Một góc nhìn khác về cái gọi là "Trọc phú kiến thức" - Kỳ 2: "Ăn mày" kiến thức!

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh
08:43 - 26/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tạp chí điện tử Công dân & Khuyến học đã giới thiệu bài viết "Một góc nhìn khác về cái gọi là "Trọc phú kiến thức"-Kỳ 1" của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh – Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống & Pháp luật. Chúng tôi trân trong giới thiệu Kỳ 2 của bài viết này với tiêu đề "Ăn mày kiến thức".

Một góc nhìn khác về cái gọi là "Trọc phú kiến thức" - Kỳ 2: "Ăn mày" kiến thức! - Ảnh 1.

Nhiều bạn đọc bài 1 của tôi theo cách hiểu: tôi đang phản biện bài " Một trọc phú kiến thức" của KOL Hoàng Hối Hận, nhất là khi anh nâng tầm triết học mà nói rằng, khái niệm "trọc phú kiến thức"này anh "may mắn học được từ F.Nietzsche". Thực ra không phải vậy.

Tôi chỉ mượn việc nói về bài viết của Hoàng để diễn đạt cảm nhận cá nhân của mình đối một vấn đề đặt ra trong đời sống thường nhật của chúng ta: mối tương quan giữa việc "đọc" và việc thu nạp, tích luỹ và hình thành nên kiến thức của mỗi người.

Đây là một hành vi cá nhân, nói cách khác là một hành vi tự thân và mỗi người sẽ lựa chọn thực hiện nó theo cách thức, mục đích với những động lực khác nhau- tuỳ thuộc vào tính cách, điều kiện, sở thích, thời gian và đôi khi là… số phận. Cách làm của mỗi người khác nhau nên không thể người này làm theo người kia  là có thể có kết quả tương tự.

Một ví dụ, và cũng là một tự thú chân thành: tôi đọc sách chủ yếu để giải trí, nên chỉ đọc những gì mình thích, vào những khoảng thời gian mà tôi thấy muốn đọc sách. Khi có những việc khác cuốn hút hơn, tôi sẽ đắm mình trong đó. Như Nietzsche nói: "Sáng sớm tinh mơ, lúc bình minh bùng vỡ, khi tất cả mọi sự đều tươi mát, nằm trong triều dương của sức mạnh mình - thế mà đi đọc một quyển sách trong lúc như vậy thì đó chỉ là tồi bại quá đi thôi ".

Ở góc độ này, với cá nhân tôi, việc viết cũng tương đồng với việc đọc- dù nó tệ hơn việc đọc ở chỗ, nó phụ thuộc vào cảm hứng, nên khoảnh khắc nó thôi thúc, nói đúng hơn là cám dỗ được một kẻ ham chơi như tôi cầm lấy điện thoại và gõ phím càng ngày càng ít dần theo thời gian.

Trở lại với Nietzsche. Vẫn biết, không thể coi những hình tượng và ẩn dụ mang tính tư biện trong triết học là những khoảnh khắc của đời sống, nhưng tôi vẫn nghĩ  rằng, dù vĩ đại như Nietzsche thì không phải lúc nào cũng đúng trong mọi trường hợp và hoàn cảnh. Bằng chứng là hơn 30 năm trước, nếu tình cờ vớ được một cuốn sách hấp dẫn, tôi sẽ giống như một con nghiện, lao vào mê mải quên hết sự đời - vì đọc lúc đó là một hành vi để thoả mãn nhu cầu đang cuốn hút tôi nhất.

Lúc đó thì chả cần biết "bình minh bùng vỡ" hay hoàng hôn rớm máu mặt trời,  chả cần biết "mọi sự đều tươi mát, nằm trong triều dương của sức mạnh mình" hay là mệt đứ đừ lăn mình dưới sàn đá hoa để chống chọi cái nóng oi của một ngày hè mất điện thời bao cấp, tôi sẽ mặc kệ  Nietzsche để trở thành một kẻ "tồi bại quá đi thôi"...

Ham đọc "Tiếu ngạo giang hồ" nên tôi cám ơn Kim Dung tiên sinh vì đã cho tôi chìm đắm trong cảm giác say mê, ở một thế giới mà danh xưng chính- tà chỉ là những cái vỏ rỗng tuếch, những con người thực mới là nội hàm sáng tạo của nhà văn.

