Rằm tháng 7 đến gần, giá thực phẩm, vàng mã cùng tăng

Li Lê
00:07 - 10/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Thị trường rằm tháng 7 đang bước vào giai đoạn nhộn nhịp nhất với nhiều lựa chọn đa dạng cho người dân. Nhìn chung, giá cả các mặt hàng đều nhích nhẹ so với bình thường.

Rằm tháng 7 (Âm lịch) ở Việt Nam được quan niệm là ngày xá tội vong nhân, đồng thời cũng là dịp lễ Vu lan báo hiếu. Và ngày này, ai cũng hướng về tổ tiên, cội nguồn, về các đấng sinh thành.

Theo thông lệ, hàng năm, cứ đến rằm tháng 7, các gia đình thường làm mâm cúng từ mùng 10 tới 14, 15 Âm lịch. Mâm cỗ ngày này rất được chú trọng. Vì vậy, giá cả hàng hóa, đặc biệt là thực phẩm vào những ngày này thường có biến động.

Hoa tươi, thực phẩm tăng giá

Tại một số chợ đầu mối phía Nam, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như Hoàng Mai, Nguyễn Công Trứ..., giá cả thực phẩm trong sáng 9/8 (tức ngày 12/7 Âm lịch) ghi nhận tăng nhẹ so với những ngày trước đó. Cụ thể, thịt gà ta có giá 150.000 đồng/kg, thịt bò có giá 250.000 – 280.000 đồng/kg, giá thịt lợn dao động khoảng từ 110.000 – 150.000 đồng/kg tùy loại. 

Ngược lại, do có nguồn cung khá dồi dào, nên giá rau củ quả không tăng so với ngày thường, chẳng hạn như rau muống có giá 6.000 đồng/mớ, rau mùng tơi là 5.000 đồng/mớ, măng tươi khoảng 25.000 - 30.000 đồng/kg…

Giá hoa quả tươi nhích nhẹ so với ngày thường nhưng khá đa dạng về chủng loại và mức giá. Ví dụ, so với tuần trước, giá chuối tăng khoảng 5.000 -10.000 đồng/nải lên mức 20.000 – 40.000 đồng/nải tùy loại. Tuy nhiên, người tiêu dùng còn có rất nhiều lựa chọn phong phú khác như nhãn với giá 25.000 đồng/kg, na với giá dao động từ 65.000 – 70.000 đồng/kg, dưa vàng với giá 30.000 đồng/kg, dưa hấu có giá 11.000 – 12.000 đồng/kg, táo từ 90.000 – 150.000 đồng/kg…

Ngoài ra, hoa tươi cũng là đồ lễ không thể thiếu trên bàn thờ ngày Rằm, nên giá hoa tươi nhìn chung khá đắt. Chẳng hạn, hoa cúc mai cam có giá 35.000 - 40.000 đồng/bó, cúc Đà Lạt giá 7.000 đồng/bông, hoa hồng có giá 4.000 – 6.000 đồng/bông, hoa ly có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/cành 1 bông và 20.000 đồng/cành chùm 2-3 bông...

Được biết, giá hoa tươi năm nay tăng cao không chỉ do nhu cầu của thị trường tăng cao, mà còn do nguồn cung bị ảnh hưởng. Tại miền Bắc, thời tiết mưa nắng thất thường khiến hoa tươi mất lứa. Còn tại Đà Lạt, ảnh hưởng của dịch COVID-19 từ năm 2021 khiến nhiều nhà vườn phải nhổ bỏ hoa liên tục nên "cạn" vốn, từ đó sản lượng hoa ít nhiều bị ảnh hưởng.

Việc làm cỗ chay hay mặn vào ngày Rằm tháng 7 tùy thuộc vào niềm tin, phong tục, hoàn cảnh, điều kiện thực tế của mỗi gia đình. Yếu tố quan trọng nhất không phải cỗ bàn, mà là sự thành tâm.

