Luận án tiến sĩ "áo ngực" và sự tranh cãi thái quá
Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" của một nghiên cứu sinh đang khiến dư luận tranh cãi thái quá.
Chỉ nhìn tên luận án đã tùy tiện phán xét
Luận án tiến sĩ "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" của nghiên cứu sinh Lưu Thị Hồng Nhung, hiện công tác tại Khoa Công nghệ may và thời trang, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên, sẽ được bảo vệ ngày 12/10/2022.
Tác giả luận án kỳ vọng, kết quả nghiên cứu này sẽ góp phần quan trọng trong việc xây dựng cơ sở khoa học nhằm thiết lập hệ thống cỡ số, thiết kế, sản xuất, đánh giá; nâng cao chất lượng áo ngực cho phụ nữ Việt Nam nói chung và áo ngực cho nữ thanh niên, nữ sinh Bắc Việt Nam nói riêng, đáp ứng nhu cầu của người mặc.
Nhận xét về đề tài này, Phó Giáo sư Tiến sĩ Phan Thanh Thảo - Viện trưởng Viện Dệt may - Da giầy và thời trang, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết:
"Đề tài có tính cấp thiết rất lớn vì áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực nữ có vai trò đặc biệt quan trọng với cảm nhận và ảnh hưởng tới sức khỏe của người mặc. Áo ngực có thể làm cho người mặc cảm thấy khó chịu, hạn chế lưu thông máu, đau nhức, tổn thương trên da… nếu giá trị áp lực của áo ngực lên cơ thể trong thời gian dài và lớn hơn mức chịu đựng của con người".
Tuy nhiên, sau khi đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực" lan truyền trên mạng xã hội thì có luồng dư luận cho rằng đề tài này chưa xứng tầm luận án tiến sĩ.
Và thế có một số người lại giễu cợt, thậm chí mạt sát tác giả lẫn các giáo sư hướng dẫn, trong khi phần lớn họ chưa từng đọc qua dù chỉ là một trang luận án. Giả sử họ có đọc chăng nữa thì chắc gì đã hiểu được nội dung luận án vì đề tài liên quan đến một lĩnh vực hẹp, mang tính chuyên ngành chuyên sâu về học thuật.
Hãy lắng nghe và tôn trọng nhà khoa học
Bàn về đề tài "Nghiên cứu ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn (Giáo sư Y khoa, Đại học New South Wales, Australia) đã có những chia sẻ đầy thuyết phục trên trang Facebook cá nhân về tiêu chuẩn FINER để đánh giá một nghiên cứu khoa học. F là viết tắt của chữ feasibility (tính khả thi); I là interesting (thú vị); N là novelty (cái mới); E là ethics (đạo đức); R là relevance (tác động).
Quay lại câu hỏi luận án "áo ngực" mà công chúng làm ồn ào có đáp ứng tiêu chuẩn của một luận án tiến sĩ, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho biết nội dung luận án (dữ liệu, cách tiếp cận, phương pháp) có thể đáp ứng tiêu chuẩn một luận án tiến sĩ bởi những lí do sau đây.
(a) Chủ đề nghiên cứu hợp lí, dù mới nghe qua thì có vẻ "lạ". Thật ra, đã có hàng trăm nghiên cứu trong chủ đề này đã được xuất bản trên thế giới. Có thể nó lạ đối với vài người, nhưng rất chính thống đối với giới khoa học. Cứ đọc phần Dẫn nhập của luận án sẽ thấy trên thế giới đã có vài luận án tiến sĩ trong chủ đề áo ngực rồi.
(b) Thiết kế nghiên cứu cũng rất đúng chuẩn mực khoa học, có thể trả lời những câu hỏi mà tác giả nêu ra. Tác giả dùng mô hình "cross-sectional" cho nghiên cứu và như thế là hoàn toàn khả thi. Tác giả có lí giải rõ ràng về số lượng nữ sinh theo công thức thống kê chuẩn.
(c) Nghiên cứu đã tạo ra những dữ liệu mới cho Việt Nam. Dữ liệu khoa học là vàng, và dữ liệu mới càng quí báu. Trong nghiên cứu này, tác giả đã sử dụng các phương tiện đo lường như GE Druck DPI (Mĩ), máy Scan3D MB2019, và software Geomagic Design X với những thông số kĩ thuật nghiêm chỉnh. Những dữ liệu thu thập được từ nghiên cứu này xứng đáng một luận án tiến sĩ (chứ không phải như vài người nhận xét là chỉ đáng nghiên cứu của học sinh phổ thông - nói như vậy là quá đáng).
(d) Phương pháp phân tích tốt. Tác giả đã sử dụng một số mô hình phân tích dữ liệu như phân tích thành phần (principal component analysis), phân tích cụm (cluster analysis), mô hình Bayesian Model Averaging để chọn các đặc điểm quan trọng. Nói chung, tác giả đã dùng các phương pháp phân tích hoàn toàn thích hợp và hiện đại.
(d) Cách trình bày kết quả phân tích nói chung là tốt, nhưng có thể làm cho tốt hơn. Có khá nhiều dữ liệu và kết quả không thể mô tả hết ở đây (không cần thiết), một số kết quả mang tính mô tả còn lại là các kết quả phân tích tương quan bằng [chủ yếu] mô hình hồi qui tuyến tính.
Trong luận án này, tác giả đã cung cấp những dữ liệu quan trọng về nhân trắc học liên quan đến ngực của phụ nữ Việt Nam (chứ chẳng riêng gì miền Bắc Việt Nam). Tôi nghĩ những kết quả này nên đúc kết thành một bài báo khoa học để công bố trên các tập san có bình duyệt trong chuyên ngành", Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn khẳng định.
Dẫu biết rằng vẫn còn nhiều luận án tiến sĩ chưa xứng tầm, được "nở" ra từ "lò ấp" khiến dư luận bất bình, bức xúc, thế nhưng, bên cạnh đó vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu có giá trị khoa học và thực tiễn, chẳng hạn đề tài "Ảnh hưởng của đặc điểm nhân trắc ngực nữ sinh Bắc Việt Nam tới áp lực và độ tiện nghi áp lực của áo ngực".
Đừng nhìn tên đề tài rồi phán xét, chỉ trích, sẽ chẳng đi đến đâu. Bên cạnh đó còn thể hiện thái độ thiếu tôn trọng nhà khoa học.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google