Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử

Trần Thế Vinh
10:03 - 22/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thời điểm Thế chiến thứ hai đi vào giai đoạn kết thúc, tại Việt Nam đã xảy ra một trong những sự kiện thảm khốc nhất trong lịch sử dân tộc: Nạn đói năm 1945 (Ất Dậu), lấy đi mạng sống của hơn 2 triệu người Việt.

Nạn đói năm 1945 không chỉ là sự kiện tàn khốc nhất trong lịch sử hiện đại Việt Nam, mà còn là một trong những nạn đói kinh hoàng nhất từng xảy ra trong lịch sử nhân loại, một vết sẹo trong ký ức dân tộc. 

Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử - Ảnh 1.

Bìa cuốn "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử"

Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử - Ảnh 2.

Cuốn sách vừa được Omega+ hợp tác với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản

Nạn đói năm 1945 - nỗi ám ảnh khôn nguôi 

"Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử" vừa được Omega+ hợp tác với Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản. Điều đặc biệt, cuốn sách do hai học giả, một người Việt và một người Nhật cùng viết: Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Motoo, dựa trên lượng tư liệu đồ sộ và các phân tích khoa học - như một cử chỉ "bắt tay" trong hiện tại để cùng bình tĩnh nhìn lại quá khứ. Một quá khứ không giữ để hận thù nhưng cũng không thể cứ thế mà quên lãng.

Năm 1945, nạn đói khủng khiếp đã xảy ra ở miền Bắc Việt Nam, từ tỉnh Quảng Trị trở ra. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng so sánh nạn đói năm 1945 ở Việt Nam với tổn thất của cuộc chiến tranh Pháp - Đức. Người viết "Nạn đói kém nguy hiểm hơn nạn chiến tranh. Thí dụ, trong 6 năm chiến tranh, nước Pháp chỉ chết 1 triệu người, nước Đức chỉ chết chừng 3 triệu người. Thế mà, nạn đói nửa năm ở Bắc Bộ ta đã chết hơn 2 triệu người…" (Trích Hồ Chủ Tịch hô hào chống nạn đói năm 1945).

Cho đến nay, đã hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng trong ký ức của nhân dân Việt Nam, nạn đói năm 1945 vẫn còn là một cơn ác mộng, một nỗi đau nhức nhối, khó quên. Những hố chôn tập thể những người chết đói vẫn là nỗi đau đớn, ám ảnh khôn nguôi của biết bao thế hệ. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn hình ảnh những chiếc xe bò chở xác người trên đường phố Hà Nội sáng sớm; hình ảnh người nằm chết la liệt ở khắp các con đường; hình ảnh những người kiệt sức, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn…

Bức tranh lịch sử của Việt Nam ở thời điểm đen tối nhất này sẽ được phân tích rất rõ trong cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử". Đây là một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra. 

Các tác giả đã nghiên cứu và khảo cứu công phu, tìm hiểu chi tiết các tư liệu lịch sử, khảo sát trực tiếp những địa điểm xảy ra nạn đói, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử để dựng lại khá toàn diện bức tranh về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam; đã làm rõ số lượng hơn 2 triệu người chết đói; nguyên nhân dẫn đến nạn đói. 

Tác phẩm nhằm cung cấp cho độc giả một cách toàn diện, đầy đủ và có hệ thống những chứng tích về sự mất mát, đau thương mà nhân dân Việt Nam phải gánh chịu trong lịch sử.

Theo con số ghi chép từ cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử" của Giáo sư Văn Tạo và Giáo sư Furuta Moto, ở xã Tây Lương (thuộc Tiền Hải- Thái Bình) nơi nạn đói diễn ra kinh khủng nhất, 66,66 % số dân của xã chết đói, trong đó rất nhiều gia đình chết cả nhà, nhiều dòng họ chết cả họ.

Về thảm trạng chết đói: Dưới đây là bức thư của Vespy tháng 4/1945, viết về cảnh chết đói mà ông được chứng kiến: "Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người ấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc giơ xương ra run rẩy, ngay cả đến những thiếu nữ đã đến tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó. Nhìn những hình người xấu hơn con vật xấu nhất, nhìn thấy những xác chết nằm co quắp cạnh đường chỉ có vài nhành rơm vừa làm quần áo, vừa làm vải liệm, người ta thực lấy làm xấu hổ thay cho cái kiếp con người".

