Mùa viêm não

Bác sĩ Nguyễn Kiên
10:40 - 14/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Y tế thông báo, 6 tháng đầu năm có 110 ca bệnh viêm não virus, 8 ca viêm não mô cầu, với 3 tử vong.

Thủ phạm chính gây viêm não: Arbovirus nhóm B

Sáu ngày trước khi đến viện Nhi trung ương, Hà Nội, bé trai N.M.H, 6 tuổi, ở Hải Dương, sốt cao 38 - 420C, đau đầu, nôn, giảm ý thức, li bì, ngủ nhiều. Ngày 17.6, khi đến viện Nhi đã hôn mê. 

Khám, chọc tủy sống lấy dịch não tủy, xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán viêm não Nhật Bản, phải thở máy, chống tăng áp lực nội sọ (trong hệ thống thần kinh trung ương, ngoài mô não, tủy sống cùng các màng… còn có dịch não tủy (cùng máu nuôi dưỡng mô thần kinh) nhiều ít tùy theo tuổi (người lớn có 100 - 150ml). 

Khi viêm não, lượng dịch não tủy tăng đột biến làm tăng mạnh áp lực trong hộp sọ và ống cột xương sống, dẫn tới phù (thừa nước) mô não - tủy, hậu quả là giảm hoặc mất ý thức (nhận biết không gian, thời gian, xung quanh và bản thân). Nặng nhất là hôn mê với biểu hiện: Mất ý thức hoàn toàn (không thể đánh thức); mất hoàn toàn vận động, hành động tự chủ; mất hoàn toàn cảm giác (châm kim, cấu, véo không phản ứng); còn hô hấp, tuần hoàn và bài tiết). 

Sau 4 ngày căng thẳng, bé vẫn bán mê (hôn mê không hoàn toàn), vẫn thở oxy qua mặt nạ (mask), biểu hiện tăng trương lực cơ (cơ liên tục căng cứng) toàn thân. Gia đình nói bé đã tiêm vaccine theo chương trình tiêm chủng mở rộng, nhưng không rõ đã tiêm vaccine viêm não Nhật Bản chưa? 

Một ca bệnh trầm trọng khác dù đã điều trị ở khoa Hồi sức tích cực thuộc Trung tâm bệnh nhiệt đới viện Nhi hơn 3 tuần là bé T.T.T, 5 tuổi, ở Hải Phòng: Liệt tứ chi, vẫn thở máy, tiên lượng xấu. Trước đó, bé sốt cao từng cơn, đau đầu, nôn…, bệnh viện Nhi Hải Phòng chẩn đoán viêm não Nhật Bản. Do tiến triển xấu: Giảm ý thức, suy hô hấp, phải đặt nội khí quản, chuyển viện Nhi trung ương. Mẹ nói bé tiêm 3 mũi vaccine viêm não Nhật Bản khi bé 2 tuổi nhưng chưa tiêm nhắc lại. 

Từ đầu tháng 5 đến nay, Trung tâm bệnh nhiệt đới, viện Nhi trung ương điều trị gần 20 trẻ viêm não Nhật Bản, trong đó khoảng 70% có nhiều di chứng thần kinh, tâm thần nặng nề.

Thủ phạm gây viêm não cấp tính nhiều nhất là Arbovirus nhóm B (họ Togaviridae), phát hiện gây bệnh ở Nhật Bản năm 1871 - nên gọi là virus viêm não Nhật Bản B. 

Năm 1933, bác sĩ Hayashi phân lập được virus từ não người chết vì bệnh này. Năm 1938, Nhật Bản xác định muỗi Culex tritaeniorhynchus là vật chủ trung gian truyền bệnh và vật chủ chính của Arbovirus là chim và lợn. Năm 1954, Nhật Bản sản xuất được vaccine phòng bệnh. Arbovirus nhóm B cư trú ở chim hoang dã như Diệc, Liếu Điếu... và gia súc (lợn, trâu, bò, ngựa, dê, cừu, chó...). 

Mùa viêm não - Ảnh 1.