Nguỵ quân tử Nhạc Bất Quần của phe chính còn đáng khinh hơn hơn chân tiểu nhân Đông Phương Bất Bại của phe tà - dù cuối cùng cả 2 đều biến thành vô tính (cả về giới tính lẫn nhân tính), hy sinh cả thứ quan trọng nhất của đàn ông để đạt được danh - lợi để rồi kết thúc trong bi kịch. Đó là chưa kế đến việc thuở ấy chưa có Internet, khát vọng nhất thống giang hồ chưa chắc đã mạnh hơn khát vọng câu Like. Còn cặp tri âm tri kỷ một chính một tà Lưu Chính Phong của Hành Sơn và Khúc Dương của Nhật Nguyệt Thần Giáo đã sẵn sàng đón nhận cái chết để tấu khúc tiếu ngạo giang hồ với lòng tin không thay đổi về một lẽ giản đơn trong cuộc đời: hãy sống đúng với con người mình, dù nhân thế chụp lên đầu họ cái mũ chính hay tà.

Cũng cần phải nói thêm rằng, thời chúng tôi đi học, cả Nietzsche và lẫn Kim Dung đều bị "cấm". Ít hơn tuổi 19 của Hoàng, khi đó mấy đứa sinh viên Tổng hợp Văn chúng tôi thường là phải lén lút chuyền tay nhau những tác phẩm của Kim Dung in trước 1975 được dịch giả Hàn Giang Nhạn chuyển ngữ - những cuốn sách thường là mất bìa, nát bươm, có khi bị xé đi mất những chương gay cấn nhất. Còn "Zarathustra đã nói như thế" của Nietzsche thì tình cờ tôi tìm được trong thư viện khoa Văn một bản dịch đánh máy trên giấy pơ-luya mỏng dính và ố vàng. Bản dịch đề tên học giả Phan Ngọc.

Tôi đồ rằng, chính trong thời gian bị quy chụp oan uổng về tư tưởng, không được giảng dạy và bị phân công về làm thủ thư thư viện khoa, Phan Ngọc đã chuyển ngữ một số trước tác của những nhà kinh điển. Bằng chứng là tôi cũng đã tìm được một bản dịch trong tình trạng tương tự - một tiểu luận rất hay của Roland Barthes - nhà phê bình kiêm triết gia người Pháp theo chủ nghĩa cấu trúc, có tựa đề: "Độ không của việc viết". Sau này, tôi có được đọc một bản dịch khác của nhà văn Nguyên Ngọc, với tựa đề khác một chút xíu: "Độ không của lối viết". Bản dịch này rất thâm ảo, nhưng tôi không thích bằng bản của Phan Ngọc, vốn gây ấn tượng mạnh với tôi bởi văn phong vừa bảng lảng, mơ hồ vừa khốc liệt, mạnh mẽ khi ông chuyển ngữ một tác phẩm rất khó - mang tính tư biện cao của Roland Barther - với rất nhiều quan điểm về sự phát triển của ngôn ngữ văn bản trên cơ sở những nguồn mạch lịch sử, văn hoá chảy qua tâm trạng thời đại với các tác giả cụ thể.

Để được đọc, thuở đó chúng tôi sẵn sàng hy sinh một phần học bổng của mình để mua dăm điếu thuốc đầu lọc cho bạn bè là chủ nhân của những thứ sách "hàng hiếm", vận dụng tối đa trí thông minh và tính láu cá của học trò để qua mắt các thầy quản lý thư viện. Thậm chí, nếu không mua được thì xin, nếu không xin được thì "thuổng". Nói một cách hình tượng, nếu hồi đó có phải "ăn mày kiến thức" thì lũ sinh viên chúng tôi cũng sẵn sàng làm cho quần áo rách bươm, mang túi vải đi mà đựng. Một nền văn hoá vĩ đại như Trung Hoa cũng còn phải nhờ vả ông cao tăng Đường Tam Tạng trèo đèo lội suối Tây du 14 năm đi xin kinh - nói trắng phớ ra là khất thực tri thức- cơ mà, có sao đâu?

Thêm nữa, càng đọc, càng tích luỹ được thêm kiến thức, chúng tôi càng thấy thiếu, càng thấy biển kiến thức quá là mênh mông, càng thấy những tượng đài như  Nietszche, hay Kant, hay gần hơn như người thầy Phan Ngọc mà mình chưa được học ngày nào, quá xa vời. Và cho dù 100 sinh viên khoa Văn ngày ấy thì có đến 99 người mắc bệnh vĩ cuồng - một căn bệnh đáng yêu của tuổi trẻ - chắc chắn cũng không có ai dám tưởng tượng rằng có một khái niệm "trọc phú kiến thức" trên đời.

