Nữ sinh đạt học bổng tiến sĩ tại Đại học hàng đầu của Mỹ nhờ bài luận lĩnh vực in 3D sinh học
Nguyễn Thị Phương Nghi (27 tuổi) vừa giành học bổng toàn phần trị giá 530.640 USD (khoảng 12,3 tỷ đồng) để theo học chương trình tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật sinh học tại Đại học Stanford, Mỹ.
Từ một học sinh sợ môn Hóa học giờ đây Nguyễn Thị Phương Nghi đã sắp trở thành một tiến sĩ ngành Kỹ thuật sinh học tại ngôi trường hàng đầu thế giới.
Hành trình bắt đầu lại với bảng tuần hoàn nguyên tố
Trong suốt khoảng thời gian học phổ thông, Phương Nghi theo học lớp chuyên Anh. Nữ sinh không hề có định hướng theo khối tự nhiên, nên không tập trung quá nhiều vào các môn học thuộc khối này. Thậm chí, bài kiểm tra môn Hóa đầu tiên năm lớp 10, Nghi chỉ được 2 điểm. Dần dần, Nghi trở nên sợ và ghét môn Hóa.
Cho đến năm lớp 12, Phương Nghi tình cờ biết về ngành Kỹ thuật y sinh thông qua buổi tư vấn tuyển sinh của Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Với cá tính và sự tò mò về những tính ứng dụng, khả năng kết hợp nhiều lĩnh vực với nhau từ công nghệ kỹ thuật điện tử, y học, Phương Nghi đã cho mình một quyết định bắt đầu lại với các môn khoa học cơ bản như Hóa học, Sinh học để có thể tạo ra sản phẩm hỗ trợ cho ngành y tế, giúp ích cho việc điều trị của bệnh nhân.
Trong quá trình học tập, nữ sinh đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều để thực hiện các nghiên cứu trong lĩnh vực vật liệu sinh học này. Bởi nếu không nắm rõ kiến thức cơ bản về các liên kết hóa học cũng như sự tương tác giữa các chất, thì rất khó vận dụng vào nghiên cứu và mở ra được những hướng đi mới.
Có cho mình lợi thế về môn Ngoại ngữ nên việc đọc tài liệu trong và ngoài nước, viết báo khoa học, thực hiện nghiên cứu trong môi trường quốc tế là một sự thuận tiện và điều kiện thuận lợi cho Nghi.
Thành tích "săn" học bổng đáng nể phục
Từ năm hai đại học, Phương Nghi bắt đầu nghiên cứu và học tập tại phòng thí nghiệm của trường để tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, để nâng cao kiến thức và tạo cơ hội cho bản thân, nữ sinh đã không ngừng tìm kiếm và tham gia các chương trình trao đổi và thực tập khoa học ở nước ngoài.
Nhờ đó, cô đã có một bảng thành tích "săn" học bổng đáng nể phục như: học bổng thực tập nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ (Áo), Viện Khoa học và Công nghệ Okinawa (Nhật Bản), ĐH Auckland (New Zealand).
Năm 2019, Phương Nghi nhận học bổng Chevening của chính phủ Anh cho chương trình thạc sĩ tại ĐH Cambridge. Tại đây, cô đã được rèn luyện rất nhiều về tư duy phản biện thông qua các buổi học theo hình thức thảo luận trên lớp.
Bên cạnh đó, cô gái nhỏ bé đã có cơ hội tham gia nghiên cứu về in sinh học 3D. Đây cũng là nền tảng và động lực để cô xây dựng và quyết tâm theo đuổi học tiến sĩ.
Cuối năm 2020, cô đã dự định học tiến sĩ và nộp hồ sơ vào khoảng 10 trường như: Johns Hopkins, Duke, Harvard, MIT, Columbia… nhưng đều bị từ chối.
Tuy nhiên, những điều đó thì không thể ngăn cản được ý chí to lớn của cô gái này.
Phương Nghi chia sẻ: "Có thể, nguyên nhân khiến mình bị từ chối là hồ sơ chưa có nhiều công bố khoa học, bài luận lại lan man, không nêu rõ định hướng sự nghiệp rõ ràng". Nắm được tình hình đó, cô gái đã nỗ lực cải thiện điểm yếu, hoàn thiện lại hồ sơ, tăng cường đầu tư cho công việc nghiên cứu và sáng tạo để làm nổi bật hồ sơ.
Và đến năm 2021, hạnh phúc đã đến với cô gái nhỏ bé ấy khi nộp hồ sơ lần thứ 2 và trúng tuyển học bổng tiến sĩ toàn phần ngành Kỹ thuật sinh học, Đại học Stanford. Suất học bổng trị giá 530.640 USD cho 5 năm nghiên cứu sinh bao gồm học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm.
Bên cạnh đó, nữ sinh được khoa cấp thêm học bổng Enhancing Diversity in Graduate Education (EDGE) - 12.800 USD - để dùng cho các chi phí sinh hoạt, nghiên cứu và tham dự hội nghị, hội thảo.
Dự định trong 5 năm tới học tiến sĩ, Phương Nghi sẽ học các môn lý thuyết chuyên ngành, tham gia nghiên cứu luân phiên tại 3 phòng thí nghiệm để tìm ra lĩnh vực và môi trường nghiên cứu phù hợp nhất với mình.
Ngoài ra, nữ sinh dự định sẽ nghiên cứu về lĩnh vực kỹ thuật mô và y học tái tạo, đặc biệt về in 3D sinh học để tạo nên vật liệu sinh học tương hợp với môi trường cơ thể và có tính chất cơ lý tốt.
Các nghiên cứu này sẽ có tính ứng dụng cao cho việc tái tạo lại các cơ quan, mô bị mất hoặc tổn thương trong cơ thể.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google