Còn về con số người chết đói ở các địa phương thì có khá nhiều đến nỗi tới nay vẫn chưa tìm hết được. Người ta đọc được khá nhiều trên báo chí công khai thời đó. Đơn cử một lượng tin khá cập nhật bấy giờ mà nhiều người biết đến.

Trên báo Thanh Nghị số 110 ra ngày 25/5/1945, tác giả bài báo, ký tên là Phạm Gia Xích viết:
"... Riêng một làng Thượng Cẩm, thuộc phủ Thái Ninh, tỉnh Nam Định, năm ngoái có 900 suất đinh thì tính đến hôm 20/5 năm nay, chết chỉ còn 400, và tính cả nam, phụ, lão, ấu thì trong làng ngót 4.000 người, chết đói mất 2.000 người..."

Dựa trên khối tư liệu đồ sộ được xử lý nghiêm túc hiếm có, công trình vừa dựng lại thảm trạng chết đói của người Việt, vừa phân tích cặn kẽ tội ác của phát xít Nhật. Với sự hợp tác của đội ngũ tri thức từ cả hai nước, đây là công trình công phu độc nhất có cái nhìn khách quan thấu suốt vào sự thật lịch sử nạn đói năm 1945 ở Việt Nam. Công bố lần đầu vào năm 1995, đến nay đã gần 30 năm, cuốn sách "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử" vẫn còn nguyên giá trị.

Việc tìm hiểu, nghiên cứu về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam và những hậu quả của nó có ý nghĩa không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lịch sử để tìm hiểu về hiện thực lịch sử đã diễn ra mà còn có tác dụng đối với việc lên án những tội ác của chủ nghĩa phátxít, sự tàn bạo của chiến tranh và tăng cường củng cố hòa bình, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới, nhất là trong bối cảnh Việt Nam thực hiện chính sách đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Giáo sư VĂN TẠO: Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam từ năm 1980 đến năm 1989. Trong hơn nửa thế kỷ làm công tác nghiên cứu lịch sử, Giáo sư Văn Tạo đã để lại một sự nghiệp khoa học khá đồ sộ với gần một trăm cuốn sách do ông biên soạn, chủ biên hay tham gia biên soạn, hơn 200 bài viết công bố trên nhiều tạp chí, trong các hội thảo khoa học trong nước và quốc tế.

Giáo sư FURUTA MOTOO: Viện trưởng Viện Cao học Văn hóa tổng hợp kiêm Hiệu trưởng Trường ̣Đại cương, Đại học Tokyo; Phó Giám đốc Thường trực Đại học Tokyo; Giám đốc Thư viện, Đại học Tokyo; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt; Chủ tịch Hội Nhật Bản nghiên cứu Đông Nam Á. Các giải thưởng mà ông nhận được gồm: Huy chương Hữu nghị (năm 1980); Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ (năm 2012); Huân chương Hữu nghị (năm 2013).

Những câu chuyện xúc động trong cuốn "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử"

1, Ở xã Tây Lương, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, gia đình ông Tô Trạch (còn gọi là Tô Nuôi, vì đi làm con nuôi người khác mà được cứu sống), gia đình có 4 người chỉ còn lại một mình ông. Nếu tính cả dòng họ Tô có 35 người, chỉ còn sống sót 4 người (tức chết đói 31 người). Hay như gia đình cụ Hoàng Phác, bốn thế hệ chung sống với nhau cộng tất cả là 31 người, chết đói 26 người, chỉ còn sống sót 2 người và 2 người tha phương cầu thực, đến nay vẫn còn mất tích 1 người.

Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử - Ảnh 5.

Nhân chứng kể chuyện người chết vì ăn củ nần tươi.

2, Cho đến nay, hàng trăm nấm mồ của những người chết đói còn chôn chung một hố (gọi là những nấm mồ "tập thể"), tức đào một hố to rồi xếp xác người chết đói chồng lên nhau, vì xác chết quá nhiều, không có điều kiện chôn cất tử tế được. Có hố chôn tới hàng chục, hàng trăm người, vẫn chưa được cải táng. Có nơi do yêu cầu cần xây dựng mới đã cải táng, nhưng những nấm mồ mới đó vẫn chưa được tu tạo. Ai có trách nhiệm giải quyết những tồn tại lịch sử này? Còn trong nhân loại, nỗi đau của mỗi dân tộc do bọn phátxít gây ra cũng là nỗi đau chung của mọi con người có lương tri trên trái đất.

