Mở cửa Phòng Trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả" tại Hà Nội
Hưởng ứng Ngày Phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11), Tổng cục Quản lý thị trường đã tổ chức mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả" tại 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội từ ngày 24-30/11/2023.
Nhận diện hàng thật, hàng giả, nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong lựa chọn sản phẩm hàng hóa
Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, trong lần mở cửa này, Phòng Trưng bày giới thiệu trên 600 sản phẩm thật và giả thuộc 9 lĩnh vực, ngành hàng gồm: hóa - mỹ phẩm; thời trang; giày dép; hàng gia dụng, tiêu dùng; văn phòng phẩm; đồ uống; dược phẩm và thiết bị y tế... Tại đây, người tiêu dùng không những được nhận diện các mặt hàng thật, hàng giả mà còn được cung cấp thông tin để nâng cao nhận thức trong việc lựa chọn sản phẩm hàng hóa.
Ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, sản phẩm được trưng bày trong dịp này là những hàng hóa được người tiêu dùng ưa chuộng, phổ biến và sử dụng thường xuyên, vì thế, trên thị trường xuất hiện nhiều hàng giả. Do vậy, việc trưng bày hàng hóa sẽ giúp người tiêu dùng tại Thủ đô Hà Nội cũng như các tỉnh thành lân cận có thêm kênh thông tin để nhận biết đâu là hàng thật, đâu là sản phẩm giả.
Trong lần trưng bày này đã có trên 50 sản phẩm của các doanh nghiệp Nhật Bản được cung cấp bởi Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) tham gia trưng bày. Việc này đã thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa Việt Nam và Nhật Bản trong công tác đấu tranh chống hàng giả.
Phòng Trưng bày “Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả" mở cửa từ ngày 24/11 đến hết ngày 30/11/2023. Đây là lần thứ 10 Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng Trưng bày.
Từ cuối năm 2021, nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cộng đồng về công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ cũng như giúp người tiêu dùng có nhiều hơn các kiến thức để nhận diện hàng thật - hàng giả, Tổng cục Quản lý thị trường đã đưa vào khai thác và sử dụng Phòng trưng bày hàng thật - hàng giả tại địa chỉ 62 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đây là nơi người tiêu dùng có thể đến tham quan và được chuyên viên của Tổng cục Quản lý thị trường hướng dẫn, phân biệt dấu hiệu nhận diện các sản phẩm thật, sản phẩm vi phạm trên thị trường.
Cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024
Trước đó, ngày 8/11/2023, Tổng cục Quản lý thị trường đã Ban hành kế hoạch số 09/KH-TCQLTT về cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2023; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Kế hoạch được ban hành nhằm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại; chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào dịp Tết để tăng giá bất hợp lý, gây bất ổn thị trường, nhất là đối với các mặt hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết dương lịch và Tết Nguyên đán năm 2024.
Đặc biệt, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thông qua công tác thông tin tuyên truyền.
Theo kế hoạch, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, đặc biệt là tại các tỉnh biên giới, phối hợp với lực lượng chức năng như Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Thanh tra chuyên ngành, Kiểm dịch động vật,.. tổ chức kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng hóa vận chuyển trái phép từ khu vực tuyến biên giới đường bộ, đường biển vận chuyển vào thị trường nội địa tiêu thụ. Đồng thời rà soát, giám sát chặt chẽ các kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa tại khu vực cửa khẩu, chợ biên giới.
Đặc biệt lưu ý đến các mặt hàng, lĩnh vực trọng điểm. Cụ thể, tại tuyến biên giới phía Bắc, các mặt hàng cần đặc biệt lưu ý gồm: gia súc, gia cầm, nội tạng động vật, pháo nổ, hàng điện tử, vải, quần áo, giày dép, đồ trang trí Tết,.... Tại tuyến biên giới Miền Trung - Tây Nguyên: đường cát, rượu, bia, nước giải khát, pháo nổ, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng.... Đối với tuyến biên giới Tây Nam: đường cát, thuốc lá điếu, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng, quần áo đã qua sử dụng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, pháo nổ...
Đối với Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trong nội địa, cần tập trung kiểm tra, kiểm soát hàng hóa tại các trung tâm thương mại, chợ đầu mối, chợ chuyên doanh, chợ dân sinh, các tuyến phố buôn bán, các cơ sở sản xuất; chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, phối hợp với các lực lượng chức năng và Cục Quản lý thị trường các tỉnh biên giới phòng ngừa, ngăn chặn hàng hóa vi phạm vận chuyển từ tuyến biên giới đường bộ, đường biển, đường hàng không vào thị trường nội địa tập kết, tiêu thụ. Phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường công tác thu thập thông tin, thẩm tra xác minh, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử.
Kế hoạch được triển khai bắt đầu từ ngày 20/11/2023 đến hết ngày 29/02/2024.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google