Mặc trang phục abaya, hàng chục nữ sinh Pháp bị cấm vào trường
Trong ngày đầu tiên của năm học mới, hàng chục nữ sinh Pháp đã bị nhà trường buộc ra về vì từ chối cởi bỏ trang phục abaya.
Hàng chục nữ sinh Pháp bị cấm vào trường vì mặc trang phục abaya
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp mới đây cho biết, vào ngày đầu tiên của năm học mới, một số trường học ở Pháp đã buộc hàng chục nữ sinh ra về. Lý do là vì những học sinh này mặc áo choàng Hồi giáo abaya đến trường, và khi được yêu cầu thay trang phục khác, họ đã từ chối.
Theo Bộ trưởng Gabriel Attal, bất chấp lệnh cấm mặc trang phục Hồi giáo, gần 300 nữ sinh vẫn mặc bộ abaya (trang phục che phủ từ vai đến chân của phụ nữ Hồi giáo) đến trường vào sáng ngày 4/9.
"Hầu hết các nữ sinh đã đồng ý thay đổi trang phục khác. Nhưng có 67 người từ chối và đã bị yêu cầu về nhà", ông Gabriel Attal nói với đài truyền hình Pháp BMF.
Lý do Pháp cấm học sinh mặc trang phục Hồi giáo abaya đến trường
Tháng trước, Chính phủ Pháp đã tuyên bố sẽ cấm mặc abaya trong trường học. Bởi theo họ, mặc trang phục như vậy là vi phạm quy tắc về tính thế tục (phi tôn giáo) trong giáo dục. Động thái này làm hài lòng một số nhà chính trị Pháp, nhưng một số ý kiến cho rằng, quy định như vậy đã xâm phạm đến quyền tự do dân sự.
Gia đình những nữ sinh bị cho về nhà đã nhận được bức thư nói rằng "chủ nghĩa thế tục không phải hạn chế, mà là tự do".
Bộ trưởng Bộ Giáo dục Gabriel Attal nhấn mạnh rằng nếu học sinh mặc trang phục abaya đến trường một lần nữa thì sẽ tổ chức một cuộc đối thoại mới.
Cuối ngày 4/9, Tổng thống Emmanuel Macron đã bày tỏ ủng hộ lệnh cấm này. Bởi theo Tổng thống Pháp, một số người ở Pháp đã lợi dụng tôn giáo, thách thức nền cộng hòa và chủ nghĩa thế tục, dẫn đến hậu quả tồi tệ nhất.
Đồng thời ông cũng nhắc lại vụ giáo viên Samuel Paty bị sát hại 3 năm trước vì chiếu tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed trong một buổi dạy về Đạo đức và Giáo dục Công dân.
Một hiệp hội đại diện cho người Hồi giáo đã đệ trình kiến nghị lên Hội đồng Nhà nước của Pháp để khiếu nại về lệnh cấm mặc abaya và qamis, trang phục dành cho nam giới Hồi giáo.
Hội đồng Đức tin Hồi giáo của Pháp được thành lập để đại diện cho người Hồi giáo trước chính phủ cũng cảnh báo rằng, việc cấm abaya có thể gây nguy cơ phân biệt đối xử cao và họ đang xem xét khiếu nại lên Hội đồng Nhà nước.
Theo Hội đồng Đức tin Hồi giáo Pháp, việc không có một định nghĩa rõ ràng thế nào là trang phục abaya và qamis sẽ tạo ra một tình huống mơ hồ và không chắc chắn về mặt pháp lý. Đồng thời, Hội đồng Đức tin Hồi giáo Pháp cũng bày tỏ lo ngại về bản chất của việc kiểm soát trang phục của các nữ sinh hiện nay là dựa trên nguồn gốc và màu da của họ hơn là những gì họ mặc.
Mặc đồng phục sẽ mang lại bình đẳng trong giáo dục?
Trước bối cảnh lệnh cấm mặc trang phục Hồi giáo abaya đến trường học tạo ra nhiều quan điểm trái chiều, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp ủng hộ việc thử nghiệm mặc đồng phục cho học sinh.
Kể từ năm 1968, mặc đồng phục không còn là quy định bắt buộc ở các trường học tại Pháp. Tuy nhiên, theo ông Gabriel Attal, Bộ Giáo dục sẽ sớm lên kế hoạch vào cuối năm nay về việc thử nghiệm mặc đồng phục cho học sinh với bất kỳ trường nào đồng ý tham gia chương trình.
"Tôi không nghĩ rằng, đồng phục học sinh là giải pháp thần kỳ giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quấy rối, bất bình đẳng xã hội hay chủ nghĩa thế tục. Nhưng chúng ta phải thử nghiệm. Thử nghiệm mọi thứ để thúc đẩy tranh luận", Bộ trưởng Gabriel Attal nói thêm.
Từ tháng 3/2004, Pháp đã cấm học sinh đeo các vật dụng hoặc mặc trang phục có thể thể hiện yếu tố tôn giáo trong trường học, bao gồm những cây thánh giá lớn của Cơ đốc giáo, mũ đội kippas của người Do Thái và khăn trùm đầu của người Hồi giáo.
Không giống như khăn trùm đầu, abaya, một loại áo choàng dài, rộng thùng thình, thường là màu xám hoặc đen, được mặc theo tín ngưỡng Hồi giáo, chưa phải đối mặt với lệnh cấm hoàn toàn nào cho đến cuối tháng trước - khi Bộ trường Gabriel Attal tuyên bố: "Sẽ không thể mặc abaya ở trường học nữa".
Thông báo vào cuối tháng 8 về lệnh cấm là động thái lớn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp Gabriel Attal kể từ khi ông được thăng chức vào mùa hè này để phụ trách danh mục giáo dục. Cùng với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gerald Darmanin, ông được coi là ngôi sao đang lên, có khả năng đóng vai trò quan trọng sau khi ông Macron kết thúc nhiệm kỳ tổng thống vào năm 2027.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google