Nạn cháy rừng

Trần Bách
07:20 - 27/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tin tức mấy ngày vừa qua cho thấy cháy rừng xẩy ra liên tục ở Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha khi nhiệt độ ở các nước này liên tục ở trên mức trên 40 độ C. Đã có thời điểm, nhiệt độ tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha lên đến 49 độ C.

Ở Pháp cháy rừng đã lan đến 17.000 hec-ta ở vùng tây nam nước này và hơn 32.000 người đã phải sơ tán khỏi nơi mình sinh sống. Với nhiệt độ có thể vẫn ở mức cao trong những ngày tới, chăc chắn cháy rừng cũng sẽ vẫn tiếp tục xẩy ra. 

Ở Nam Mỹ, Macchu Picchu đang bị cháy rừng đe doạ. Ở Ấn Độ và Nam Á, nhiệt độ cũng tăng cao, tăng nguy cơ cháy rừng.

Theo nhiều ước tính thì rừng trên toàn thế giới bị mất do cháy từ năm 2001 đến năm 2019 là khoảng 26% đến 29%, cao hơn nhiều so với ước tính trước. 

Cháy rừng đã đến mức độ mà Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc phải cho rằng:"Một nửa nhân loại đang ở vùng nguy hiểm, do lụt lội, hạn hán, bão và cháy rừng cực đoan. Không quốc gia nào miễn dịch". 

Ông cho rằng nhân loại phải chọn hoặc "hành động tập thể" hoặc "tự tử tập thể".

Cháy rừng có thể có nguyên nhân tự nhiên như khí hậu khô, sét, núi lửa hoạt động. Tuy nhiên, ngày nay phần lớn cháy rừng là do con người gây ra. Trước hết là do đốt lửa trại và đốt lửa để nướng thịt và rồi đến công cụ đánh lửa như máy cưa, máy cắt cỏ, đường điện trên cao … Ở vùng nhiệt đới, nông dân còn thường đốt nương làm rẫy. 

Nhiệt độ cao do tình trạng trái đất ấm dần lên, tạo ra cơn bão sét, luồng gió từ dưới đất lên, cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra cháy rừng. Ở vùng Columbia, Canada, chính phủ tính rằng khoảng 40% cháy rừng là do người gây ra và ở Mỹ, tỷ lệ này còn lên đến 85%.

Cháy rừng có tác hại rất lớn đến cuộc sống của loài người và sinh vật. Cháy rừng phát thải khí các-bon, gây tử vong cho người và động vật, tốn của. Theo một tính toán của Cơ quan nghiên cứu môi trường Liên minh châu Âu, năm 2021, cháy rừng tạo ra 1,76 tỷ tấn khí các-bon. Những điểm nóng trong thời gian từ năm 2003 đến nay là vùng Yakutia ở Xi-be-ri, Thổ Nhĩ Kỳ, Tu-ni-di và tây nước Mỹ. Chỉ trong tháng Năm và tháng Sáu vừa qua, cháy rừng Tây Ban Nha và Ma-rốc đã phát ra 1,5 tỷ tấn khí các-bon. Hơn nữa, cháy rừng còn tạo ra hạt các-bon đen và nâu, tiền chất ô-dôn như hợp chất hữu cơ dễ tan và ô-xít ni-tơ rất có hại cho sức khoẻ.

Cháy rừng còn tạo ra khói và bụi. Cùng với khí các-bon, đây là nguyên nhân gây ra khoảng 30.000 ca tử vong mỗi năm ở 43 nước trên thế giới. Chỉ tính trong hai năm 2019-2020 đã có gần 3 tỷ động vật có vú, bò sát, chim và ếch nhái đã chết do cháy rừng ở Ô-xtrây-lia. 

Có nhiều năm, khói mù do cháy rừng ở Indonesia tạo ra bay đến tận Singapore và thành phố Hồ Chí Minh, là nguyên nhân trực tiếp gây nhiều bệnh đường hô hấp và tim mạch, đặc biệt là ở người gìa và trẻ em.

Cháy rừng còn gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Chỉ tính ở Mỹ, một trong số ít nước có thống kê thiệt hại, thì thiệt hại do cháy rừng gây ra đã lên tới 71-348 tỷ đô la trong những năm gần đây.

Nhận thức được nguy cơ của cháy rừng, Thủ tướng Pham Minh Chính và lãnh đạo của 140 nước khác trên thế giới đã ký Tuyên bố về Rừng và Sử dụng đất, cam kết chấm dứt tình trạng mất rừng vào năm 2030 thông qua những cố gắng bảo tồn và khôi phục rừng và các hệ sinh thái khác. 

Ngăn chặn được cháy rừng chúng ta sẽ ngăn chặn được biến đổi khí hậu và hiện tượng trái đất ấm dần lên để trái đất đáng sống hơn.

Nạn cháy rừng - Ảnh 1.

Một hình ảnh về cháy rừng ở Hy Lạp. Nguồn: Getty Images