Nói một cách khác, người càng đọc nhiều, càng nạp thêm kiến thức thì càng thấy mình đọc chưa đủ, càng hiểu rõ hơn một sự thật: mình luôn và vẫn đang là một kẻ nghèo khổ về kiến thức. Ngay cả trong những lúc bốc đồng, đại ngôn nhất, hoặc ngay cả khi tự vỗ ngực cho rằng, ngoài mấy gã khoa Văn Tổng hợp chúng ta, phần còn lại của thế giới không xứng để đối ẩm và đàm đạo, thì cũng không có kẻ vĩ cuồng nào cả gan gán ghép kiến thức với một từ ở phía hoàn toàn đối lập với nó: trọc phú.

Nếu được trở lại thuở sinh viên đi học, tôi nghĩ rằng ai trong chúng tôi cũng phải thốt lên những lời cảm thán. Hẳn sẽ kiểu như: Lạy Chúa - và lạy Phật Thích ca  (tác giả của Kinh tăng chi bộ mà KOL đọc năm 19 tuổi); Nếu các vị cho  Nietszche xuyên không trở lại, chúng con đoan chắc ông sẽ ngơ ngác, thậm chí hoảng hồn khi tháng 9 năm 2022 bỗng hiện lên một KOL khoác cho ông một khái niệm nặng như hư vô bằng tuyên ngôn: " Tôi may mắn học được một quan điểm từ Nietszche, đấy chính là việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành một loại trọc phú kiến thức chứ không khiến bạn thành người giỏi hơn". Và nếu ông biết cái khái niệm "trọc phú kiến thức" huyền hoặc này được KOL chuyển nghĩa từ thuật ngữ "Bildungsphilister", chắc ông đã không viết "Zarathustra đã nói như thế", đơn giản vì đã có  một KOL đã nói như thế trước đông đảo sinh viên trong lễ khai giảng của Đại học Fulbright Việt Nam.

Sở dĩ tôi tự đưa bản thân và bạn bè sinh viên ở nơi tôi học hơn 30 năm trước ra làm minh chứng cho câu chuyện này, vì nó là chuyện gần ngay trước mắt, còn những chuyện xa tận chân trời như ở tận nước Mỹ thì tôi không dám lạm bàn vì không đủ trải nghiệm để tự luận, tự biên như KOL thời đại tri thức số. Chỉ biết rằng, dẫu đọc chủ yếu để giải trí (có lẽ vì thời đó chưa có Internet, đọc nhiều cũng chẳng dùng để câu Like được), nhưng tôi cũng nhận thấy rằng, những cuộc "rong chơi" qua sách vở đã giúp mình thu nhận - dù là theo kiểu lượm lặt- được nhiều kiến thức, nếu không nói là đa phần kiến thức trong đời mình. Nói cách khác, Nietzsche và Kim Dung, thông qua"Zarathustra đã nói như thế" và "Tiếu ngạo giang hồ"- theo những cách rất khác nhau- đã chuyển giao cho tôi  nhiều điều, cả về quan điểm sống, về thế giới xung quanh tôi, và quan trọng hơn là việc biết tư duy để khác với một cây sậy đơn thuần (Pascal đã từng nói: "Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết tư duy" là gì?).

Còn để giỏi hơn ư?  Khái niệm giỏi rất rộng và mơ hồ, nên tôi mạnh dạn khu biệt lại theo nghĩa mà tôi hiểu: người giỏi là người có kiến thức hiểu biết (bao gồm cả tri thức, kỹ năng, tầm nhìn, trải nghiệm ) sâu và rộng hơn người khác về tổng thể hoặc về một lĩnh vực. Cá nhân tôi cho rằng, trước hết tôi phải hiểu biết rồi tôi mới giỏi được. Kể cả những điều tôi trải nghiệm qua cuộc sống (cụ thể là nghề nghiệp mà tôi đã theo đuổi nửa đời vì mưu sinh), đôi khi cũng nhờ đọc những cuốn sách của người đi trước- những bậc thầy trong nghề - đã lý giải, phân tích, khái quát hoá thành kiến thức để chuyển giao cho người sau, mà tôi sáng tỏ ra nhiều điều, thoát ra khỏi những khoảnh khắc, đôi khi là cả những giai đoạn  vô minh và lạc hướng, bế tắc khi tìm lối đi mới trong suốt mấy chục năm hành nghề chữ nghĩa.

