Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy để tránh “bà hỏa” lây lan

Công Ngọc - Nguyễn Lựu
00:38 - 04/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Để đảm bảo an toàn phóng chống cháy nổ, các địa phương tại thành phố Hà Nội đã và đang triển khai tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn.

Phòng cháy, chữa cháy bằng "4 tại chỗ"

Hình ảnh 3 chiến sĩ cảnh sát hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu hỏa tại quán Karaoke ISIS ( số 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội) ngày 1/8 vừa qua một lần nữa đã chứng minh cho người dân khắp cả nước thấy được tinh thần dũng cảm, không ngại khó khăn, nguy hiểm của các đồng chí thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy.

Bên cạnh hình ảnh vì nước quên thân đó của các chiến sĩ công an, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng ấy đã như một hồi chuông cảnh tỉnh tới từng người dân trong mỗi chúng ta, nên có ý thức hơn trong việc bảo đảm an toàn ngay tại nơi mình sống. Tránh để xảy ra hỏa hoạn với những hậu quả đáng tiếc.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy để tránh “bà hỏa” lây lan - Ảnh 1.

Vụ cháy tại địa chỉ 231 Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) đã khiến cho 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ. Ảnh: CA TP Hà Nội

Do đó, để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy cũng như trang bị, nâng cao kiến thức để đảm bảo cho người dân biết cách phòng tránh và xử lý nếu không may xảy ra hỏa hoạn. Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang áp dụng phương pháp cứu hỏa "4 tại chỗ".

Trao đổi với ông Nguyễn Văn Luyện – Chủ tịch UBND phường Bồ Đề (Long Biên, Hà Nội) được biết, để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn phường, UBND quận Long Biên đã tổ chức tập huấn cho cán bộ địa phương về mô hình "4 tại chỗ" từ tháng 1/2022.

Theo đó, với những phương châm chính là: Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ, UBND phường Bồ Đề đã thành lập Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứ hộ do lãnh đạo phường cùng các phòng, ban chuyên môn phối hợp với lực lượng công an làm nòng cốt. Vì mục tiêu giữ gìn an ninh trật tự, giảm thiểu tối đa nguy cơ xảy ra hỏa hoạn.

" Ngoài ra, để đảm bảo mô hình "4 tại chỗ" được phát huy tối đa một cách hiệu quả, ngoài việc trang bị đủ các thiết bị PCCC tại chỗ thì địa phương còn tổ chức những lớp tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC nhằm hướng tới mục tiêu mỗi người dân là một người lính cứu hỏa để góp phần ngăn chặn cháy, nổ từ sớm. " – ông Luyện cho biết thêm.

 Không chỉ vậy, đối với những hộ dân buôn bán, kinh doanh tại nhà hay tự ý sửa chữa, cơi nới xây dựng chuồng cọp trên địa bàn, UBND phường Bồ Đề đã cử cán bộ cùng với tổ trưởng dân phố trực tiếp xuống từng hộ dân để yêu cầu ký biên bản cam kết về việc phòng cháy, chữa cháy và vận động người dân mở lối thoát hiểm thứ hai ngay trong nhà để đảm bảo an toàn.

Tương tư, tại phường Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng đang tăng cường các hoạt động kiểm tra liên ngành tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ, bãi trông giữ xe trong khu vực quản lý để kịp thời phát hiện những thiếu xót trong công tác đảm bảo an toàn phòng, chống cháy nổ.

"Tới đây, tổ công tác do phường thành lập sẽ cùng với lãnh đạo các tổ dân phố để tới từng nhà tuyên truyền, vận động người dân nên có những phương án chủ động phòng chống cháy nổ trong thời điểm rất dễ xảy ra hỏa hoạn như hiện nay. Đặc biệt, với những khu vực kinh doanh được coi là điểm nóng, có nhiều nguy cơ dễ xảy ra hỏa hoạn, chúng tôi sẽ thường xuyên kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện thấy có sai phạm sẽ kiên quyết xử lý " – bà Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch UBND phường Định Công chia sẻ.

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy để tránh “bà hỏa” lây lan - Ảnh 2.

UBND quận Long Biên tổ chức tập huấn công tác phòng cháy, chữa cháy cho người dân và cán bộ phường Bồ Đề. Ảnh: Công Ngọc

"Thời gian vàng" để dập tắt ngọn lửa

Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an thành phố Hà Nội) cho biết, khi xảy ra hỏa hoạn, "thời gian vàng" để dập tắt được ngọn lửa là từ 5-10 phút đầu tiên.

Khi đó, nếu phát hiện sớm, đám cháy đang ở quy mô vừa và nhỏ, chưa lây lan trên diện rộng, người dân hoặc lực lượng dân phòng kịp thời sử dụng các thiết bị chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy, xe hoán cải có chứa thùng nước có vòi để cứu hoả trước khi cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến thì sẽ giảm thiểu được tối đa những hệ lụy do hỏa hoạn gây ra.

Thiếu tá Đỗ Tuấn Anh khuyến cáo, mỗi người dân cần trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy để bảo vệ gia đình trước các nguy cơ cháy nổ xảy ra. Theo đó, các hộ gia đình cần thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện, tránh để các sự cố chập cháy do hư hỏng và tuổi thọ của các thiết bị; kiểm tra, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như: Cầu chì, công tắc, cầu dao, attomat, rơle tự đóng ngắt điện, chống quá tải, chập cháy cho đường dây điện trong nhà và chống quá nhiệt cho từng thiết bị điện, đặc biệt là các thiết bị có công suất lớn; không sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị tiêu thụ điện vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn; không sử dụng đồng thời nhiều thiết bị tiêu thụ điện trong cùng một ổ cắm.

Với các căn hộ người dân tự ý cơi nới, xây dựng "chuồng cọp" thì phải có cửa thoát hiểm, chìa khóa phải để ở vị trí dễ thấy, dễ lấy. Thống nhất các thành viên trong gia đình biết và chuẩn bị sẵn thang, thang dây để thoát nạn khi cháy xảy ra. Đối với các gia đình có trẻ nhỏ, người già, người tàn tật thì phải có nhiều biện pháp thoát nạn, cứu người phù hợp và không được khóa cửa phòng của những người nêu trên; chuẩn bị sẵn dụng cụ phá dỡ để tạo lối thoát nạn; không bố trí đồ vật cản trở đường, lối, cửa thoát nạn.