ChatGPT vào đề thi Ngữ văn học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, thầy trò tâm đắc

Ly Hương
06:15 - 09/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 12 Thành phố Hồ Chí Minh được nhiều giáo viên và học sinh khen ngợi bởi sự mới mẻ, độc đáo.

Ngày 7/3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 12 cấp Thành phố năm học 2022-2023. Riêng môn Ngữ văn nhận được nhiều lời khen của giáo viên và học sinh bởi đề thi mới mẻ, độc đáo, khơi gợi sự hứng thú cho học sinh trong quá trình làm bài.

ChatGPT vào đề thi Ngữ văn học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, thầy trò tâm đắc  - Ảnh 1.

ChatGPT vào đề thi Ngữ văn học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, thầy trò tâm đắc.

Gọi đời vào trong chữ

Theo đó, đề thi môn Ngữ văn năm nay nêu rõ chủ đề: Gọi đời vào trong chữ.

"Cuộc sống hôm nay đặt ra nhiều vấn đề khiến con người trăn trở, suy tư. Những con chữ sẽ giúp ta bày tỏ nghĩ suy của mình trước những vấn đề thời đại".

Câu 1 (8 điểm): "Tôi" với "Trí tuệ nhân tạo (ChatGPT, Robot…)"; Thể hiện bản thân; Phải – trái, đúng – sai; Khủng hoảng bản sắc; Khoảng cách thế hệ; Hội nhập toàn cầu; Lựa chọn nghề nghiệp; Áp lực đồng trang lứa".

Hãy lựa chọn một số từ ngữ trên, kết nối ý tưởng để tạo thành một vấn đề nghị luận mà anh/chị quan tâm. Viết bài văn bàn luận về vấn đề ấy.

Câu 2 (12 điểm): "Mỗi phút, mỗi lời tình cờ được nói ra và mỗi cái nhìn vô tình ta bắt gặp, mỗi ý nghĩ sâu sắc hoặc vui đùa, mỗi rung động thầm lặng của con tim, cũng như cả đến một bông xốp của hoa hướng dương đang bay hay lửa sao trong một vũng nước đêm – tất cả những cái đó đều là những hạt rất nhỏ của bụi vàng. Chúng ta, những nhà văn, chúng ta bòn đãi chúng trong hàng chục năm, hàng triệu những hạt cát đó, lặng lẽ thu góp lại cho mình, biến chúng thành một hợp kim rồi từ hợp kim đó ta đánh 'bông hồng vàng' của ta – truyện, tiểu thuyết hay là thơ…".

Chủ đề "Gọi đời vào trong chữ" và ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về mối quan hệ giữa đời và chữ? 

ChatGPT vào đề thi Ngữ văn học sinh giỏi Thành phố Hồ Chí Minh, thầy trò tâm đắc  - Ảnh 2.

Đề văn mới mẻ, độc đáo

Ban ra đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm qua  đã có nhiều nỗ lực đổi mới cách ra đề nhằm khơi gợi sự hứng thú của học sinh khi làm bài và giúp chọn được những em giỏi văn thực sự.

"Câu nghị luận xã hội không ra đề theo lối mòn như thường thấy mà đặt ra vấn đề rất mở, học sinh thỏa sức sáng tạo theo khả năng của bản thân. Học sinh bày tỏ nghĩ suy của mình trước vấn đề thời đại rất mới mẻ như ChatGPT; những vấn đề quen thuộc như lựa chọn nghề nghiệp, áp lực đồng trang lứa, hay mang tầm vĩ mô "hội nhập toàn cầu".

Câu nghị luận văn học có nội dung quen thuộc nhưng cách hỏi sáng tạo khi đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa đời và chữ từ chủ đề Gọi đời vào trong chữ và câu nói của Pautovsky. Thí sinh phải có khả năng giải mã đề thi: văn học bắt nguồn từ cuộc sống, để từ đó bàn luận", thầy Phan Anh - giáo viên dạy Ngữ văn cấp Phổ thông trung học nhận định về đề thi.

Để làm tốt câu nghị luận văn học "văn học bắt nguồn từ cuộc sống", thầy Phan Anh gợi ý, chẳng hạn, Grandi từng khẳng định: "Không có nghệ thuật nào là không hiện thực". Cuộc sống là nơi bắt đầu và là nơi đi tới của văn chương. Hơn bất cứ một loại hình nghệ thuật nào, văn học gắn chặt với hiện thực cuộc sống và hút mật ngọt từ nguồn sống dồi dào đó.

Hiện thực xã hội là mảnh đất sống của văn chương, là chất mật làm nên tính chân thực, tính tự nhiên, tính đúng đắn, tính thực tế của tác phẩm văn học. Một tác phẩm có giá trị hiện thực bao giờ cũng giúp người ta nhận thức được tính quy luật của hiện thực và chân lý đời sống.

Lê Quý Đôn từng nói: "Trong bụng không có ba vạn quyển sách, trong mắt không có cảnh núi sông kì lạ của thiên hạ thì không thể làm thơ được", chính là khẳng định vai trò của hiện thực cuộc sống đối với thơ nói riêng và văn học nói chung.

"Tôi đánh giá rất cao đề thi chọn học sinh giỏi môn Ngữ văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh năm nay. Cách ra đề như thế này buộc giáo viên phải thay đổi cách dạy, học sinh phải thay đổi cách học. Đề thi này phù hợp với cách đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh", thầy Phan Anh chia sẻ thêm.

Bình luận của bạn

Bình luận