Giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ

Giáo sư Bùi Quang Thanh
09:05 - 25/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và đi sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của người Việt.

Giá trị của thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Ảnh 1.

Bộ tem “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại” do Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành cuối năm 2020, gồm 3 mẫu và 1 blốc. Mầu sắc bộ tem thiên về 3 gam mầu chính gồm sắc đỏ, xanh, trắng lần lượt tượng trưng cho miền Trời (Thiên phủ), miền Rừng (Nhạc phủ), miền Nước (Thoải phủ). Không gian ước lệ của Ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu gồm 3 ngôi của 3 vị Thánh Mẫu: Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Tam Thoải Phủ. Ảnh: Vietnam Post

1.

Nhận diện từ không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, trong đó quá trình thực hành các Nghi lễ Chầu văn (Hát văn – Hầu đồng) giữ vai trò trung tâm và là biểu hiện tổng hợp nhất cho sự gắn kết giữa các thành tố văn hóa trong một không gian thiêng, thời khắc thiêng, hành vi thiêng cùng với các hình thức thể hiện thiêng liêng, qua đó thể hiện rất rõ ý thức của các thế hệ cộng đồng hướng về đạo lý "uống nước nhớ nguồn", tôn vinh những người có công với dân với nước. 

Trong điện thần thờ Mẫu Tam tòa, Tứ Phủ, hầu hết các vị Thánh đã được lịch sử hóa (với các nhân vật huyền thoại) hoặc huyền thoại hóa (với các nhân vật lịch sử đích thực), đều ở những mức độ và phạm vi khác nhau, được cộng đồng đánh giá/xác định là những đối tượng có công trạng trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc, như: Trần Hưng Đạo, Mẹ Âu Cơ, Mẫu Thượng Ngàn, Lê Khôi hay Nguyễn Xí (Ông Hoàng Mười), Bà Lê Chân (Thánh Mẫu Bát Nàn)…

Và như thế, thông qua các biểu tượng văn hóa được thực hành bởi cung cách "trình diễn" độc đáo, bóng dáng lịch sử của một giai đoạn lịch sử nhất định đã được phản chiếu, ghi nhận, từ đó giúp cho các thế hệ hậu sinh nhận biết được dấu ấn về mặt nghệ thuật, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của lớp người đương thời cùng bộ mặt lịch sử của một thời kỳ nhất định. 

Đằng sau các lớp biểu tượng nghệ thuật thông qua Nghi lễ Chầu văn (ở chặng mới nảy sinh và hình thành) là bóng dáng của một xã hội bế tắc thời vua Lê - chúa Trịnh, là bóng dáng nhân sinh của lớp nhà nho muốn bứt phá trước thời cuộc cùng những dấu ấn về thẩm mỹ, quan điểm nhân sinh qua sự hiện tồn của các di tích văn hóa vật thể tại nơi thực hành tín ngưỡng. 

Giáo sư - Tiến sĩ Frank Proschan, Chuyên gia của Ban Thư ký Công ước UNESCO 2003, khi trải nghiệm các cuộc hầu đồng của người Việt tại một số phủ, đền ở Nam Định, đã nhận định: "Thông qua một buổi lên đồng, ông/ bà đồng cũng đã chọn ra những yếu tố và chi tiết từ trong truyền thống và lịch sử, rồi kết hợp chung lại một cách đầy nghệ thuật để dựng nên biểu tượng của một nhân vật. Quá trình này là một tổng thể được lựa chọn để sáng tạo nên một khuôn mẫu định hình có thể là sự thật, chính xác và hoàn chỉnh, cũng có thể không. Nó chỉ là một dạng thức ứng xử mang tính biểu tượng và quy ước, không nhằm tái hiện hiện thực mà đưa ra một cái nhìn nghệ thuật về hiện thực!

2.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và thấm sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của người dân. Nét đặc trưng nổi trội nhất, tập trung nhất trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tòa, Tứ Phủ ở hầu khắp các địa phương là Nghi lễ Chầu văn, nơi thể hiện rõ nét nhất thái độ và quan niệm ứng xử với sinh thái, tự nhiên và xã hội của con người đương thời, trong những điều kiện lịch sử nhất định.

