Một góc nhìn khác về cái gọi là "Trọc phú kiến thức" - Kỳ 1

Nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh
10:03 - 23/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 18/9/2022 tại Lễ khai giảng năm học mới của trường Đại học Fulbribht Việt Nam, nhà báo Đinh Đức Hoàng đã "chỉ ra sự thất thế" của các "trọc phú kiến thức", đề cao giá trị của "tri thức nguyên bản"! Bài phát biểu này đã gây ra cuộc tranh luận dữ dội trong mấy ngày gần đây trên mạng xã hội và cả trên báo chí.

Lời Tòa soạn: Ngày 18/9/2022 tại Lễ khai giảng năm học mới của trường Đại học Fulbribht Việt Nam (là một trường đại học độc lập với 100% vốn đầu tư nước ngoài dưới sự tài trợ của Chính phủ Hoa Kỳ, phía Việt Nam góp vốn bằng đất để xây dựng trường), nhà báo Đinh Đức Hoàng (Hoàng Hối Hận) với tư cách khách mời đã có bài phát biểu, mà theo một số ý kiến là đã truyền cảm hứng cho các tân sinh viên. Với chủ đề "Phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn", nhà báo Đinh Đức Hoàng đã "chỉ ra sự thất thế" của các "trọc phú kiến thức", đề cao giá trị của "tri thức nguyên bản"! Tuy nhiên, sau khi nhà báo Đinh Đức Hoàng đăng nguyên văn bài phát biểu này trên Facebook cá nhân đã gây ra cuộc tranh luận dữ dội trong mấy ngày gần đây trên mạng xã hội và cả trên báo chí.

Sự học của con người, suy cho cùng là học cả đời. ĐỌC là một trong nhiều cách học để có tri thức. Vấn đề là ĐỌC/HỌC như thế nào, hiệu quả ra sao, tiếp nhận được gì mới là điều quan trọng. Theo quan điểm của các tríết gia: Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người. Vậy thì ngày nay – dù là thời đại mới gì đi chăng nữa, phủ nhận việc đọc nhiều thì có nên không?

Để góp thêm ý kiến về việc ĐỌC/HỌC để trang bị tri thức, và về  cái gọi là "trọc phú kiến thức" mà nhiều người đang tranh luận dữ dội, Tạp chí Công dân & Khuyến học trân trọng giới thiệu bài viết (có biên tập chút ít) "Một góc nhìn khác về cái gọi là "Trọc phú kiến thức""của nhà báo, nhà thơ Nguyễn Tiến Thanh – Tổng Biên tập Tạp chí Đời sống & Pháp luật:

Một góc nhìn khác về cái gọi là "Trọc phú kiến thức" - Kỳ 1 - Ảnh 1.

Sách là ngọn đèn bất diệt của trí tuệ con người

 Nhà báo Đinh Đức Hoàng- giờ là KOL Hoàng Hối Hận trên mạng xã hội- dẫn F.Nietzsche để nói với sinh viên của một đại học danh tiếng rằng,"việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành những trọc phú kiến thức chứ không giúp bạn trở thành người giỏi hơn".

Với những gì đã đọc (có thể là rất hạn hẹp), tôi chưa bắt gặp khái niệm "trọc phú kiến thức" này ở bất kỳ tác phẩm nào của Nietzsche, nhưng có một câu khác của triết gia Đức mà tôi thích nên đã hơn một lần dẫn ra để tự răn mình: "Tôi đã trông thấy tận mắt: những kẻ có bản chất thông minh thiên bẩm, rộng lòng, tự do, khoảng ba mươi tuổi mà đời đã tan hoang vì đọc sách – họ chỉ là những cây diêm quẹt mà mình cần phải đánh lửa thì lửa mới toé ra được- những tư tưởng đấy mà".