3, Về khoản tiền bồi thường, một nhà sử học Nhật Bản đã nói ở ngoài lề Hội nghị rằng, khoản tiền bồi thường quá ít ỏi, chỉ đủ để mở một bữa tiệc khoản đãi nhau là hết. Thực tế, như trong cuốn Chiến tranh châu Á trong tiềm thức của chúng ta, Giáo sư Yoshizawa Minami đã viết: "Khoản tiền bồi thường mà Chính phủ Nhật Bản đã đi đến thỏa thuận cuối cùng với chính quyền Ngô Đình Diệm là 39 triệu đôla (14 tỷ 40 triệu yên). Trong đó giả sử có khoảng một nửa (20 triệu đôla) là khoản bồi thường những thiệt hại về người bị chết đói theo tính toán của chính quyền Ngô Đình Diệm, mỗi người là 1.000 đôla, thì Chính phủ Nhật Bản chỉ bồi thường cho 2 vạn người mà thôi".

4, Cuốn "Lịch sử Hà Nam Ninh", xuất bản năm 1988, đã ghi: "Phủ Nghĩa Hưng (Nam Định)... mỗi ngày chết 400 người... Huyện Kim Sơn (Ninh Bình) cả vụ đói năm 1945 có 22.908 người chết đói. Trong số 6.161 hộ thì 1.571 hộ bị chết không còn một người nào". Con số người chết đói của tỉnh Hà Nam Ninh (gồm ba tỉnh Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình trước kia) là: Nam Định chết 212.218 người, Hà Nam chết 50.398 người, Ninh Bình chết 37.939 người. Riêng tỉnh Thái Bình, nơi mà nạn đói diễn ra trầm trọng nhất, đã được Ban Lịch sử tỉnh điều tra, nghiên cứu và tổng kết cho biết con số tương đối sát thực tế là: "Cả tỉnh chết đói mất 280.000 người". Như vậy; chỉ tính số người chết đói ở bốn tỉnh cũ kể trên đã lên tới 580.547 người, thì con số 2 triệu người Việt Nam chết đói trong 32 tỉnh cũ, tính từ Quảng Trị trở ra và hai thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, là gần với sự thật.

5, Phóng sự dưới đây của Khái Hưng đăng trên báo Bình Minh, số 22 ra ngày 12/4/1945, nhan đề: "Mưu sâu của thực dân Pháp ở xứ này" cũng là một tài liệu tốt phản ánh ý đồ giết nhân dân Việt Nam bằng nạn đói "để làm nhụt đi nhuệ khí cách mạng" của họ như tên Thống sứ Pháp Sôvê đã chủ trương: "Trong toa hạng nhất, ngồi đối diện chúng tôi là hai người Pháp. Họ đàm thoại với nhau... mà tôi lược dịch ra như sau:

- Đó là một môn thuốc hiệu nghiệm để giữ trị an cho xứ này.

- Phải, phải lắm... nếu dân chúng nó sung túc thì chúng nó chỉ nghĩ làm giặc. "Nhàn cư vi bất thiện mà!".

- Đúng! Thỉnh thoảng cũng phải mất mùa, vỡ đê, đói kém cho chúng nó phải khó khăn xoay sở cái ăn, cái mặc, cho chúng nó chỉ đủ thời giờ nghĩ đến sống mà không có cuồng vọng phản đối chúng ta..."

6, "Cuối năm 1944, hơn 1 vạn quân đội Nhật tràn vào Nghệ Tĩnh và đóng giữ những địa bàn quan trọng ở hai tỉnh. Một loạt chính sách vơ vét, bóc lột của chúng đã được thực hiện. Chúng bắt nhân dân nhổ lúa, ngô trồng đay; trưng mua, trưng thu thóc tạ theo đầu mẫu ruộng đất. Trên mỗi đầu mẫu ruộng đất ở Hội Tâm, Kim Liên, và Vạn Phúc, chúng bắt nhân dân đóng 2 tạ thóc. Thóc gạo ở các chợ bị chúng mua vét. Nhiều hành động tàn bạo của giặc Nhật diễn ra. Một nông dân làng Kim Liên, trong khi chở thóc lên nộp ở đồn, chỉ vì tiếng kêu của xe cút kít khi qua cổng đồn, lính Nhật đã đánh đập người này một cách dã man. Trước cảnh tượng bị đè nén, áp bức như vậy nhân dân vùng Thịnh Sơn lúc này có câu:

Trắng đầu làm tội chưa qua,

Đỏ đầu làm tội bằng ba trắng đầu"

(Trắng đầu chỉ giặc Pháp, đỏ đầu chỉ giặc Nhật)