Đấy là đối với một kẻ ham chơi nên ít dành thời gian để đọc như tôi. Tôi đọc như một cuộc "rong chơi" hứng thú, do vậy chưa bao giờ dám nhận mình là người giàu có kiến thức, hoặc ngắn gọi hơn, là TRÍ THỨC, theo nghĩa viết hoa. Nhưng trong bạn bè cùng lớp đại học của tôi, từ này có thể dùng ít nhất cho 2 người. Và để được bạn bè cùng lớp thừa nhận, đương nhiên họ phải là người GIỎI trong số chúng tôi.

Khoá sinh viên Tổng hợp Văn K30 có 3 lớp Văn-Ngữ -Hán, nhưng chỉ có 24 người. Ngoài tôi là hạng kém cỏi, hầu hết còn lại đều là những người giỏi giang vì chịu đọc, nghiêm túc với việc đọc. Nhiều người trở thành danh sư, nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà quản lý. Còn đứng đầu hoặc làm cấp phó cơ quan báo chí  quan trọng và chính thống thì có thể "lấy đấu mà đong". Tôi chỉ xin lấy 2 người làm dẫn chứng cho nhận định của mình.

Người thứ nhất là một danh sư. Tôi nói vậy không quá, bởi anh đã từng đứng đầu một cơ sở giáo dục đại học lớn nhất nước, và hiện nay được giao trách nhiệm đứng đầu cả ngành. Có thể gọi anh là một bậc túc nho hiếm hoi ở lứa tuổi ngoại ngũ thập (nếu không kể các vị thầy đáng kính của chúng tôi, giờ đã cao niên), nhưng anh cũng là người từng thụ giáo ở Harvard ở bậc học sau tiến sĩ. Từng học cùng và từng cùng được giữ  ở lại trường với anh để giảng dạy, tôi là người biết rằng ngoài sức đọc kinh khủng, anh là người có ý thức đọc nghiêm túc những vấn đề trong lĩnh vực mà anh đang nghiên cứu.

Sau khi tôi rời giảng đường để đi làm báo, sự đọc của tôi càng mai một thêm và khoảng cách giữa chúng tôi về kiến thức, về công việc ngày càng xa. Đó là một minh chứng cụ thể cho việc  đọc càng nhiều bạn sẽ càng giàu có hơn về kiến thức, và đương nhiên sẽ khiến bạn thành người giỏi hơn. Dĩ nhiên, đọc không phải là tất cả, nhưng nó sẽ là một hành vi kiểu như đốt đuốc để tìm điều hay lẽ phải, thắp sáng cho con đường chúng ta lựa chọn để dấn thân. So sánh một cách khập khiễng, ngay từ thời đi học, bề rộng của kiểu đọc cưỡi ngựa xem hoa mà những người ham chơi như tôi có được chỉ đủ để xuất hiện một người nửa văn nửa báo, đáo qua một chút "sư", trong khi đó chiều sâu của việc đọc khiến người bạn cùng lớp tôi trở thành một học giả uyên thâm và một nhà quản lý được đánh giá cao.

Người thứ 2 là một dị nhân, đúng hơn là một kỳ nhân Tổng hợp Văn. Anh vào khoa Văn năm 1983, khóa 28, sau đó học cùng lớp tôi, khóa 30, chỉ vì tự dưng nổi hứng xin các thầy cho về Côn Sơn " di dưỡng tinh thần" 2 năm. Anh trán to, cực thông minh, mê triết học đến điên cuồng và có trí nhớ phi thường. Thậm chí hồi đó đám sinh viên năm dưới còn truyền nhau rằng, khi họ đọc thử bất cứ một câu nào trong Tư bản luận, anh có thể nói câu đó nằm ở trang bao nhiêu, tập mấy và bản in năm nào.

Là một tín đồ của Nietzsche, anh có một câu nói nổi tiếng trong bạn bè: " Với tôi, F. Nietzsche chính là Thượng đế, dù chính ông tuyên bố Thượng đế đã chết". Suốt 3 năm học cùng tôi, anh cùng một dị nhân khoa Văn khác đến lớp rất ít, thời gian còn lại để đọc sách và tranh luận về triết học, nhân sinh - những vấn đề gần ngay trước mắt, xa tận chân trời. Tôi ra trường và được giữ lại khoa để giảng dạy vài năm, anh vẫn loay hoay làm luận văn tốt nghiệp. Anh viết như điên, như thơ, như triết, chỉ duy nhất không như... luận. Nó khác biệt với khuôn mẫu và vượt ra khỏi lối tư duy trường ốc thông thường thời đó, đến mức đám sinh viên chúng tôi và thậm chí cả các thầy không ai hiểu anh viết gì và viết thế để làm gì?

