Meta cảnh báo tin tặc lợi dụng ChatGPT để lừa người dùng cài đặt mã độc

Hồng Ngọc
08:16 - 04/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo Meta - công ty chủ quản của mạng xã hội Facebook, thời gian gần đây, các tin tặc đã lợi dụng sự quan tâm và hiếu kỳ của người dùng về các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT để lừa đảo và cài đặt mã độc vào các thiết bị.

Theo Reuters, ngày 3/5/2023, Meta đã phát đi cảnh báo rằng tin tặc đang lợi dụng sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo (AI) để phát tán mã độc và đánh cắp dữ liệu. Theo Meta, các tin tặc đã sử dụng các trang web giả mạo và email lừa đảo để thu hút người dùng quan tâm đến các công cụ AI tạo sinh như ChatGPT. Khi người dùng tải về hoặc nhấp vào các liên kết này, họ sẽ bị cài đặt mã độc vào máy tính hoặc điện thoại của mình.

Meta cảnh báo tin tặc lợi dụng ChatGPT để lừa người dùng cài đặt mã độc - Ảnh 1.

Meta cảnh báo tin tặc lợi dụng AI để phát tán phần mềm độc hại qua các trang web giả mạo. Ảnh: KalselProv

Meta cho biết đã thống kê được hàng chục nghìn lượt truy cập vào các trang web giả mạo như vậy từ tháng 4/2022 đến nay. Và chỉ trong vòng 1 tháng qua, hãng công nghệ này đã phát hiện và chặn hơn 1.000 trang web có liên quan đến chiến dịch phát tán mã độc liên quan đến AI. Các trang web này thường quảng cáo rằng sẽ cho người dùng trải nghiệm các năng lực AI tạo sinh như tạo ra văn bản, hình ảnh, âm thanh hoặc video giống như con người thực hiện. Một số trang web còn lừa người dùng rằng họ sẽ được tham gia vào một cuộc thi AI hay nhận được một khoản tiền thưởng nếu tải về các chương trình hấp dẫn này.

Giám đốc an ninh thông tin của Facebook Guy Rosen cho biết đây là làn sóng tấn công mạng mới, lợi dụng sự phát triển và sự hấp dẫn của công nghệ AI. Ông Rosen cũng cảnh báo rằng trong tương lai, AI có thể được sử dụng như một vũ khí để tấn công các thiết bị và đánh cắp dữ liệu của người dùng.

Ông Rosen cho biết thêm: "AI tạo sinh có tiềm năng rất lớn và nhiều kẻ xấu cũng biết về những điều này nên người dùng phải cảnh giác để đảm bảo an toàn trên không gian mạng. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu các cách thức để sử dụng AI tạo sinh ngăn chặn tin tặc và các chiến dịch tạo ảnh hưởng trên mạng Internet".

Meta khuyến cáo người dùng nên cẩn thận khi nhận được các email hoặc truy cập các trang web liên quan đến AI. Người dùng nên kiểm tra nguồn gốc của email hoặc trang web, không mở các tệp đính kèm hoặc liên kết không rõ nguồn gốc và sử dụng phần mềm bảo mật để bảo vệ máy tính. Meta cũng khẳng định rằng họ đang làm việc với các cơ quan chức năng để điều tra và ngăn chặn các cuộc tấn công này.

ChatGPT là một chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) do Công ty OpenAI của Mỹ phát triển và ra mắt vào tháng 11/2022. ChatGPT được xây dựng dựa trên GPT-3.5 - một dòng mô hình ngôn ngữ lớn của OpenAI được tinh chỉnh đồng thời bằng cả 2 kỹ thuật học tăng cường và học có giám sát. ChatGPT có thể hồi đáp chi tiết và trả lời lưu loát câu hỏi của người dùng trên nhiều lĩnh vực kiến thức, ngôn ngữ khác nhau.

ChatGPT là một ví dụ điển hình của AI tạo sinh (generative AI). AI tạo sinh có nhiều ứng dụng thực tế và sáng tạo, như tạo ra các thiết kế sản phẩm mới, tối ưu hóa các quy trình kinh doanh, soạn email, bài luận, mã lập trình, thơ ca, truyện ngắn, hình ảnh, bài hát... Tuy nhiên, AI tạo sinh cũng gặp phải nhiều thách thức về vấn đề bảo mật và quyền riêng tư của người dùng. Một số quốc gia châu Âu đã cấm hoặc điều tra AI tạo sinh vì nghi ngờ công cụ này vi phạm luật bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Bình luận của bạn

Bình luận