Muỗi Culex tritaeniorhynchus là vật chủ trung gian truyền bệnh. Ảnh: eol.org

Việt Nam phân lập được virus này ở chim Liếu Điếu (Bò Chao), thường kéo về vùng trồng vải từ khi kết trái đến hết mùa. Hiện đã biết Arbovirus có ở 30 loài muỗi thuộc 5 họ (Culex, Anopheles, Aedes, Mansoni, Amergeres), hút máu vật chủ chính rồi truyền cho người. Bệnh chủ yếu phát tán ở miền núi, nông thôn, ven biển, nhưng một số nước châu Á có Việt Nam, người đô thị có thể mắc bệnh. Bệnh lưu hành ở Trung Quốc, Triều Tiên, Hàn Quốc, Miến Điện, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippin, Ấn Độ; các nước Trung Á, châu Úc và vài nước châu Phi. 

Ở Việt Nam từ những năm 60 đã xuất hiện bệnh ở các tỉnh Hà Tây cũ, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng, nay thêm đồng bằng sông Cửu Long. 

Ở châu Á, gồm Việt Nam, muỗi truyền Arbovirus B là chủng Culex tritaeniorhynchus, màu nâu đen, bay xa hơn 1 km và cao 13 - 15m, ưa nước trong nên đẻ trứng ở ruộng lúa, đầm lầy, hồ ao không ô nhiễm (tây Nam bộ gọi là muỗi ruộng). 

Ở Việt Nam, muỗi này sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 - 7, hoạt động mạnh nhất lúc chập tối; mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du. Muỗi nhiễm virus truyền cho người suốt đời nó và chuyển virus cho thế hệ sau qua trứng.

Arbovirus B có đặc tính hướng thần kinh, nên khi vào máu nhanh chóng xâm nhập, sinh sản mạnh ở các tế bào não, tủy sống, gây tổn thương trầm trọng nhiều vùng não phụ trách những chức năng sống quan trọng. Làm chảy máu não, màng mềm não; nhũn và hoại tử mô não; phù não - màng não; thoái hoá màng não, màng tuỷ sống và mô tuỷ. 

Khi đạt mật độ cao ở mô thần kinh, virus lại vào máu gây chảy máu ở màng và niêm mạc các tạng, làm thoái hóa cơ tim, mô gan, thận hoặc gây viêm phổi. Thời gian ủ bệnh khoảng một tuần (có thể 5 - 14 ngày) không biểu hiện gì. 

Đột ngột sốt 39 - 40°C hoặc hơn; đau đầu vùng trán; đau bụng, buồn nôn và nôn, trẻ nhỏ có thể tiêu chảy. Sau sốt 1 - 2 ngày đã thấy cứng gáy, cứng cơ; đảo hoặc giật nhãn cầu; li bì hoặc kích thích, vật vã; lú lẫn hoặc mất ý thức Ngày thứ 3 - 4 có thể đã hôn mê và hôn mê ngày càng sâu. Vã nhiều mồ hôi; da lúc đỏ, lúc tái; thở nhanh và nông, tăng tiết dịch trong khí - phế quản nên tiếng thở rít hoặc như ngáy; mạch có thể 120 - 140 lần/phút, yếu. 

Có khi mê sảng: Vận động, động tác bất thường, vô nghĩa. Cứng cơ nên nằm co quắp hoặc có các cơn xoắn vặn thân; co giật, co cứng hay rung giật cơ mặt và cơ chi; liệt cứng, hoặc xuất hiện trạng thái định hình, giữ nguyên tư thế (catalepsia). Khám thấy rất nhiều triệu chứng do hậu quả tổn thương não, màng não, tủy sống, màng tủy. Biểu hiện bằng rối loạn vận động, cảm giác, thần kinh thực vật; tổn thương các nhân xám trung ương ở não và các dây thần kinh sọ não (phụ trách các giác quan), đe dọa nghiêm trọng các chức năng sống, nhưng biến đổi dịch não tủy không nhiều. 

Các thể bệnh không điển hình cũng rất nguy hiểm như: Chỉ sốt cao, đau đầu; chỉ rối loạn tuần hoàn, tim mạch nổi bật; chỉ liệt mềm giống bại liệt; chỉ có triệu chứng giống viêm màng não (ở trẻ lớn, thanh niên); nhiều ca bệnh chỉ giống như cúm (sốt; đau nhức xương khớp, mình mẩy; đau đầu). 