Vì vậy, anh học chẵn 10 năm vẫn chưa tốt nghiệp. Nhớ lại buổi lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp lần thứ x đông nghẹt sinh viên khóa sau đến xem và giây phút anh hùng dũng đề nghị phản biện lại thầy phản biện, tôi chợt nghĩ, nếu ngày đó có Internet và mạng xã hội, anh đã là một KOL chất ngất trên đỉnh triệu Like rồi.

30 năm sau ngày ra trường, khi tôi và nhiều bạn bè đuối sức chạy dọc đường số phận, từng lạc lối trong những ngã rẽ ngẫu nhiên thì anh vẫn như đang lang thang đi trong mùa mây trắng của thập niên 80 thế kỷ trước, với sức đọc phi thường như nhau cho đến lúc rời xa cõi tạm. Nhớ về anh, cả một thế hệ khoa Văn đều vẫn trân trọng sự lựa chọn của anh, một lựa chọn cực đoan và mang tính cá nhân tuyệt đối: theo đuổi kiến thức bằng một niềm đam mê tột cùng của cả đời mình (đọc sách, dù không làm gì cả). Đến bây giờ, thế hệ chúng tôi, kể cả những người thành đạt nhất đều luôn coi anh là một người rất giỏi, dù tốt nghiệp xong là anh về quê, cất thật sâu vào trong rương tấm bằng cử nhân khoa Văn.

Cảm khái và kể về hai người bạn cũ như vậy cũng chỉ để nói rằng, đọc tuy chỉ là một hành vi tự thân, nhưng chắc chắn nó liên quan đến việc hình thành nên kiến thức. Dù là đọc với nhu cầu gì, mục đích gì và đọc gì thì bản thân hành vi đọc-một cách tự nhiên- cũng giúp mỗi người tích luỹ, thậm chí lượm lặt được nhiều thứ giá trị cho kho kiến thức cá nhân.

Kiến thức thu nạp được qua việc đọc, xem, nghe (gọi ngắn gọn là đọc) là những tri thức xuất hiện theo dạng chữ viết, ngôn ngữ có lời hoặc không lời trên sách báo, phim ảnh, media, được giải thích và mã hóa theo hệ thống, dễ chuyển giao. Những người chỉ thu nạp kiến thức theo cách này mà không "tiêu hóa" được coi là những người theo chủ nghĩa kinh viện, chỉ có kiến thức sách vở, mà xa rời thực tiễn. Trong khi đó, có những người chỉ tích lũy kiến thức bằng  những tri thức lấy được từ các trải nghiệm thực tế mang tính cá nhân, khó mã hóa và chuyển giao mà không quan tâm đế kiến thức từ sách báo. Đó là những kiến thức như kinh nghiệm, bí quyết, kỹ năng và đôi khi là cả đức tin …Họ được coi là những người theo chủ nghĩa kinh nghiệm.

Dĩ nhiên, nếu dung nạp được cả hai cách là tốt nhất. Nhưng nó phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện, sở trường, tính cách của từng người. Cách đặt vấn đề cho rằng kiến thức kinh viện là "tri thức vay mượn" luôn cần phải được trải nghiệm, tự phản biện, tự luận mới trở thành "tri thức tự thân" hoặc  "tri thức nguyên bản" là kiểu lập luận nguỵ biện, là một góc nhìn rất cực đoan. Trong biển kiến thức mà chúng ta tiếp nhận qua hành vi đọc, mỗi người trong đời liệu có bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu thời gian để mà trải nghiệm, chiêm nghiệm phần nhỏ trong đó?

Tri thức được những người đi trước, những người chuyên nghiệp, những trí tuệ lớn chuyển giao qua hệ thống mã hoá- mà sách và việc đọc sách là biểu hiện rõ nhất- nếu được tiếp nhận một cách trân trọng và nghiêm túc, hiểu thấu đáo và đến nơi đến chốn thì đó cũng là tri thức tự thân, tuyệt nhiên không phải tri thức vay mượn. Điều này được minh chứng qua quá trình phát triển hàng ngàn năm qua của văn minh nhân loại.

