, 98,4% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỉ lệ hộ gia đình được sử dụng điện đạt 93,9%; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở, 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3% xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa.

Tuy nhiên, khoảng cách chênh lệch mức sống giữa các dân tộc, các vùng miền chưa được thu hẹp, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số vẫn chiếm 62% số hộ nghèo cả nước; vẫn còn 1.551 xã đặc biệt khó khăn.

Kết luận 65-KL/TW của Bộ Chính trị ngày 30/10/2019 đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025, phấn đấu tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm hơn 3%.

Nguồn: TTXVN