Dạo gần đây thị trường thực phẩm chay cũng vô cùng nhộn nhịp. Tại các hệ thống siêu thị, các doanh nghiệp đang tung ra thị trường nhiều sản phẩm đồ chay thương hiệu Việt với giá thành khá rẻ, như nem chay chỉ dao động từ 58.000 - 74.000 đồng/kg, há cảo chay chỉ 62.000 - 66.000 đồng/kg, gà chay khoảng 70.000 - 100.000 đồng/con; cá, tôm chay dao động khoảng từ 100.000 - 300.000 đồng/kg… 

Thậm chí, nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hầu hết siêu thị đang đồng loạt tổ chức chương trình khuyến mại, giảm giá từ 15 - 20% thực phẩm chay.

Rằm tháng 7 đến gần, giá thực phẩm, vàng mã cùng tăng  - Ảnh 2.

Mâm cơm cúng Rằm tháng 7 Âm lịch. Ảnh: Ruby Hotel

Cỗ nấu sẵn đắt khách 

Bắt kịp nhu cầu của thị trường và thị hiếu của các gia đình hiện đại, nhiều nhà hàng đã mở dịch vụ kinh doanh cỗ nấu sẵn trọn gói từ mặn đến chay để phục vụ tận nhà cho khách.

Tùy từng thực đơn, giá mâm cỗ mặn dao động từ 800.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/mâm. Còn giá mỗi mâm cỗ chay cũng không kém cạnh khi dao động từ 600.000 đồng đến tận 2 triệu đồng. Đại điện một nhà hàng chay cho biết, với mức giá từ 600.000 - 800.000 đồng, người tiêu dùng đã có thể đặt một mâm cỗ chay gồm 5 - 7 món như gà chay hấp, nem, giò lụa, đậu chiên xù, nấm kho, nộm, rau xào, xôi vò hạt sen, canh. 

Một chủ quán cỗ chay ở Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết quán nhận đặt cỗ chay quanh năm, nhưng dịp Rằm tháng 7, so với ngày thường, khách đặt nhiều gấp 4-5 lần.

Giá vàng mã, chim phóng sinh cũng tăng 

Thị trường vàng mã những ngày này cũng bước vào thời điểm nhộn nhịp nhất trong năm. 

Các cửa hàng tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhập hàng mới về liên tục để bán cho ngày lễ Vu Lan báo hiếu với rất nhiều mẫu mã đa dạng. Một tiểu thương tại đây chia sẻ, năm nay, bà nhập hàng từ sớm, hàng hoá cũng rất đa dạng. Về giá cả, khoảng 2 năm trở lại đây, do giá nguyên vật liệu nhập vào đắt đỏ nên giá các mặt hàng vàng mã cũng tăng từ 10-20% so với năm ngoái. Cụ thể, giá ngựa giấy dao động từ 35.000 - 500.000 đồng/con, tùy kích cỡ; còn quần áo, giày dép, mũ nón dao động từ 40.000- 50.000 đồng/bộ.

Ngược lại, một số tiểu thương lại cho biết sức tiêu thụ mặt hàng vàng mã khá chậm do nhiều người dân có xu hướng hạn chế mua đồ vàng mã hơn vì vừa tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường.

Bên cạnh, vàng mã, vào dịp Rằm tháng 7, nhiều gia đình còn sắm lễ vật để tổ chức lễ phóng sinh với ước muốn được may mắn, an lành. Lễ vật phóng sinh thường là chim, cá, cua, ốc, lươn,.. 

Trên phố Hoàng Hoa Thám, địa điểm thường được người dân tìm đến để mua chim phóng sinh, cũng tấp nập người mua, kẻ bản hơn. Khảo sát tại một số cửa hàng ở đây, chim sẻ được bán với giá giao động từ 15.000 - 20.000 đồng/con, chim khuyên có giá từ 30.000 - 50.000 đồng tùy số lượng; chim bồ câu có giá khoảng 250.000 đồng/đôi.

Bên cạnh đó. tại các cửa hàng cá cảnh trên đường này, cá chép nhỏ cũng đang được bày bán với mức giá từ 25.000 - 35.000 đồng/đôi.