Phát ngôn cực đoan và choang choang kiểu: "tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận", thực ra là cách diễn đạt khá thô việc tuyệt đối hoá chủ nghĩa kinh nghiệm. Còn dĩ nhiên nếu những tri thức mà chúng ta tiếp nhận qua sách vở được "thực chiến" bằng trải nghiệm để mà chiêm nghiệm tự biện, tự luận thì còn gì bằng. Nhưng nếu "thực chiến" theo cách nói  "trên trời" như kiểu: "Kể cả bạn có xem hết Michael Moore, Adam McKay và đọc hết cả Noam Chomsky, bạn chưa biết chuyện gì đã xảy ra ở Mỹ đâu. Phải cho đến lúc bạn thực sự nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường BĐS Việt Nam vận hành - ở Việt Nam, và năm 2022 này - bạn mới hiểu chuyện gì đã diễn ra ở Mỹ năm 2008. Đó thường là cách mà tri thức tự thân hình thành…", sẽ đẩy người nghe là sinh viên đến một sự hoang mang bất định, vì bản thân nguời nói cũng vô phương thực chiến như vậy. Thậm chí phóng tầm mắt khắp cõi trời Nam cũng khó có chủ ngân hàng hay doanh nhân bất động sản nào thực hiện được "cách" mà tri thức tự thân hình thành theo lời của diễn giả Hoàng Hối Hận khuyên sinh viên.

Tôi đã thấy nhiều người phản biện, thậm chí phê phán gay gắt cả chủ nghĩa kinh viện và chủ nghĩa kinh nghiệm, nhưng chưa thấy ai đủ "bạo gan" để phỉ báng những người xung quanh, trong đó có bạn bè chỉ vì họ đọc nhiều bằng một khái niệm vô nghĩa "trọc phú kiến thức", và một tuyên ngôn thoạt nghe thì có vẻ có quan điểm khác biệt, nhưng thật ra là vô cùng độc hại đối với giới trẻ, nhất là sinh viên: "việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành một loại trọc phú kiến thức, chứ không kiến bạn thành người giỏi hơn".

Đến đây có thể có bạn sẽ bảo tôi rằng, một bài phát biểu của một nhà báo, một KOL mà thôi, kể cả ông có thấy sai hay nguỵ biện thì cũng có gì lớn lao đâu? Sao lại phải quan tâm nhiều thế? Người khác thì bảo, ừ thì đại ngôn, ừ thì cực đoan nhưng có sát thương ai đâu? Có ảnh hưởng gì đến hoà bình thế giới đâu?

Vậy thì hãy tưởng tượng con bạn là một sinh viên đang ngồi dưới nghe bài phát biểu đó. Sáng hôm sau cậu bé đến gặp bạn và nói rằng: "Từ hôm nay, con sẽ  không đọc nhiều như trước nữa. Anh Hoàng Hối Hận, một KOL nổi như cồn được đích thân Chủ tịch trường mời đến nói chuyện, nói rằng con mà đọc nhiều sẽ trở thành trọc phú kiến thức mà không trở thành người giỏi hơn". Bạn đang chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì cậu bé nói tiếp: "Tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận. Con sẽ đọc Noam Chomsky, ông ấy là một nhà ngôn ngữ học, một nhà hoạt động chính trị, rồi sẽ bước lên…sẽ đi…à sẽ tìm cách nhìn thị trường bất động sản và hoạt động của ngân hàng Việt Nam để hiểu chuyện gì xảy ra ở Mỹ hơn một thập niên trước. KOL Hoàng Hối Hận nói thế."

Bạn có thể coi đó là chuyện nhỏ. Nhưng nếu cậu sinh viên đó là con tôi thì sẽ nghĩ cuộc nói chuyện đó là một cơn ác mộng. Viết đến đây, tôi chợt băn khoăn: mình có "bi kịch" hoá vấn đề không?

Không. Bi kịch đã xuất hiện ở ngay ngôi trường danh tiếng ở nước ngoài được xuất hiện ở Việt Nam với rất nhiều kỳ vọng về sự thay đổi nhận thức trong giáo dục. Tôi tự hỏi, tại sao lại phải đưa ra hiệu triệu "phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn" đối với những sinh viên 17 tuổi trong ngày khai giảng. Đây là khai phóng hay phản giáo dục? Nhưng để bàn về chuyện này, có lẽ tôi sẽ có bài viết khác.

https://congdankhuyenhoc.vn/mot-goc-nhin-khac-ve-cai-goi-la-troc-phu-kien-thuc-ky-2-an-may-kien-thuc-179220926084331869.htm