Luận án tiến sĩ về áo ngực được 3/7 phiếu của Hội đồng đánh giá xuất sắc

PV
11:44 - 13/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

7/7 phiếu tán thành đề tài nghiên cứu về áo ngực của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung. Trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.

Ngày 12/10, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã bảo vệ luận án tiến sĩ ngành công nghệ dệt may tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, với đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực".

Luận án tiến sĩ về áo ngực nhận được 3/7 phiếu xếp loại xuất sắc - Ảnh 1.

Nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ngành công nghệ dệt may với đề tài về áo ngực. Ảnh: Nguyễn Liên

Hội đồng thẩm định gồm bảy thành viên, trong đó có một chủ tịch, một thư ký, một ủy viên và ba phản biện là Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Nam, Tiến sĩ Lưu Thị Tho và Tiến sĩ Phạm Quốc Thụ.

Ba bài nhận xét và phản biện của hội đồng thẩm định đều kết luận luận án cơ bản phù hợp với cách đặt vấn đề và đủ sức thuyết phục, phù hợp với vấn đề nghiên cứu.

Tiến sĩ Lưu Thị Tho, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, đánh giá luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh Lê Thị Hồng Nhung là công trình khoa học nghiên cứu nghiêm túc, thiết thực và đủ đáp ứng nhu cầu của luận án tiến sĩ công nghệ dệt may.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, chủ tịch hội đồng thẩm định, đọc quyết định kết luận đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" đạt kết quả 7/7 phiếu tán thành, trong đó có 3 phiếu xếp loại xuất sắc.

Hội đồng nhận định luận án đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu về bố cục, nội dung, hình thức của một luận án tiến sĩ, đồng thời công nhận và cấp bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung.

Được biết, trước đó, nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung đã công bố 8 bài báo thể hiện kết quả nghiên cứu của luận án, trong đó có 1 bài báo trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục Web of science, 3 bài báo quốc tế thuộc danh mục Scopus, 4 bài báo trên các tạp chí trong nước. Đây đều là các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Minh Nam, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội, thành viên Hội đồng đánh giá, áo ngực là sản phẩm đặc thù của ngành dệt may và nghiên cứu này không chỉ có ý nghĩa thực tiễn, áp dụng được cho nữ sinh ở miền Bắc Việt Nam, mà có thể áp dụng cho tất cả đối tượng sử dụng sản phẩm này.

Phó Giáo sư Nam nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu từ luận án cũng là cơ sở khoa học để phát triển rất nhiều nghiên cứu khác có ý nghĩa ứng dụng.

Nguồn: Tổng hợp