Trong quá trình hình thành và phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ đã sản sinh ra những hình thức diễn xướng riêng, bắt nguồn từ dân gian, mang sắc thái dân gian độc đáo, không bị trộn lẫn với bất cứ hình thức diễn xướng nào. Nét đặc trưng của hình thức diễn xướng này là hát chầu văn. 

Từ bao đời, dân gian đã sáng tạo nên hàng chục điệu chầu khác nhau như Bỉ, Miễu, Thống, Phú, Dọc, Cờn, Xá.... Các làn điệu Hát văn/Chầu văn đã trở thành một thể loại âm nhạc dân gian tao nhã, với nhiều điệu nhạc, lối hát đặc sắc như: Điệu nhạc Lưu thuỷ với 10 điệu hát Xá khác nhau, 5 điệu Cờn, 2 điệu Dọc Bắc, Dọc Nam, 2 điệu Chúc rượu, Chúc trà và các làn điệu Kiều dương, điệu Lý thiên thai, điệu Phủ chúc, điệu Hề cậu, điệu Múa quạt, Múa lụa. Các làn điệu nói trên trong âm nhạc Chầu văn rất phong phú, đa dạng và đa màu sắc, không thua kém một số loại hình nghệ thuật khác.

Sinh hoạt tín ngưỡng phụng thờ Thánh Mẫu mang giá trị nhân văn sâu sắc, đặc biệt coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ. Lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn thờ, gửi gắm vào đó những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống, nó phản ánh tư duy của cư dân nông nghiệp lúa nước sống hòa đồng, coi trọng và bảo vệ thiên nhiên, môi trường sống. 

Thông qua các hoạt động thực hành, mà đỉnh cao là những hội làng gắn với không gian phụng thờ và tôn vinh Thánh Mẫu cùng các thần linh khác còn nhằm đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và trong cộng đồng. Tình yêu Mẹ, trở thành nguồn cội, gắn liền với tình yêu quê hương, đất nước, thiên nhiên, giúp cho con người tin tưởng vào cuộc sống tươi đẹp, từ đó sống có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo như: Nghi lễ Chầu văn, lễ hội với rước thỉnh kinh, hội hoa trượng... phản ánh phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian, thẩm mỹ của cộng đồng. 

Đến với không gian văn hóa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, mọi người không chỉ được thỏa nguyện tâm linh mà còn được thưởng ngoạn vẻ đẹp của một quần thể kiến trúc truyền thống đền, chùa, lăng, phủ vô cùng độc đáo. Cùng với những di sản văn hóa vật thể đó, các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa còn được diễn ra trong không gian thiêng với cảnh quan sơn thủy hữu tình góp phần tạo nên một bức tranh tổng thể đa sắc màu về đời sống văn hóa tinh thần của làng quê Việt Nam.

Cùng với Nghi lễ Chầu văn, các hình thức sinh hoạt, tế lễ trong không gian thực hành tín ngưỡng, đặc biệt là các kỳ lễ hội, còn là dịp để con người tỏ lòng tôn kính, biết ơn và ghi nhớ công lao che chở của các Mẫu. Qua đó góp phần giáo dục đạo lý "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", răn dạy con người biết sống có nghĩa, có tình với tổ tiên, làng xóm, dòng họ, sống có đạo đức và nhân cách… và cao hơn cả là nâng cao tinh thần tự hào dân tộc cho mỗi con người.

Trong quá trình thực hành Nghi lễ Chầu văn, các chủ thể sáng tạo văn hóa đã tích hợp được những biểu hiện đặc trưng văn hóa đa dạng từ một số thành tố văn hóa tộc người thông qua trang phục, vũ đạo và âm nhạc phục vụ hát văn gắn với các biểu tượng thánh nhập như Cô bé Bắc Lệ, Cô bé Thác Bờ, Mẫu Thượng Ngàn… góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa vượt khỏi phạm vi văn hóa làng người Việt, đưa di sản hòa nhập vào nền cảnh văn hóa chung của công đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và thấm sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của người dân.

3.

