Mô hình trường học mới VNEN đã hết vai trò?
Mặc dù được vận dụng với mục tiêu giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, với mô hình giáo dục hiện đại nhưng mô hình Trường học mới VNEN đã có quá nhiều bất cập khi triển khai dẫn tới không hiệu quả. Đáng nói là những bất cập này có thể lại lặp lại đối với Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay.
Chương trình Trường học mới Việt Nam (VNEN) là một thí điểm vận dụng mô hình Trường học kiểu mới của Colombia, được áp dụng thí điểm lần đầu tiên ở một số địa phương trong cả nước từ năm học 2011-2012 đối với khối lớp 2, lớp 3.
Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam (Dự án GPE-VNEN, Global Partnership for Education – VNEN viết tắt của từ Viet Nam Escuela Nueva) là một dự án về sư phạm nhằm xây dựng và nhân rộng một kiểu mô hình nhà trường tiên tiến, hiện đại.
Chỉ vài năm sau đó, VNEN phủ sóng gần khắp các tỉnh thành trong cả nước. Ngành giáo dục nhiều địa phương cũng bắt đầu triển khai mở rộng sang khối lớp 4, lớp 5 và lớp 6.
Điều đáng nói ở chỗ, nếu VNEN ở khối lớp 2 và 3 có sách giáo khoa VNEN thì lớp 4, lớp 5 khi chuyển sang mô hình VNEN mở rộng, học sinh phải học bằng sách giáo khoa hiện hành lúc ấy. Điều này, đã gây khá nhiều khó khăn cho việc dạy, việc học của thầy và trò.
VNEN bậc trung học cơ sở "chết yểu", nhiều tỉnh thành tuyên bố bỏ VNEN
Năm học 2015-2016, bậc trung học cơ sở ở một số địa phương bắt đầu triển khai giảng dạy VNEN. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, nhiều phụ huynh đã đồng loạt phản ứng vì cho rằng chất lượng học tập của các em đã đi xuống trầm trọng.
Bản thân những thầy cô giáo giảng dạy VNEN bậc trung học cơ sở cũng thừa nhận VNEN không phù hợp với việc giảng dạy đại trà đối với mọi đối tượng học sinh.
Thế là, chỉ một năm triển khai, nhiều trường học đành giải tán do những bất cập của phương pháp dạy học này mang lại. Thế là, chỉ còn bậc tiểu học áp dụng VNEN từ khối lớp 2 đến khối lớp 5.
Do chất lượng giảng dạy VNEN không hiệu quả, nhiều phụ huynh tiếp tục phản đối mô hình dạy học này. Năm học 2017-2018, nhiều tỉnh thành trong cả nước đã đồng loạt tuyên bố dừng hẳn chương trình VNEN và tiếp tục chuyển sang giảng dạy chương trình hiện hành thời điểm ấy.
Tại sao không tuyên bố kết thúc VNEN để sẵn sàng tiếp cận chương trình mới?
Thế nhưng, có những địa phương dù biết VNEN không còn tác dụng nhưng vẫn không công bố dừng VNEN.
Họ không còn ca ngợi VNEN lên tận mây xanh như trước và ngày càng ít nói tới VNEN, gần như không tổ chức kiểm tra, dự giờ thao giảng các cấp. Đồng thời, khuyến khích giáo viên tiếp cận thêm nhiều phương pháp giảng dạy tích cực khác.
Sự "lạnh nhạt" với VNEN đã ngầm cho giáo viên hiểu "VNEN đã không còn tồn tại".
Năm học 2023-2024, lớp 1 đến lớp 4 hiện đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ở lớp 5, hiện vẫn còn nhiều trường học đang "gắn mác" giảng dạy theo mô hình Trường học mới VNEN.
Trong thực tế, mỗi thầy cô giáo giảng dạy khối lớp 5 cũng đã tự mình chuyển đổi phương pháp giảng dạy phù hợp với học sinh để mang lại hiệu quả giáo dục. Tuy nhiên, trên lý thuyết vẫn là mô hình Trường học mới vì chưa có một cấp nào tuyên bố dừng hẳn chương trình VNEN.
Học VNEN, học sinh đã phải thay khá nhiều sách giáo khoa
Từ bộ sách giáo khoa hiện hành (chương trình 2006), khi chuyển sang học mô hình VNEN, học sinh đã phải thay sách giáo khoa. Tuy nhiên, liên tục những năm học sau đó, sách giáo khoa VNEN gần như năm học nào cũng có sự thay đổi, chỉnh sửa. Vì thế, học sinh lớp sau không thể dùng lại sách giáo khoa của lớp trước.
Mỗi năm, nhà xuất bản lại chỉnh sửa một kiểu. Có năm, chỉnh sửa số liệu, có năm lại đổi ít câu lệnh trong một số bài học, hay là thay một số bài luyện tập, hoặc lại đổi mẫu mã từ sách in mỏng sang in dày hơn (4 cuốn cả năm dồn còn 2 cuốn).
Đặc thù của VNEN là học nhóm, nhóm nhỏ rồi nhóm lớn. Vì thế, nếu tài liệu học tập (sách giáo khoa) không đồng bộ về nội dung sẽ khó khăn cho các em trong việc tìm hiểu bài. Vì thế, dù là thay đổi dữ liệu ít thì đa phần học sinh đều phải mua sách mới để học mà không thể sử dụng lại bộ sách giáo khoa cũ.
Năm học 2024-2025 tới đây, học sinh lớp 5 sẽ được học Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Những bộ sách giáo khoa VNEN vừa mới học xong cũng sẽ bị vứt bỏ vĩnh viễn.
Một mô hình giáo dục đã không hiệu quả cần được xem xét tới các lý do khách quan và chủ quan để rút kinh nghiệm, tránh lặp lại những sai lầm. Trong đó, đáng chú ý có những bất cập về cách dạy và học, về bộ sách giáo khoa... cần được xem xét thấu đáo để rút kinh nghiệm, hạn chế bớt những bất cập.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google