Điều này có nghĩa là gì? Theo cách hiểu của tôi, có nghĩa là trong cái ẩn dụ mang tính bi ai của triết gia Đức đối với những người đọc sách thụ động, vẫn hàm ý một thừa nhận: việc đọc giống như tích tụ năng lượng, mà khi được kích hoạt, nó sẽ phun trào. Có lẽ ông chỉ tiếc rằng, những kẻ "có bản chất thông minh thiên bẩm, rộng lòng, tự do" ấy đáng ra phải là người đánh lửa thì lại trở thành que diêm.

Nhưng xét cho cùng, những người có bản chất như Nietzsche nói cũng chỉ là số ít. Với số đông còn lại, nếu không có thiên bẩm, nhờ đọc sách mà trở thành que diêm, có thể toé lên lửa - những tia lửa hay ngọn lửa tư tưởng (dù là phải nhờ những người như Nietzsche đánh lửa) cũng là vốn quý trong cuộc đời này.

 Tôi dẫn lại câu này một lần nữa không phải để ám chỉ Hoàng. Đời bạn ấý không hề tan hoang vì... đọc sách. Sau khi trở thành KOL, những thứ Hoàng viết mà tôi đã đọc đều thấy có nét giống nhau: tuy không có luận điểm của riêng mình, nhưng đọc cũng thú vị, cuốn hút bởi đôi lúc có sự phát sáng và lấp lánh trong cái mớ lằng nhằng, hỗn mang của câu từ.

Chỉ là lần này đọc Hoàng, tôi khá ngạc nhiên khi Hoàng đưa ra khái niệm "trọc phú kiến thức" và cho rằng mình "may mắn học được từ Nietzsche ".

Theo hiểu biết hạn chế của tôi, hình như Nietzsche chưa bao giờ tỏ ý mục hạ vô nhân, khinh thị những người chịu đọc hoặc đam mê đọc để có sự giàu có về kiến thức như vậy. Hoàng hẳn là rất thông minh và rất… "khôn" khi cố tình viết mù mờ như sau: "Tôi xin phép được giới thiệu với các bạn một khái niệm bằng tiếng Đức, "Bildungsphilister". Đọc là bi-đung-phi-lis-tà. Nó là một khái niệm do Fedredrich Nietzsche đề xuất. Nghĩa của nó, tôi tạm dịch, là "trọc phú kiến thức".

Thực ra Friedrich Nietzsche (Hoàng gõ thành Fedredrich) có đưa ra khái niệm đó trong tác phẩm nào của ông hay không, điều đó không quan trọng. Quan trọng là Hoàng đã biết dựa vào cái bóng vĩ đại của tiền nhân để "nguy hiểm hoá", nâng tầm triết học về một khái niệm rất đơn giản, vốn để chỉ một hạng người hiện diện trong bất kể xã hội nào từ hàng ngàn năm nay. Nếu chỉ diễn đạt một cách thông thường, dung dị, tường minh nhằm phê phán hạng người chỉ biết "tầm chương trích cú" để khoe mẽ, chắc chắn Hoàng sẽ không có một bài nói- viết mấy ngàn từ gây bão mạng như vậy.

Rất thành công với tư cách là sản phẩm của KOL, nhưng trên phương diện "kiến thức" (theo nghĩa Hoàng muốn thể hiện), bài viết của Hoàng khiến tôi … kinh hãi. Đó là cảm nhận sau khi tôi nhận ra thủ pháp của Hoàng: đánh hỏa mù quan điểm bằng một văn phong tù mù và hỗn mang. Thủ pháp đó tạo sự hấp dẫn đối với người đọc nhưng làm làm lộ ra những lỗ hổng kiến thức, nhất là khi KOL tự khoe cái tôi một cách quá mức, dù được che đậy một cách… thông minh và liều lĩnh! Thông minh là khi Hoàng cho mọc lên trong bài viết một rừng tên tác giả và tác phẩm kinh điển ở nhiều thời đại,  ở nhiều lĩnh vực mà anh khoe là đã đọc. Liều lĩnh là khi anh dám bê một nhà ngôn ngữ học sang lĩnh vực kinh tế và cho rằng đã từng đọc một trước tác ...không có thật của một triết gia lừng danh trong lịch sử. Sự thông minh đã khiến bài viết của Hoàng gây ấn tượng, bản thân tôi cũng thích và bị cuốn hút khi thoạt đọc, vì nghĩ rằng đó chỉ đơn thuần là một tút trên Facebook. Tút trên Facebook thì chỉ cần thú vị (dù nhảm nhí hay nghiêm túc) sẽ có like. Còn sự liều lĩnh lại khiến bài viết của Hoàng trở thành một thứ hàng hóa mà bao bì đẹp và hào nhoáng nhưng nội dung độc hại, khi nó được vang lên trước những sinh viên trong lễ khai giảng của một đại học danh tiếng, và một phần vì điều đó, nó được viral chóng mặt trên mạng xã hội như một chân lý vừa được khám phá?