Tín ngưỡng thờ Mẫu có sức sống trường tồn, bền vững, có sức hút và đi sâu vào đời sống văn hoá, tinh thần của người Việt. Tính cộng đồng trong Nghi lễ Chầu văn được thể hiện một cách bền chặt, đó là yếu tố quyết định trong việc duy trì, phát triển. Thể hiện ở việc: Số người tham gia nghi lễ rất đông, hoàn toàn tự nguyện, không phân biệt thành phần xã hội và sẵn sàng tham gia đóng góp công sức, tiền của để xã hội hóa các hoạt động từ tu bổ, tôn tạo cho đến phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó, tính cộng đồng trong các hoạt động tổ chức lễ hội, diễn xướng lên đồng không chỉ bó hẹp trong cộng đồng dân cư địa phương mà còn thu hút dân nhân dân trong vùng và khách thập phương đến dự. 

Trong không khí của buổi lễ người tham dự tạm quên đi những ngăn cách xã hội, những bon chen đời thường cùng nhau thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, cùng nhau hướng về một đức tin chung, cùng thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh.

Trong sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu đã giúp liên kết mọi người, thậm chí vượt ra khỏi giới hạn của tư tưởng định kiến tôn giáo hoặc sự cục bộ địa phương để cùng hướng về một đối tượng thiêng, đồng thời phát khởi mối thiện tâm trong mỗi con người trong các mối quan hệ xã hội. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp một phần vào việc giáo dục và hướng con người đến với Chân - Thiện - Mỹ. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống "uống nước nhớ nguồn" cho thế hệ con cháu và mọi người dân.

Sinh hoạt thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu với sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, nhiều thành phần xã hội, đặc biệt là các tín đồ, con nhang đệ tử của tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo. Điều đó phản ánh sự dung hòa giữa các tín ngưỡng, tôn giáo, đan bện thành "sợi dây" gắn kết cộng đồng. Tham dự, hòa mình vào các không gian thực hành tín ngưỡng, mọi người được thưởng thức, vui chơi, giải tỏa những ẩn ức của tâm can, trở nên gần gũi, yêu thương và đoàn kết với nhau hơn. 

Đây chính là giá trị nhân văn sâu sắc giúp các thế hệ nhân sinh hướng tới những giá trị: Chân - Thiện - Mỹ cao đẹp.

Và trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thông qua hình thức thực hành trọng tâm là Nghi lễ Chầu văn, sự tích hợp dấu ấn văn hóa tộc người (từ trang phục, vũ điệu, đạo cụ đến âm nhạc của các dân tộc thiểu số (như H'Mông, Dao, Tày - Nùng, Mường), một mặt tạo nên sự đa dạng về mặt văn hóa, mặt khác, thực trạng sinh hoạt văn hóa tâm linh đó đã và đang góp phần xây tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc trong điều kiện cộng mệnh, cộng cảm cùng sự nghiệp dựng nước và giữ nước của quốc gia đa dân tộc những trăm năm qua.

4.

Sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu với những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng độc đáo, ở một số trung tâm có quy mô lớn, thu hút đông đảo cộng đồng và du khách tham dự, không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Hiện nay, quần thể di tích Phủ Dầy cùng nhiều địa bàn có các di tích và không gian thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tiêu biểu trên địa bàn các huyện thị đã được quy hoạch kết nối cùng với các di sản văn hóa khác trong khu vực, tạo thành các tuyến, điểm tham quan du lịch hấp dẫn ở tỉnh Nam Định. 

Hàng loạt lễ hội, trong đó nổi tiếng nhất là Lễ hội Phủ Dầy, Lễ hội Phủ Quảng Cung đã được cộng đồng và chính quyền địa phương quan tâm tổ chức ngày càng quy mô, hấp dẫn, không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn sáng tạo, tổ chức thêm các hoạt động văn hóa mới, phù hợp với cuộc sống đương đại. Và trong đa số các không gian văn hóa phụng thờ Thánh Mẫu ở nhiều địa phương, hàng loạt các dịch vụ văn hóa - ẩm thực (đôi khi kèm theo dịch vụ nghỉ dưỡng) đã huy động sức người, sức của, sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu khách hành hương, góp phần tạo công ăn việc làm cho người sở tại và phát triển kinh tế địa phương.

Bình luận của bạn

Bình luận