7, "Trước năm 1945, gia đình tôi có 9 khẩu, chỉ có một suất đinh, ruộng công điền (7 sào 2 thước), tôi lên Hà Nội kéo xe tay từ trước năm 1945. Trong thời gian xảy ra nạn đói, dân Tây Lương lên Hà Nội không phải là ít, tôi không nhớ cụ thể là bao nhiêu. Họ nói với tôi là ở nhà đói lắm, chẳng có gì mà ăn, đến củ chuối cũng hiếm lắm. Họ nhờ tôi kiếm chỗ làm nghề kéo xe thuê, cũng có người bán hết các thứ ở quê để lên Hà Nội, trừ ăn đường còn ít tiền mua xe để hành nghề. Hầu hết là đi thuê xe của người ta. Một số người không thể kéo xe được (đàn bà, trẻ em, người yếu) thì phải vào làng Tám (làng cứu tế), ở đó nó bố thí cầm hơi. Đói quá, chạy xe nhiều khi thở không ra hơi, có khi gục ngã, bị khách đánh. Không ít người chết vì đói, lại có người cả đói, cả bị đánh mà chết. Tôi chứng kiến ông Hoàng Ngọc Nam, mới khoảng 40 tuổi, rất khỏe. Ông Nam lên Hà Nội mua lại xe của người ta để đi kéo xe thuê. Hết tiền, hình như mấy hôm trước ông đã không có gì vào bụng rồi. Hôm ấy ông Nam đói quá liền xông vào cướp bánh mì của một con mẹ đầm ở ngã tư Tràng Tiền để ăn. Mẹ đầm nó kêu ầm lên rồi nó gọi lính Tây lại. Mấy thằng xì xồ chạy đến vây quanh đấm, đá, tát, một thằng to cao ấn ông Nam xuống, cứ thế nó bóp cổ ông, ông Nam giãy giãy rồi gục dần đến chết hẳn..." - ông Hoàng Văn Cầu (70 tuổi), xóm Nam Thọ, thôn Hiên, xã Tây Lương.

8, "Năm ấy lúa xấu lắm, không có gạo, ăn chẳng được, nhiều người chết lắm, có gia đình chết mà không ai biết, thối ra chuột ăn... nên nhiều khi cũng chẳng rõ là ai. Họ Nguyễn chết nhiều, có 3 hộ chết hoàn toàn gồm 17 nhân khẩu. Số hộ chết lẻ tẻ thì rất nhiều, khoảng 25 người. Tổng số người chết của họ Nguyễn là 42 người trong khoảng 100 người. 

Trường hợp ông Nguyễn Văn Tứ chết đói rất đặc biệt. Kinh tế nhà ông ấy vào loại khá trong xóm, nhưng ông đem bán thóc đi để mua đồ, đến lúc vấp đói, xoay không kịp, gia đình bị đói, cả nhà cùng chết. Lại có trường hợp như cụ Bùi Văn Thám, năm ấy khoảng 40 tuổi làm nghề thủ cống (coi cống Hoàng Môn) ở trong biên chế nhà nước hẳn hoi, gia đình đói quá, cụ thu xếp cả nhà ra ngoài cống, còn nhà cửa đất đai thì đóng lại. Ra ngoài ấy, cụ vơ vét các thứ để bán lấy tiền, chạy vạy buôn bán lặt vặt ít hoa quả, bánh trái. Nhưng rồi đói quá, cụ bị chết ngoài cống. 

Chỉ có địa chủ, nhà giàu là không chết, còn ngay một số nhà khá giả cũng chết, nhà nghèo thoát đói hiếm lắm. Trường hợp chết đói nào cũng đáng thương. Nhà ông Bùi Văn Dị có 2 vợ chồng, 2 đứa con, chỉ có 1 suất đinh ruộng công không cấy mà cho người ta cấy theo thuế, cả nhà đi làm thuê (vì không có tiền thuê trâu cày) cứ hết mùa là hết gạo. Năm 1944 mất mùa đói quá, bán cả nhà và 1 sào đất được 200 đồng thì trừ nợ 100 đồng, còn 100 đồng chia đôi, vợ 50 đồng, chồng 50 đồng. Ông bố dẫn cậu con trai đi Hà Nội, nghe nói vào làng Tám rồi sau chết ở đâu không rõ. Hai mẹ con sang nhà ông ngoại cậy nhờ, nhưng người con gái vẫn không thoát chết. Vì bị đói, suy dinh dưỡng, bụng to trướng rồi chết. Thế là chỉ có bà vợ của ông qua khỏi. 

