Lũ trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục lên cao, diễn biến khó lường

Lan Dương
12:49 - 30/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hiện nay, lũ trên sông Cả, hạ lưu sông La và mực nước trên các sông ở Thanh Hóa đang lên; thượng lưu sông Ngàn Sâu đang dao động ở mức cao.

Lũ trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh tiếp tục lên cao, mưa lũ còn diễn biến phức tạp trong những ngày tới - Ảnh 1.

Nhìn từ trên cao, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An mênh mông nước lũ. Ảnh: Báo Nghệ An

Lũ trên sông Cả và hạ lưu sông La tiếp tục lên mức báo động 2 - báo động 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mực nước lúc 7 giờ ngày 30/10: Sông Cả tại Yên Thượng 8,84m, dưới báo động 3 0,16m; tại Nam Đàn 6,94m, trên báo động 2 0,04m; Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ 12,47m, ở mức báo động 2; tại Hòa Duyệt 8,07m, trên báo động 1 0,57m; hạ lưu sông La tại Linh Cảm 4,75m, trên báo động 1 0,25m.

Trung tâm này dự báo trong 12h-24h tới, lũ trên sông Cả và hạ lưu sông La tiếp tục lên; trên sông Cả tại Nam Đàn lên mức báo động 2- báo động 3, sông La tại Linh Cảm dao động ở mức báo động 1 - báo động 2.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, tình trạng ngập lụt tiếp tục diễn ra tại các huyện Quỳnh Lưu, Đô Lương, Thanh Chương, Con Cuông, Nam Đàn (Nghệ An), Hương Khê, Đức Thọ, Vũ Quang (Hà Tĩnh).

Từ nay đến ngày 1/10, trên các sông ở Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông nhỏ, thượng lưu Mã lên mức báo động 1 và trên báo động 1; hạ lưu sông Mã ở dưới mức báo động 1.

Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, đặc biệt tại các huyện: Quỳ Châu, Quế Phong, Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Thanh Chương (Nghệ An); Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh). Đề phòng sự cố các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

song la.jpg

Sông Lam đoạn qua thủy điện Chi Khê, Nghệ An (ảnh chụp lúc 10h ngày 30/9). Ảnh: Báo Nghệ An

ngap o ha tinh.jpg

Tuyến quốc lộ 1, đoạn xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh đang bị ngập. Lực lượng chức năng

cắm biển cảnh bảo và túc trực 24/24h. Ảnh tổng hợp từ báo Hà Tĩnh

Đảm bảo an toàn hệ thống đê điều tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh

Ngày 29/9/2022, Tổng cục Phòng chống thiên tai đã có công văn số 975/PCTT-QLĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều.

Tổng cục đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một số nội dung sau:

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước các sông; tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định.

Kiểm tra, rà soát các công trình đê điều đang thi công dở dang và triển khai ngay biện pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều.

Rà soát, triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện hộ đê để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Tổng cục Phòng, chống thiên tai - Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Thiệt hại do mưa lũ tại Nghệ An, Hà Tĩnh

Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, thành phố Nghệ An, Hà Tĩnh, tình hình thiệt hại do mưa lũ như sau:

3 người chết, 3 người bị mất tích tại Nghệ An (do mưa lũ sau bão); không có người chết trong bão, 8.139 nhà bị ngập; 88 hộ dân phải di dời. Mưa lũ cũng đã làm 1.138ha lúa, 5.838ha hoa màu, 104,5ha cây công nghiệp và lâu năm, 5.142ha thủy sản bị ngập; 287ha rừng trồng bị hư hại; 209 con gia súc, 34.423 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 28 điểm trường bị ảnh hưởng.

Đồng thời, 1.890m kênh; 49 đập loại nhỏ bị hư hỏng sạt lở; 71 cống bị hư hỏng; sạt lở 1.030m bờ sông. Sạt lở bờ kênh tiêu đoạn từ Nam Đàn – Bến Thủy qua xóm 7, Làng Rào xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) khoảng 5m. Sau khi phát hiện sự cố, lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, huy động các lực lượng và nhân dân tập trung xử lý sự cố. Đến 6 giờ ngày 30/9 địa phương đã hoàn thành công tác khắc phục.

Mưa lũ tại Nghệ An, Hà Tĩnh đã làm 31 vị trí bị ngập, 41 vị trí bị sạt lở ta luy.

Mưa dông ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có thể kéo dài đến ngày 2-3/10

Ngày 30/9, ở khu vực Nam đồng bằng, ven biển Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to. Lượng mưa tính từ 19h ngày 29/9 đến 08h ngày 30/9 có nơi trên 100mm như: Cửa Ông (Quảng Ninh) 132.9mm, Mai Lâm (Thanh Hóa) 146.6mm, Nông Trường 15 (Nghệ An) 314.2mm…

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo: Ngày và đêm 30/9, ở khu vực trung du, đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, cục bộ có mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 40-70mm, có nơi trên 120mm; riêng khu vực Thanh Hóa lượng mưa từ 60-120mm, có nơi trên 150mm.

Ngày và đêm 1/10, ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông với lượng mưa phổ biến 20-50mm, có nơi 70mm.

Ngày và đêm 30/9, các khu vực khác ở Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, phía Nam Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 70mm.

Khu vực Hà Nội: Từ ngày 30/9 đến ngày 1/10, có lúc có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to.

Cảnh báo: Mưa dông ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 2-3/10. Mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày tới.

Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1.

Khắc phục hậu quả do bão số 4

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, hệ thống điện lưới cơ bản đã được các địa phương khắc phục, riêng tỉnh Quảng Nam vẫn còn 126 xã, phường bị mất điện.

Hệ thống giao thông các trục chính đã cơ bản thông suốt.

Phần lớn học sinh đã quay trở lại trường học bình thường từ 28/9 trừ một số xã khu vực miền núi tại Quảng Nam.