Ở các nước nhiệt đới, tử vong trung bình do viêm não Nhật Bản B là 25 - 35%; khoảng 50% di chứng thần kinh, tâm thần các mức độ khác nhau: mất phối hợp vận động và động tác; cử động dị thường ngoài ý muốn: run rẩy, uốn éo, lắc lư; bại (liệt nhẹ) hay liệt các chi; bại hoặc liệt nửa người; liệt các dây thần kinh sọ não; co cứng mất não; mất ngôn ngữ; múa giật hoặc múa vờn; quên trầm trọng hoặc mất trí; loạn thần với các triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi tác phong… 

Động kinh và Parkinson có thể xuất hiện muộn sau vài năm hay hàng chục năm. Các di chứng tồn tại suốt đời bởi tổn thương mô não không thể hồi phục dù chạy chữa. Các biến chứng khác thường là viêm phế quản; viêm phổi; viêm phế quản - phổi do bội nhiễm vi khuẩn; viêm bể thận, bàng quang; loét da; viêm tắc tĩnh mạch; loạn dưỡng... 

Bệnh thường mắc ở trẻ dưới 10 tuổi, nguy cơ cao nhất là lứa 2 - 6 tuổi và 75% bệnh nhi viêm não Nhật Bản B ở lứa tuổi này.

Nhiều mầm bệnh khác gây viêm não - màng não

Tháng 3 - 8 hàng năm là mùa viêm não. Ngoài Arbovirus B, có đến 12 họ virus có đặc tính hướng thần kinh; thêm virus dại, bại liệt; còn cả virus cúm; sởi; quai bị; sốt xuất huyết; viêm gan A; virus đường ruột Coxsackie và Enterovirus type 71; 8 loại Herpesvirus…; chưa kể não mô cầu, phế cầu và một số vi khuẩn khác, cũng gây viêm não - màng não cấp, tuy ít. 

Năm 2016, 7 trẻ ở Quảng Lâm, Bảo Lâm, Cao Bằng, tử vong trong tháng 4, 5 được xác định do Coxsackie type A16. 

Tháng 5.2022, bé gái 20 tháng tuổi, ở Lao Cai, đột nhiên sốt giữa đêm, khoảng 9 giờ sau thân nhiệt lên đến 400C thì co giật. Được chườm đá, uống thuốc, sốt giảm nhưng cuối buổi chiều lại sốt cao, co giật, khi đó gia đình mới đưa con vào bệnh viện tỉnh. Sau khám, xét nghiệm, chụp CT.Scanner, X-quang phổi, ghi điện não, chẩn đoán bé viêm não - phổi. Được dùng thuốc an thần chống co giật, bé lại chuyển li bì liên tục. 

Qua 3 ngày, dù sốt đã giảm nhiều nhưng bé vẫn co giật, phải chuyển viện Nhi trung ương. Với chẩn đoán viêm não do Herpesvirus simplex, sau 3 ngày nằm phòng cấp cứu khoa Điều trị tích cực, bé được chuyển phòng thường. Nằm thiêm thiếp, bé được bố luôn tay nắn bóp tay chân tập phục hồi vận động. 

Mùa viêm não - Ảnh 3.

Ảnh: Bé trai liệt nửa người, teo đét do loạn dưỡng và tăng trương lực cơ (bàn tay co quắp). Ảnh: BSNK

Các bác sĩ cho biết, viêm gây hoại tử cùng với xuất huyết làm tổn thương rất nặng mô não thuỳ thái dương hai bên, bé hiện suy giảm ý thức và tăng trương lực cơ - những di chứng rất nặng, nhiều khả năng vĩnh viễn.

Hiện không có thuốc đặc trị các loại virus. Phòng viêm não tốt nhất là diệt muỗi, chống muỗi đốt, sát khuẩn. Quan trọng nhất là tiêm các vaccine đã có: Bại liệt, sởi, quai bị, rubella, viêm gan A, não mô cầu… 

Đặc biệt, vaccine viêm não Nhật Bản phải tiêm đủ 3 mũi khi trẻ 12 - 15 tháng tuổi mới đủ tạo miễn dịch cơ bản và cứ sau 3 năm tiêm nhắc lại một lần để duy trì miễn dịch.