Ở góc nhìn cá nhân, tôi cảm nhận khái niệm "trọc phú kiến thức"- mà Hoàng cho rằng là hệ quả của việc đọc nhiều và gán cho Nietszche bằng cách "tạm dịch" thuật ngữ tiếng Đức "Bildungsphilister"- thực ra là một trò chơi lắp ghép tiếng Việt khá vô nghĩa.

Căng mắt dõi theo một văn bản hỗn độn từ ngữ, tản mác những mâu thuẫn, cuối cùng người đọc cũng tìm được đoạn Hoàng lý giải ai là người sẽ được coi là trọc phú kiến thức: "Trọc phú kiến thức là cách mô tả dành cho những người đọc rất nhiều, báo chí, sách vở, ghi nhớ những kiến thức trong đó và tin rằng chúng là của mình".

Nhưng nếu nói đơn giản như vậy thì còn gì là đặc sắc? Phải dẫn người đọc vào những góc tối nhất của ngôn ngữ, đưa ra những quan điểm phi lý nhất mới là một KOL cao thủ. Chính vì vậy mà khi Hoàng viết đầu Ngô mình Sở, người đọc lướt vẫn cực kỳ khâm phục kiến văn rộng rãi của anh. Kiểu như đoạn này: "Chính tôi đã sống như vậy – đã biết đặt câu hỏi và nghi ngờ mọi thứ kinh nghiệm mà người đi trước ra sức truyền dạy – bây giờ tôi lại bảo các bạn nghe tôi đi, điều hay lẽ phải đây nè, quá là dở hơi. Nghịch lý này tồn tại ở khắp nơi. Giống như ngay cả chủ nghĩa tự do đến cuối cũng là một hệ thống nguyên tắc ngặt nghèo, mà thỉnh thoảng, trong lịch sử người ta nhân danh chủ nghĩa tự do để áp đặt người khác bằng vũ lực. Ai lại đi áp đặt người khác phải tự do, lại còn bằng vũ lực? Kiểu tự dưng xông vào đấm người ta sưng cả mắt, ai cho phép mày nghĩ thế, mày phải suy nghĩ tự do lên".

Quá thông minh nên không khó nhận ra mâu thuẫn trong việc mình đang truyền dạy kinh nghiệm "nghi ngờ mọi thứ kinh nghiệm mà người đi trước ra sức truyền dạy", Hoàng khéo léo tự trào và che phủ mâu thuẫn bằng những bình luận khó hiểu về chủ nghĩa tự do - một khái niệm mà tôi mạnh dạn nói rằng, hầu hết những sinh viên 17 tuổi ngồi dưới sẽ u u minh minh, không hiểu hoặc chí ít cũng không quan tâm trong suốt quãng đời đi học của họ.

