Nữ hoàng Elizabeth II và sự quan tâm đối với lĩnh vực giáo dục
"Điểm mấu chốt nằm ở việc học. Bạn sẽ có thể làm được rất nhiều điều nếu bạn được đào tạo đúng cách" - Nữ hoàng Elizabeth II từng nói.
Vị quân vương tiên phong trong nhiều hoạt động của kỷ nguyên số hóa
Nữ hoàng Elizabeth II đã trở thành người giữ ngai vàng lâu nhất trong lịch sử Hoàng gia Anh. Triều đại của bà trải qua 15 đời thủ tướng, từ Thủ tướng Churchill sinh năm 1874 cho đến tân Thủ tướng Liz Truss, sinh năm 1975.
Trong 70 năm trên ngai vàng, Nữ hoàng đã công du tới hơn 100 quốc gia (tính từ năm 1952), nhiều nhất trong số các bậc quân vương của Anh và thực hiện hơn 150 chuyến thăm tới các nước thuộc Khối Liên hiệp Anh (Khối thịnh vượng chung).
Ra đi ở độ tuổi 96, Nữ hoàng đã chứng kiến những thay đổi xã hội to lớn, trải qua thời kỳ hậu Chiến tranh thế giới thứ hai, quá trình chuyển đổi từ đế chế sang Khối thịnh vượng chung, kết thúc Chiến tranh Lạnh, Vương quốc Anh gia nhập Liên minh châu Âu (EU) rồi ra khỏi EU.
Nữ hoàng Elizabeth II được coi là vị quân vương tiên phong trong nhiều hoạt động thuộc kỷ nguyên số hóa. Năm 1976, bà là bậc quân vương đầu tiên của Anh gửi thư điện tử (email) trong chuyến thăm tới trụ sở nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Anh. Nữ hoàng Elizabeth II cũng là người kích hoạt trang web chính thức của Điện Buckingham vào năm 1997, đăng bài đầu tiên trên Twitter vào năm 2014 và chính thức có tài khoản mạng Instagram vào năm 2019.
"Bạn có thể làm được rất nhiều điều nếu được đào tạo đúng cách"
Giáo dục đại học, sau đại học đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của Nữ hoàng Elizabeth II. Bà là người tôn vinh và thấy rõ vai trò, tác dụng của giáo dục, giáo dục đại học và sau đại học đối với thanh niên, sinh viên, cộng đồng, nền kinh tế và xã hội ở các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung.
Từ năm 1986, Nữ hoàng là người bảo trợ của Hiệp hội các trường đại học Khối thịnh vượng chung (ACU). ACU được thành lập vào năm 1913 và có hơn 500 tổ chức giáo dục thành viên tại hơn 50 quốc gia trên khắp Khối Thịnh vượng chung. Đây cũng là mạng lưới các trường đại học quốc tế lâu đời nhất thế giới với mục tiêu đặt ra là thúc đẩy và hỗ trợ giáo dục đại học vì lợi ích của các cá nhân và xã hội trong cộng đồng các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung. Dưới sự bảo trợ và hỗ trợ của Nữ hoàng, ACU tiếp tục đóng vai trò là một diễn đàn để các trường đại học trong Khối và trên thế giới chia sẻ thông tin, kiến thức và ý tưởng.
Cho rằng "Khối thịnh vượng chung chỉ có thể phát triển khi những ý tưởng và lý tưởng của nó tiếp tục trẻ trung, mới mẻ và phù hợp với mọi thế hệ", Nữ hoàng Elizabeth II dành một hình thức học bổng riêng cho sinh viên đến từ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thuộc Khối thịnh vượng chung - Học bổng Khối thịnh vượng chung Nữ hoàng Elizabeth (QECS). Học bổng này được trao cho những sinh viên nỗ lực vượt qua thách thức để tạo ra sự thay đổi trong cộng đồng của mình. Vì thế, QECS khuyến khích, mang lại cơ hội cho người nhận học bổng được học tập, trải nghiệm cuộc sống ở một đất nước khác, một nền văn hóa khác, từ đó mở rộng tầm nhìn và lan toả cảm hứng, sự kết nối toàn cầu.
Khẳng định sự tôn vinh đối với Nữ hoàng và phương châm của QECS, các trường đại học Canada khẳng định tiếp tục chương trình Học bổng Kim cương Nữ hoàng Elizabeth II của Canada. Chương trình QES được thực hiện nhằm tạo cơ hội, nâng cao khả năng hợp tác, trao đổi những người trẻ xuất sắc giữa Canada và các quốc gia khác trên thế giới.
Bên cạnh QECS, Chương trình Lãnh đạo Trẻ của Nữ hoàng Anh được thực hiện với mục tiêu phát hiện, tôn vinh và hỗ trợ những người trẻ xuất sắc từ các quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung - những người đã vượt qua khó khăn để thay đổi cuộc sống của chính mình và những người xung quanh mình. Ra mắt vào năm 2014, Giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ của Nữ hoàng Anh công nhận và tôn vinh những người đặc biệt xuất sắc trong độ tuổi 18-29 thuộc Khối thịnh vượng chung. Cứ 4 năm 1 lần, Chương trình sẽ tìm ra những nhà lãnh đạo trẻ đầy nhiệt huyết, truyền cảm hứng, thay đổi cuộc sống trong cộng đồng của mình để trao Giải thưởng Lãnh đạo Trẻ danh giá của Nữ hoàng.
Cùng với việc trao Giải thưởng cho những người trẻ tuổi xuất sắc, Chương trình Lãnh đạo trẻ của Nữ hoàng cũng tài trợ cho các tổ chức do thanh niên lãnh đạo và tập trung vào thanh niên ở Bangladesh, Jamaica, Sierra Leone, Quần đảo Solomon, Vương quốc Anh và Zambia để giúp giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến thanh niên và các cộng đồng nơi họ sinh sống.
Sau nhiều năm trao Giải, đã hình thành một mạng lưới các nhà lãnh đạo trẻ từng được nhận Giải thưởng Nhà lãnh đạo trẻ của Nữ hoàng Anh. Đó là một nhóm thanh niên tận tâm, nhiệt huyết và mạnh mẽ từ 53 quốc gia thuộc Khối thịnh vượng chung. Cho đến nay, họ vẫn đang tiếp tục hợp tác với nhau, kết nối, truyền cảm hứng để mang tới những điều tốt đẹp hơn cho cuộc sống, cộng đồng.
Tháng 6/1952, Công chúa Elizabeth, khi đó 26 tuổi, lên ngôi Nữ hoàng và lễ đăng quang của bà lần đầu tiên được phát sóng trực tiếp trên truyền hình Anh.
Sự nổi tiếng của cá nhân Nữ hoàng là một yếu tố quan trọng trong việc duy trì sự ủng hộ đối với chế độ quân chủ của Vương quốc Anh trong những năm gần đây.
Bà thường tránh những can thiệp chính trị và được người dân biết đến chủ yếu qua những sự kiện trước công chúng và các thông điệp Giáng sinh được phát trên truyền hình, trong đó thường nhấn mạnh tới giá trị của bổn phận và đối thoại.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google