Gia đình cụ Hoàng Văn Duẩn có 5 nhân khẩu chỉ đi làm thuê, mò cua bắt ốc, chết đói cả nhà, gia đình người em là Hoàng Riếc, chồng đi đánh dậm, vợ mò cua, cả nhà có 5 nhân khẩu cũng chết cả nhà. Hai anh em nhà này là người chết đầu tiên ở địa phương..." - ông Nguyễn Văn Thâu (64 tuổi), xóm Nam Thọ, thôn Hiên, xã Tây Lương.

9, "Nạn đói ở Thái Bình thật là khủng khiếp. Người đi ăn xin rất đông, chỉ còn da bọc xương. Từ đầu thị xã về đến nhà thờ, đầy mộ chôn người chết đói. Chết không ván chôn, chỉ lấy dây buộc cổ lôi ra. Cảnh mẹ chết con bé không biết gì cứ nhay vú rồi lăn ra khóc lả đi mà chết cũng có. Nhà tôi là nhà buôn bán nên không bị đói. Có nhà thì chạy lên Thái Nguyên, Tuyên Quang tìm khoai sắn, cũng chết. Xóm tôi có 20 gia đình thì có 5 gia đình có người chết đói (khoảng 15 người). Ông Nhân (không nhớ họ), ông Dẹo có 2 người con, 1 con dâu, cả nhà có 5 người đều chết hết..." - ông Bùi Thọ Tỵ, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình.

10, "Tỉnh này có 28 vạn người chết đói. Quê tôi là thôn Phú Viên, xã Mỹ Lộc, chết gần nửa dân số. Gia đình tôi lúc bấy giờ phải chạy đi Hà Nội, hàng ngày phải ăn cháo cám, mà cám không phải nguyên chất mà còn pha thêm mùn cưa. Gia đình ông bác họ tôi có vợ, con dâu chết phải bó chiếu khiêng ra vệ ruộng lấp đất. Cứ mỗi người chết, người chôn được xóm cho 1 đồng bạc, đến ông Đáy cũng chết như vậy. Con gái ông Đáy cũng tản cư đi các nơi không thấy trở về. 

Một số gia đình như ông Tâm, ông Thái, bác Trực chết cả nhà. Ở đấy có ông tên là Nhật chuyên đi chôn người để sống. Nhà ông Tôn chết cả nhà, người ta đốt nhà và vùi người vào đó. Năm ấy tôi tổ chức một cuộc cứu đói ở Hà Nội, ông Mai Văn Hàm là Chủ tịch Hội cứu đói ở Bắc Bộ, tôi lấy một cái giấy của ông Hàm về đi qua Thái Bình, đến vay một nhà địa chủ, ông ấy không cho vay, tôi bèn tổ chức phá kho thóc nhà ông ấy. Tôi lấy những người có sức lực, cử ra 12 người, trong đó có 1 thợ mộc để phá khóa cho dân xúc thóc. Tin ấy bay đi, dân mấy xã trục đường 39 kéo ra mấy nghìn người. Nhà có thóc chống đối ghê lắm, họ dùng gạch đá, giáo mác chống đối nên không vào được. Ông Mạch còn có sức xông vào, nhưng người trong nhà không dám đâm. Mấy mẫu khoai lang ở xung quanh bị dân đói nhổ hết lên, nhưng khoai lang năm ấy không có củ... Thôn tôi hầu hết ăn cháo cám, có người mua cám, lấy trộm của Nhật một nắm gạo giấu dưới cám, thằng Nhật khám thấy nó bắn chết luôn. 

Năm 1943, Nhật chủ trương vơ vét thóc. Thái Bình tổ chức được mấy vụ phá kho thóc của Nhật để tự cứu lấy mình. Thái Bình lúc đó có ban "Chấn chỉnh phong trào" mà nhiệm vụ chủ yếu là cứu đói, phá kho thóc của Nhật, nhờ đó mà cứu được một số dân bị đói. Tôi chỉ nhớ phá kho thóc làng An Lão bấy giờ thuộc xã Phong An, chặn mấy đoàn thuyền của Nhật ở sông Luộc. Năm ấy rất rét, cứ mỗi buổi sáng là hàng đoàn xe bò đi nhặt xác chết, vì ban đêm người bị đói lại bị rét nên chết rất nhiều. Người chết được xếp vào các hố lớn như xếp cá hộp, đổ vôi bột rồi lấp lại..." - ông Giang Đức Tuệ, nguyên Chủ tịch tỉnh Thái Bình.

Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam: Những chứng tích lịch sử - Ảnh 6.

Nhân chứng kể, có nhiều cách chết khác khác nhau. Có những người trong mấy tháng đói, ăn uống kham khổ, chỉ có rau, củ chuối... đến khi có lúa gặt về, ăn vào rồi bị chết (chết no).

11, Nhưng để thấy rõ tính chất và đặc điểm của tai họa thì không chỉ nhìn vào con số, mà phải thấy rõ tính thảm khốc của cái chết và tính dã man, tàn bạo của kẻ gây ra cái chết. Nếu cái chết của các chiến sĩ hay nhân dân Việt Nam trong các cuộc kháng chiến là cái chết của những người:

- Hy sinh, xả thân chiến đấu vì độc lập, tự do.

- Cái chết có khí phách của con người, chết để cho người còn sống hay con cháu họ được hưởng tự do, hạnh phúc, tức cái chết anh hùng, cái chết hiên ngang.

- Cái chết mà thể xác con người được nhân dân quý trọng, chôn cất tử tế trong những điều kiện có thể, và vong linh của họ được thờ phụng, danh hiệu của họ được các thế hệ tôn vinh, gia đình họ được nhân dân giúp đỡ nuôi dưỡng (như ngày nay hàng chục vạn mộ liệt sĩ được tôn tạo, hàng nghìn bà mẹ anh hùng được nuôi dưỡng...).

Còn cái chết do nạn đói năm 1945 gây ra như trên đã phân tích là cái chết kéo dài, thảm khốc: Thân xác bị giày vò, ruột gan bị cào cấu, tinh thần bị khổ đau, tình người tình đời bị đứt đoạn - cái chết khiến con người bị mất cả nhân phẩm: Ăn xin, ăn cắp, ăn của thiu thối, ăn cả thịt người... Chết trong kháng chiến, người ta còn tin tưởng, hy vọng vào tương lai vẻ vang của dân tộc, của con cái. Còn ở đây, người chết đi không thấy có hy vọng gì ngoài sự lo toan thấp thỏm rằng con cháu mình có được sống sót không và sẽ sống ra sao?

12, "Số nạn nhân của nạn đói ở thôn Lương Phú, xã Tây Lương, mà những người còn may mắn sống sót đã cho là tới hơn 40% tổng số dân của thôn, tương đương với mức thiệt hại đã xảy ra ở vùng Hachinothe miền Bắc Nhật Bản, nơi gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất trong suốt nạn đói lớn nhất ở Tenmei ở thời kỳ Edo" - Giáo sư Furuta Motoo.

Đánh giá về cuốn "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử"

Phó Giáo sư Đinh Quang Hải - Viện trưởng Viện Sử học cho rằng: "Cuốn sách là một công trình khoa học được thực hiện công phu, nghiêm túc, là kết quả của ba đợt điều tra và khảo sát thực tế có quy mô lớn vào các năm 1992, 1993 - 1994, 1994 - 1995 ở 23 điểm thuộc 21 tỉnh, thành phố từ tỉnh Quảng Trị trở ra.

Căn cứ vào khối lượng lớn tư liệu có độ tin cậy được thu thập qua điều tra thực địa bằng phương pháp xã hội học lịch sử rất sát thực với những số liệu thống kê cụ thể và tư liệu lịch sử, phỏng vấn những nhân chứng lịch sử kết hợp với khảo sát, nghiên cứu các di tích lịch sử cụ thể và các tư liệu thư tịch như sách báo, tranh, ảnh, bảng, biểu đồ, dựa trên cơ sở tiếp cận nghiên cứu khoa học kết hợp với các phương pháp nghiên cứu phù hợp, công trình đã dựng lại khá đầy đủ, toàn diện, có hệ thống về nạn đói năm 1945 ở Việt Nam.

Kết quả của công trình đã làm sáng rõ về số lượng hơn 2 triệu người chết đói; về thảm họa chết đói; về nguyên nhân sinh ra nạn đói năm 1945 và hậu quả nghiêm trọng của nó. Công trình "Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam - Những chứng tích lịch sử" đã chứng minh một cách chắc chắn rằng: Nguyên nhân sinh ra nạn đói ở Việt Nam năm 1945 là do chính sách vơ vét, bóc lột tàn bạo của phát xít Nhật đối với nhân dân Việt Nam".