Ở những đoạn lý giải tường minh và đơn giản hơn, Hoàng lại khá cực đoan. Chẳng hạn Hoàng khẳng định: "Việc đọc nhiều sẽ chỉ khiến các bạn trở thành những trọc phú kiến thức". Ơ hay, nói như Hoàng thì chả lẽ đọc ít sẽ trở thành đại gia kiến thức à? Nhấn mạnh bằng từ "sẽ chỉ khiến", Hoàng tiên tri về tương lai u ám và thậm chí đáng khinh của tất cả những người đọc nhiều, cho dù họ đọc gì, đọc như thế nào và tiếp nhận những gì qua việc đọc. Tôi đồ rằng, những người đang nhiệt thành cổ suý cho việc chấn hưng văn hoá đọc sẽ chết đứng khi nghe tuyên bố của Hoàng, nhưng sinh viên thì sẽ rất vui trước những lời xúi dại đầy tính mị dân ấy, vì em nào đi học chả muốn chơi nhiều, học ít và đọc ít. Thì đây nhé, diễn giả mà chính Chủ tịch trường đại học mời đến đã vẽ đường cho các em chạy. Chủ đề "Phá vỡ những khuôn mẫu và kiến tạo thế giới theo cách của bạn" đã được diễn giả hoàn thành một cách xuất sắc theo cách đầy khác biệt. Các bậc tiền nhân khích lệ việc đọc cho sĩ tử bằng những lời dụ hoặc kiểu " Duy hữu độc thư cao" hoặc "Thư trung hữu nữ nhan như ngọc" không thể hiệu quả bằng việc Hoàng phá vỡ khuôn mẫu này, kiến tạo thế giới theo cách của Hoàng: nã những đại ngôn phản giáo dục thẳng vào dây chuyền cung cấp nguyên liệu chính để hình thành kiến thức, công phá phương tiện quan trọng và hữu hiệu để truyền đạt kiến thức giữa thầy và trò.

Thời đại của thế giới ảo, các followers coi KOL hơn thánh hiền, thế là viral rợp trời, thuốc gây mê cho những kẻ nghiện like được gieo thẳng vào …thánh đường tri thức trong một đại lễ khai giảng trọng thể cơ mà? Không hiểu tâm trạng của vị Chủ tịch đáng kính của đại học Fulbright Việt Nam diễn biến ra sao khi vị khách mời của bà nói ra những điều cực đoan, thậm chí là phản giáo dục như vậy?

"Tôi và nhiều thầy ở đây sẽ nói rằng kể cả bạn có xem hết Michael Moore, Adam McKay và đọc hết cả Noam Chomsky, bạn chưa biết chuyện gì đã xảy ra ở Mỹ đâu. Phải cho đến lúc bạn thực sự nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản Việt Nam vận hành - ở Việt Nam, và năm 2022 này - bạn mới hiểu chuyện gì đã diễn ra ở Mỹ năm 2008. Đó thường là cách mà tri thức tự thân hình thành. Đọc, ghi nhớ, và nói lại những tri thức đã được viết thành sách vở không sai. Nhưng nó không bao giờ đúng. Bởi vì tri thức thực sự chỉ hình thành thông qua quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận"- trích bài phát biểu của Hoàng. Trời ạ, chả lẽ vì muốn có một văn phong cao siêu như các tác gia kinh điển mà Hoàng nói là đã đọc, nên Hoàng mới đưa ra cách diễn đạt "không sai…nhưng không bao giờ đúng". Tiếng Việt qua cách viết này trở nên hài hước và đánh đố, chắc các em sinh viên ở dưới và "nhiều thầy" được Hoàng lôi vào ngồi cùng chiếu cũng "ong" cả đầu mà không hiểu gì?

