Mùa Vu Lan báo hiếu, cần nâng cao ý thức về nguy cơ hỏa hoạn do đốt vàng mã

Quỳnh Giang
15:40 - 12/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một Mùa Vu Lan nữa lại đến với nhiều hoạt động tín ngưỡng tưởng nhớ đến đấng sinh thành và những người thân yêu đã khuất, trong đó có các hoạt động đốt vàng mã. Để hạn chế những vụ cháy nổ từ đốt vàng mã gây ra, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Không đốt vàng mã "vô tội vạ" dịp Rằm tháng Bảy

Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan của đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hình thành lễ Vu Lan-báo hiếu. Nhưng hiện nay, nét đẹp văn hóa này đã và đang bị biến tướng thành hủ tục, mê tín dị đoan ở nhiều nơi, nhiều người.

Với suy nghĩ "trần sao âm vậy", nhiều người có suy nghĩ rằng, đốt càng nhiều tiền vàng, xe cộ, nhà cửa… thì càng thành tâm với người đã khuất. Cứ mỗi khi đến dịp Rằm tháng Bảy, Thanh Minh, Tết nguyên đán… nhiều khu dân cư, tập thể lại nghi ngút khói vì nhiều nhà "hóa" cả xe vàng mã, nhà lầu, xe hơi, điện thoại… cho người đã khuất ngay trên ban công hay trước cửa nhà. Nhiều vụ cháy đã xảy ra từ chính việc đốt vàng mã như vậy.

Mùa Vu Lan báo hiếu, cần nâng cao ý thức về nguy cơ hỏa hoạn do đốt vàng mã  - Ảnh 1.

Để hạn chế những vụ cháy nổ từ đốt vàng mã gây ra, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các
quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Theo thống kê của Công an thành phố Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 206 vụ cháy, làm 12 người chết và 10 người bị thương, trong đó địa bàn xảy ra cháy tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, chiếm 65%.

Nếu thực sự có cõi linh thiêng "trần sao âm vậy", thì chắc chắn những người đã khuất cũng không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh cháy nhà, chết người từ việc đốt vàng mã mà ra.

Không chỉ vậy, hiện nay người dân Hà Nội và nhiều địa phương trong cả nước đang sống trong bầu không khí ô nhiễm nặng nề, trong đó một phần là do cộng hưởng của khói bụi từ việc đốt vàng mã. Nhiều chuyên gia cũng đã nhận định, vàng mã sử dụng giấy tái chế, chứa chất rắn và hóa chất độc hại nên khi bị đốt sẽ thải ra môi trường lượng lớn khí bụi độc hại cho sức khỏe con người. Với khoảng 60.000 tấn vàng mã được nung đốt mỗi năm, thì lượng khí thải độc hại ra môi trường nhiều đến mức nào.

Thực tế hiện nay, nhiều ngôi chùa ở Hà Nội đã không cho hóa vàng mã tại chùa mà vàng mã được gom lại và đưa đi đốt ở một địa điểm khác, phòng tránh cháy nổ và ô nhiễm môi trường.

Nhiều vụ cháy từ đốt vàng mã

Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, có thể thấy phần lớn những vụ cháy, nổ xảy ra do việc đốt vàng mã là tại các hộ gia đình, khu dân cư đông đúc, phố cổ nhỏ hẹp. Người dân thường mang vàng mã ra vỉa hè hoặc tiện nơi nào thì đốt tại đó mà không để ý xung quanh có vật dụng, chất dễ cháy, đặc biệt là chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Quá trình đốt vàng mã, nhiều người có tâm lý chủ quan, lơ là, không có các biện pháp che chắn hoặc không chờ đến khi lửa tắt hoàn toàn và khi có gió làm phát tán tàn lửa dẫn đến cháy lan ra khu vực xung quanh.

