Vì sao người Việt cần học lịch sử?
Cây có cội, nước có nguồn. Quá khứ không phải là điều đã qua và qua rồi là hết. Lịch sử một đất nước, một dân tộc như phần rễ cây chìm trong lòng đất, không nhìn thấy nhưng lại quyết định khả năng vươn cao của cây. Rễ có sâu, có to thì thân và cành lá mới xum xuê vững chãi.
Nền văn minh chói ngời của cha ông một thời soi đường cho cả Thiên hạ là sức mạnh tinh thần to lớn thúc đẩy con cháu ngày nay xốc tới.
Trong cuốn "An Tĩnh cổ lục", Hippolyte Le Breton, học giả người Pháp của Viện Viễn Đông bác cổ từng viết về người Việt: "Cái gọi là sự tiến bộ chỉ là truyền thống đang đi lên. Nếu không có những truyền thống tốt đẹp, con người sẽ bị lôi cuốn theo bản năng xấu. Nước Đại Việt giàu về quá khứ và các bạn nên hiểu rằng chính người chết cai trị người sống. Những đức tính tốt mà chúng ta có, chúng ta nhờ cha mẹ ông bà mà có. Hãy kính thờ vong linh tổ tiên bằng cách phổ biến lịch sử của tổ tiên".
"Chính người chết cai trị người sống" nghĩa là các bậc tiền nhân đã khuất mới là những người chi phối tinh thần và tư tưởng của chúng ta ngày nay. Xã hội ngày nay là kết tinh của quá khứ. Không học lịch sử để biết về quá khứ, làm sao có thể hiểu được những gì đang diễn ra ngày hôm nay?
Khổng Tử, vị thánh nhân được tôn là người thầy của muôn đời (Vạn thế sư biểu) bởi qua những tác phẩm kinh sách để lại ông đã truyền dạy chúng ta cách sống, cách làm người trong xã hội. Sách "Luận ngữ" ghi lời của đức Khổng Tử: "Không học Kinh Lễ thì không biết đi đứng ở đời. Không học Kinh Thi thì không biết nói năng ra sao".
Cùng với Kinh Lễ, Kinh Thi thì Kinh Thư, tức là sách lịch sử thời cổ đại, là một trong Ngũ kinh mà bất cứ người đi học nào cũng phải biết. Những câu chuyện đặc sắc từ Kinh Thư như chuyện thịnh thời Nghiêu Thuấn, những gương hiếu thảo, những hành động dũng cảm, những cách xử trí thông minh... được chọn lọc lưu truyền trong kinh sách. Những điển hình này có giá trị giáo dục, răn dạy, hướng người học đến một nhân cách cao đẹp, mà Khổng Tử gọi là mẫu "người quân tử": Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Học lịch sử không chỉ là để tu dưỡng bản thân, ứng xử trong gia đình, mà còn là để giúp nước và ra hội nhập với thế giới.
Học lịch sử đối với người Việt lại càng quan trọng bởi mở sách sử nước ta ngày nay xem thời kỳ cổ sử thấy thật mông lung.
Hàng loạt câu hỏi về tổ tiên, về cha ông người Việt luôn nhức nhối qua từng trang huyền thoại. Cha Rồng, mẹ Tiên là ai? 18 đời Hùng Vương là thế nào? An Dương Vương có thật hay không? Triệu Đà là người Nam hay người Bắc? Lý Bôn, Triệu Việt Vương – những vị đế vương đầu tiên của nước Nam có thật hay không?...
Người Việt có thể yên giấc được hằng đêm mà không rõ mình từ đâu mà ra, mình là ai hay không?
Sách sử quốc gia là vấn đề trọng yếu mà mỗi một triều đại khi khởi đầu đều phải quan tâm. Vua Minh Mạng từ khi lên ngôi đã cho thu tập các tư liệu từ các nguồn khác nhau về thời đại dựng nước của người Việt và biên soạn thành cuốn "Nam Việt Hùng Thị sử ký". Do tính chất đặc biệt của cuốn Sử ký này nên nó được đặt tên là "Hùng Vương Kim ngọc Bảo giám thực lục" và được nhà vua khâm sắc chỉ ban cho cho các quan đứng đầu các bộ Binh, bộ Hộ, bộ Hình, bộ Lễ và phó sứ đoàn để tuân mệnh sử dụng.
Hiểu biết đúng về một lịch sử chân xác là nhận thức căn bản cho việc thi hành các nhiệm vụ trong quân đội (bộ Binh), trong quản lý nhà nước (bộ Hộ), trong văn hóa và tín ngưỡng (bộ Lễ) và trong các hoạt động đối ngoại (sứ đoàn).
Lịch sử Việt cùng những con người Việt đã làm nên 5.000 năm lịch sử hiện đang bị bụi mờ của thời gian và nhân gian che lấp. Một thời gian dài văn hóa Việt bị đứt gãy khi nền văn minh duy lý của phương Tây tràn vào Việt Nam, thay đổi toàn bộ bộ mặt văn hóa từ chữ viết, trang phục, kiến trúc, kỹ nghệ… Sự thay đổi này đã làm cho người Việt ngày nay mất đi mối liên kết với quá khứ, với tổ tiên, dẫn đến những lệch lạc về văn hóa, nhân sinh trong xã hội hiện đại.
Trong bối cảnh đó, nối lại dòng linh khí của tiền nhân Việt là việc làm vô cùng cần thiết và việc học, việc tìm hiểu lịch sử là nhiệm vụ cấp bách hơn bao giờ hết với mỗi người dân Việt.
Lịch sử là sự vận động của xã hội đã từng diễn ra trong quá khứ nên một thang lịch sử chính xác là chỗ dựa cho nhận định, phân tích, nghiên cứu của những môn học khác về văn hóa, dân tộc học, tôn giáo học, khảo cổ học, nhân học...
Lịch sử đã qua nhưng nó không mất, mà nó đang sống động trong mọi mặt của đời sống xã hội, trong từng phong tục tập quán, nghi lễ, từng kiến trúc, từng vật phẩm, từng cuốn sách xưa cũng như nay.
Lịch sử bắt đầu từ quá khứ và tiếp nối đến tương lai.
Nếu hôm nay chúng ta chối bỏ quá khứ thì chắc chắn chính chúng ta sẽ bị tương lai chối bỏ, vì lịch sử là dòng chảy thời gian nối tiếp và liên tục không dừng.
Thời xưa học sử
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google