Thêm nữa, tôi chưa đọc Noam Chomsky, nên không biết rằng dù đọc ông "cũng chưa biết chuyện gì xảy đã xảy ra ở Mỹ" như cách Hoàng nói. Tuy vậy, tôi cũng biết Noam Chomsky chủ yếu là một nhà ngôn ngữ học, thế nên khá…ngơ ngác khi thấy Hoàng lôi ông vào lĩnh vực thuần túy kinh tế: "Phải cho đến lúc bạn thực sự nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản Việt Nam vận hành - ở Việt Nam, và năm 2022 này - bạn mới hiểu chuyện gì đã diễn ra ở Mỹ năm 2008". Có thể do đọc nhiều hiểu rộng nhưng không phải là "trọc phú kiến thức" vì hình thành được "tri thức nguyên bản", "tri thức tự thân", Hoàng đã thực sự "nhìn hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản Việt Nam" và "hiểu chuyện gì diễn ra ở Mỹ năm 2008" bằng "quá trình chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ, tự phản biện, tự luận". Tôi chỉ không rõ Hoàng "chiêm nghiệm, trải nghiệm, hấp thụ" hoặc "tự phản biện, tự luận" để nhìn thị trường Việt Nam năm 2022 và hiểu chuyện ở Mỹ năm 2008 như thế nào, nếu không phải là Hoàng đọc qua sách báo? Hoàng không điều hành ngân hàng nào, và chắc cũng không kinh doanh bất động sản ở Việt Nam. Hoàng cũng không sống ở Mỹ năm 2008, vậy Hoàng "chiêm nghiệm, trải nghiệm" rồi tự phản biện, tự luận cái gì? Hay là ngay cả việc so sánh thị trường Việt Nam 2022 với chuyện xảy ra ở Mỹ năm 2008 cũng được Hoàng "cóp" từ nguồn đọc nào đó mà thôi?

Luận điểm trong đoạn này của Hoàng không chỉ là sự rỗng thường gặp (tuy không phải tất cả) ở các bài viết của KOL, mà nguy hiểm hơn nó là một sự rỗng về nội dung, sai về kiến thức, ngụy biện về lập luận, cho dù Hoàng đã "hạ cố" lôi các thầy vào làm khiên chắn trong câu dẫn đề có chủ ý nhưng vô căn cứ: "tôi và nhiều thầy ở đây sẽ nói rằng…".

Chưa hết, để dẫn nhập vào khái niệm "trọc phú kiến thức", Hoàng kể: "Trong những đêm trắng ở văn phòng, tôi ăn mì xong thì đọc Tư bản luận của Marx, đọc Kinh Tăng chi bộ của Thích ca, đọc Đạo đức học của Kant và Zahasthustra đã nói như thế của Nietzsche và tất nhiên là chẳng hiểu gì cả". Thú thật, hơn 30 năm trước khi đi học ở Khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội- một nơi trú ngụ của vài người cuồng triết học nhưng thường phải đọc chay, đọc ké và còn nghèo khó hơn tuổi 19 của Hoàng rất nhiều, tôi có biết đến "Zarathustra đã nói như thế" (Hoàng gõ thành Zahasthustra), biết đến chủ yếu vì thích văn phong của Nietzsche chứ không quan tâm đến tư tưởng.

Còn về Immanuel Kant, ngoài việc biết ông có bộ ba tác phẩm "Phê phán …" lừng danh (nhưng không tài nào đọc nổi), tôi nhớ mỗi câu hoa mỹ mà ngày ấy cậu sinh viên nào đi tán gái cũng thuộc nằm lòng: "Cái đẹp không phải trên má hồng người thiếu nữ mà là trong con mắt kẻ si tình". Tuy vậy, bộ nhớ đã hư hao nhiều bởi năm tháng của tôi còn đủ nhận biết rằng hình như Kant có viết cuốn "Siêu hình học về đạo đức". Học thuyết về đạo đức của ông cũng được đánh giá cao. Nhưng ông tuyệt đối không có tác phẩm nào tên là "Đạo đức học" cả. Thế nên tôi hoang mang vì không biết ở tuổi 19 Hoàng đọc cuốn sách không có thật đó như thế nào? Sự hoang mang khiến tôi cũng nghi ngờ luôn rằng, đối với những tác phẩm có thật mà Hoàng kể tên, liệu Hoàng có đọc không? Trong trường hợp đúng như tôi nghi ngờ, khái niệm "trọc phú kiến thức" để chỉ những kẻ chỉ biết tầm chương trích cú có phải chính là "tri thức nguyên bản" Hoàng có được thông qua "trải nghiệm" của chính mình?

Nghi ngờ là vậy, nhưng có một điều tôi tuyệt đối tin chắc: Hoàng rất thông minh khi dựng lên một cạm bẫy thập diện.