Không ít những vụ cháy xảy ra dẫn đến hậu quả nghiêm trọng mà nguyên nhân chính từ việc thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã.

chay nha.jpg

Vụ cháy nhà xảy ra tại ngõ 32, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội xuất phát từ nguyên nhân chủ nhà hóa vàng quên đổ tàn. Ảnh tổng hợp từ Báo An ninh Thủ đô

Mới đây, ngày 9/8, một vụ cháy nhà xảy ra tại ngõ 32, phố Hoàng Đạo Thành, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Nguyên nhân được xác định do chủ nhà hóa vàng để cạnh đống quần áo, nhưng quên đổ tàn lửa đã làm bén sang các vật liệu khác gây cháy. Vào thời điểm đó, trong nhà có 2 cháu nhỏ đã kịp thời thoát ra ngoài an toàn. Đội Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an quận Thanh Xuân đã điều 2 xe chữa cháy tới hiện trường phối hợp dập tắt hoàn toàn đám cháy, không để cháy lan sang các gia đình bên cạnh. Rất may vụ cháy không có thiệt hại về người.

Ngày 8/8 vừa qua cũng đã xảy ra vụ cháy nhà xưởng ở huyện Mê Linh và cháy tạp hóa kết hợp nhà trọ ở dốc Bệnh viện Nhi Trung ương, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đặc biệt, ngày 1/8 vừa qua, vụ cháy xảy ra tại quán karaoke số 231 Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã làm 3 cán bộ, chiến sỹ thuộc Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Cầu Giấy) hy sinh làm ai nấy đều xót thương.

Trước đó, ngày 4/2/2021, vụ đốt vàng mã tiễn ông Công ông Táo chầu trời ngay trước cửa phòng trọ ở phường Khương Thượng, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã khiến 4 sinh viên thiệt mạng làm nhiều người bàng hoàng, xót xa.

Nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy

Thực tế cho thấy, các vụ cháy do thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: Bố trí nơi thắp hương thờ cúng không đảm bảo khoảng cách, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương, nến dẫn đến bắt cháy, trong quá trình hóa vàng không có người trông coi để tàn lửa lan sang các vật dụng xung quanh...

Để toàn dân có một mùa Vu Lan báo hiếu an lành - an toàn, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy, không được chủ quan khi đốt vàng mã và cần lưu ý một số nội dung sau:

Tuân thủ việc đốt vàng mã đúng nơi quy định, cách xa các chất, hàng hóa dễ cháy, nổ;

Chủ động tìm hiểu để nắm được các biện pháp phòng cháy chữa cháy cơ bản và cách xử lý tình huống khi có sự cố cháy, nổ xảy ra;

Sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để đốt vàng mã để tránh tàn lửa bay ra xung quanh và trông coi vàng mã đến khi cháy hết, dùng nước vẩy lên tro để dập tắt lửa hoàn toàn… và không nên đốt quá nhiều vàng mã cùng một lúc;

Trang bị dụng cụ trữ nước, xô, thùng xách nước để vừa phục vụ sinh hoạt, vừa phục vụ chữa cháy. Chủ động trang bị tối thiểu 1, 2 bình chữa cháy xách tay và nắm bắt được cách sử dụng để kịp thời ứng phó khi có cháy xảy ra.

Mùa Vu Lan báo hiếu, cần nâng cao ý thức về nguy cơ hỏa hoạn do đốt vàng mã  - Ảnh 4.

Người dân cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: TTXVN

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ cũng vừa phát đi khuyến cáo cho người dân nhằm bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy trong khi đốt vàng mã dịp rằm tháng 7.

Người dân phải cẩn trọng trong việc thắp hương, thắp nến thờ cúng và hóa vàng mã. Hương phải được thắp tại vị trí cách xa trần gỗ, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi. Không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng, kích thước lớn như nhà lầu, xe hơi… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn.

Khi đốt vàng mã phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro đề phòng cháy ngầm. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy".

Chủ nhà phải bố trí nơi thắp hương thờ cúng, các vật dụng trang thiết bị trên bàn thờ đảm bảo khoảng cách an toàn phòng cháy chữa cháy, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan. Việc thắp hương phải có người trông coi, tránh việc thắp hương vòng qua đêm, khi sử dụng nến thì cần kê nến trên các đế đỡ không cháy.

Người dân cần bố trí các thiết bị điện trên bàn thờ bảo an toàn phòng cháy chữa cháy về điện, dây dẫn đảm bảo cường độ dòng điện, hệ thống điện nên có át-tô-mát để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy.

Đối với các chợ, cần phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng của tiểu thương. Trong khi đó, tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng cháy chữa cháy cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về phòng cháy chữa cháy.

Bình luận của bạn

Bình luận