Nạn đói trên thế giới: Nguy cơ hiện hữu

Trần Bách
09:55 - 14/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã phải thốt lên rằng, thế giới đang đối mặt với "làn sóng đói khát và đau khổ chưa từng có".

Nạn đói trên thế giới: Nguy cơ hiện hữu - Ảnh 1.

Tình hình mất an ninh lương thực lần này có đặc điểm là xung đột xảy ra ở khu vực xuất khẩu lương thực. Ảnh minh họa, nguồn: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc - FAO

Chi trong một tuần cuối tháng Năm, đã có ba cuộc họp trong khuôn khổ Liên Hợp Quốc để bàn về an ninh lương thực. Diễn đàn Kinh tế Thế giới, nơi tập trung thảo luận những vấn đề toàn cầu hoá cũng dành một phiên đặc biệt về an ninh lương thực. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã phải thốt lên rằng, thế giới đang đối mặt với "làn sóng đói khát và đau khổ chưa từng có".

Theo số liệu của Tổ chức Nông-Lương và Chương trình Lương thực Thế giới thì cho đến năm 2021 đã có 193 triệu người đói ăn trên toàn thế giới! Con số này sẽ tăng thêm 47 triệu người trong năm 2022, đạt mốc cao "kỷ lục" là trên 240 triệu người. Một con số đủ để chúng ta rùng mình lo sợ.

Theo nhiều chuyên gia, ngoài những lý do như đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và xung đột thì tình hình mất an ninh lương thực lần này có đặc điểm là xung đột xảy ra ở khu vực xuất khẩu lương thực.

Ở cấp độ quốc tế, xung đột ở Ukraine và tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng đã gây ra tình trạng hạn chế xuất khẩu, không có sản xuất và khó khăn trong tiêu thụ đã đẩy giá cả tăng cao chưa từng thấy. 

Chỉ tính từ tháng 2 đến nay, lượng lúa mì tồn đọng của Ukraine đã lên đến 20 triệu tấn. Nga cũng đã hạn chế xuất khẩu lúa mỳ, đường, tạm dừng xuất khẩu hạt hướng dương từ tháng Tư đến tháng Tám, áp đặt hạn ngạch cho xuất khẩu dầu hướng dương. 

Dự đoán khó khăn sẽ kéo dài đến cuối năm 2024, làm tồi tệ thêm vấn đề an ninh lương thực. Khó khăn nhất là những nước nhập khẩu lúa mỳ như Ai Cập (12 triệu tấn năm 2021), Indonesia (10 triệu tấn năm 2018), Nigeria (5 triệu tấn năm 2021).

Ở cấp độ quốc gia, nhiều nước đang chịu lạm phát giá lương thực cao do thiếu lao động, giá phân bón tăng đột biến, đồng tiền giảm giá. 

Trong những tháng đầu năm 2022, 90% trong số 175 các nước mới nổi và đang phát triển đã chịu lạm phát gía cả lớn hơn 5%. Nhiều nước có lạm phát hai con số. 70% trong số đó có mức lạm phát giá lương thực cao hơn lạm phát chung.

Theo Ngân hàng Thế giới, giá nông sản đầu tháng 6/2022 cao hơn tháng 1/2021 là 40%, trong đó ngô và lúa mỳ tăng 42% và 60%. Cũng theo Ngân hàng Thế giới, lạm phát giá lương thực sẽ vẫn tiếp tục tăng trong ba năm tới. Giá lương thực, nhiên liệu và phân bón cũng sẽ vẫn cao vào năm 2023 và năm 2024.

Nhiều nước đã có xu hướng bảo hộ thương mại, làm cho tình trạng thiếu lương thực càng tồi tệ hơn. Ấn Độ bắt đầu cấm xuất khẩu lúa mỳ từ 15/5, Indonesia đã cấm không cho xuất khẩu dầu cọ từ 28/4, Argentina cấm không cho xuất thịt từ tháng Năm và Khazachstan hạn chế xuất khẩu lúa mỳ và bột mì. 

Tính chung trên thế giới đã có hơn 40 nước có những biện pháp bảo hộ. Những biện pháp này chỉ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.

Bên cạnh đó khi giá nhiên liệu và phân bón cao sẽ làm giảm sản lượng nông nghiệp trong tương lai, đẩy giá nông sản lên cao hơn, có thể ảnh hưởng cả năng suất lúa ở châu Á trong tương lai.

Bảo đảm an ninh lương thực ở thời điểm căng thẳng địa chính trị và kinh tế gia tăng là rất khó. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm mà tất cả các nước, nhập khẩu hay xuất khẩu lương thực, đều cần hợp tác để duy trì an ninh lương thực. Trách nhiệm cao cả của lãnh đạo tất cả các quốc gia là phải chung tay ngăn chặn "làn sóng đói khát và đau khổ chưa từng có". Không cho nó xảy ra! 

Đây chính là thời điểm mà tất cả các nước, nhập khẩu hay xuất khẩu lương thực, đều cần hợp tác để duy trì an ninh lương thực.
Giá gạo có thể sẽ "tăng vọt" trên toàn cầu! Giá từ lúa mì và các loại ngũ cốc khác cho đến thịt, dầu ăn đều tăng vọt trong vài tháng qua và tiếp theo sẽ là gạo - loại lương thực chính ở phần lớn nước châu Á, CNBC đưa tin ngày 12/6. Theo hãng tin CNBC, lệnh cấm xuất khẩu lương thực gián đoạn nghiêm trọng từ một số nước như Ấn Độ (cấm xuất khẩu lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường) và Indonesia (dầu cọ) đã góp phần khiến giá lương thực toàn cầu tăng vọt. Và gạo có thể là mặt hàng tăng giá tiếp theo. Chỉ số giá lương thực từ Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc trong tháng 5 vừa công bố cho thấy giá gạo thế giới đã tăng 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất 12 tháng.