Trước hết là với người nghe -sinh viên và follower- tín đồ của KOL. Choáng váng vì rừng tên tuổi được liệt kê, họ bị gây mê bằng hỏa mù ngôn ngữ, lạc hướng trong cách diễn đạt mập mờ, không rõ ràng, thậm chí ngụy biện, phiến diện và cực đoan khi Hoàng nhận định mối liên hệ đọc - tích lũy kiến thức.

Đối với người phản biện, họ buộc lòng phải tầm chương trích cú như Hoàng để minh chứng cho luận điểm, trong khi đó khái niệm " trọc phú kiến thức" dù không có thực, nhưng được Hoàng treo trên đại thụ mang tên Nietzsche, giống như một chiếc mũ nguy hiểm bất cứ lúc nào cũng có thể chụp xuống đầu họ.

Đối với các follower, họ thấy thú vị- thứ duy nhất họ cần- nên viral như mưa bay chớp giật là điều tất yếu.

Đối với vị Chủ tịch khả kính của đại học danh tiếng kia, tôi không biết bà có hối hận khi mời Hoàng Hối Hận phát biểu không? Nếu buổi sớm tinh mơ sau hôm khai giảng, sinh viên của bà từ bỏ việc đọc- một hành vi cần thiết song hành với việc học, và cũng là một cách học- vì e ngại rằng sẽ đặt chân lên một hành trình trở thành một "trọc phú kiến thức" đáng khinh như khuyến cáo của vị khách mời, bà sẽ đồng tình hay phản đối?

Cuối cùng, rồi cạm bẫy thập diện cũng sập xuống chân người đặt ra nó. Việc "nổ" ở một giảng đường đại học khác xa với việc "chém" trên mạng xã hội. Khi mê say với việc khoe cái tôi, Hoàng đã lộ ra gót Asin chí tử: sự thiếu hệ thống về kiến thức, sự nhạt nhoà quan điểm cá nhân được phủ lấp bằng vẻ hào nhoáng của ngôn từ và liên tưởng (đôi khi rất khiên cưỡng). Giống như một tấm áo hoa sặc sỡ được may bằng chỉ mục, chỉ cần người hữu tâm kéo nhẹ sẽ toạc ra ngay. Có thể bài viết sẽ khiến Hoàng được biết đến nhiều hơn, lượng follow tăng mạnh hơn, nhưng nó không bù đắp được cho những đổ vỡ từ phía những người yêu mến việc tích lũy kiến thức, yêu mến sự thông minh của Hoàng, khi lòng tin biến mất không một tiếng vang. Điều này sẽ xảy ra ngay lập tức nếu bạn bè đọc được câu khoe khá…trịch thượng này của Hoàng: "Tôi có nhiều bạn bè là trọc phú kiến thức. Họ có vị trí xã hội, tiền kiếm cũng không khó quá".

Viết đến đây, tôi phải thú thực một điều, lúc đầu đọc bài này của Hoàng, tôi cũng thấy cuốn hút và khá thích vì nó rất thú vị, mang phong cách đặc trưng của Hoàng- một cảm giác thú vị như xem Showbiz diễn. Vấn đề là bài nói này lại vang lên trong đại lễ khai giảng ở một đại học danh tiếng. Nó khiến tôi như lâm vào tình huống xem Showbiz diễn ở nhà hát Opera.

Chợt nghĩ ra, nhiều KOLs và Showbiz giống nhau ở chỗ là tự ảo tưởng vì được đám đông tung hô. Những thứ họ làm được không phải là không có giá trị, nhưng họ lại muốn được công nhận ở khía cạnh khác. Showbiz là giải trí- không phải nghệ thuật. KOLs là câu like, không phải sáng tạo. Đáng tiếc là họ không nhận ra giá trị của mình, lại luôn ảo tưởng về một thứ giá trị khác không thuộc về họ. Do đó trao đổi với họ thật khó.

Bình luận của bạn

Bình luận