Lớp học di động đặc biệt cho trẻ em nghèo tại Philippines

Anh Thư
08:50 - 27/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Lớp học xe đẩy chính là biểu tượng của niềm tin và hi vọng đối các em nhỏ trong những gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

Lớp học di động đặc biệt cho trẻ em nghèo tại Philippines - Ảnh 1.

Efren Penaflorida được vinh danh là "Anh hùng của năm" của CNN vào năm 2009. Giải thưởng nhằm tôn vinh những cá nhân có những đóng góp phi thường để giúp đỡ mọi người. Ảnh: CNN

Tại Phillipines, học sinh tiểu học và trung học đều được Chính phủ trợ cấp học phí. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình, một số cha mẹ không thể chi trả các khoản phí liên quan như đồng phục, sách giáo khoa, hay đồ dùng học tập, nên không phải em nhỏ nào cũng có điều kiện để đến trường.

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại thành phố Cavite, Philippines, anh Efren Penaflorida từng phải vô cùng chật vật xoay sở để được đến trường, trong khi xung quanh anh có rất nhiều bạn đồng trang lứa không được đi học và bị lôi kéo vào các băng nhóm tệ nạn. Chính khoảng thời gian này đã giúp anh hiểu được giá trị của việc được cắp sách đến trường, và có thêm quyết tâm để sau này trở thành một giáo viên. 

Thế nhưng, một câu hỏi khiến anh luôn trăn trở: Với những em nhỏ không có điều kiện đi học thì làm sao có thể mang kiến thức đến cho các em?. Chính vì vậy, năm 1997, khi mới 16 tuổi, Efren quyết định tạm gác lại giấc mơ trở thành giáo viên tại một trường học ở Philippines và cùng các bạn mình thành lập tổ chức từ thiện có tên gọi là "Công ty thiếu niên năng động". Công ty này đặt mục tiêu mở các lớp học di động, tới dạy cho những em nhỏ sống trong các khu ổ chuột. Mỗi lớp học là một chiếc xe đẩy chứa sách vở, bút, phấn, bảng, đưa con chữ đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, thất học.

Ban đầu, hoạt động của nhóm gặp rất nhiều khó khăn, bởi ở những nơi mà người dân luôn bận rộn kiếm sống, nơi mà những đứa trẻ sẽ chọn tham gia vào các băng nhóm thay vì đi học, không mấy ai hào hứng chào đón lớp học trên xe đẩy này. Không những vậy, anh Efren chia sẻ, tại Philippines, chiếc xe đẩy là biểu tượng của nghèo đói, nên rất nhiều người đã coi thường và mỉa mai những gì anh đang làm. Những điều đó cũng khiến cho anh và các bạn mình đôi khi thấy nản lòng, nhưng tình thương và mong muốn mang đến cơ hội học tập cho những em nhỏ thiệt thòi đã giúp họ kiên trì với chương trình.

Dần dần, theo thời gian, nhóm phát hiện ra rằng, các em nhỏ thực sự thích được học, chỉ là do hoàn cảnh khó khăn nên không thể đến trường mà thôi. Anh Efren chia sẻ: "Mỗi khi thấy lớp học xe đẩy, các bạn nhỏ luôn chạy đến vây quanh tôi. Lớp học xe đẩy chính là biểu tượng của niềm tin và hi vọng đối các em nhỏ và gia đình. Tôi tin rằng, giáo dục là một công cụ hữu hiệu để thay đổi cuộc sống của mỗi con người, và để thay đổi cả thế giới".

Lớp học di động đặc biệt cho trẻ em nghèo tại Philippines - Ảnh 2.

Mỗi lớp học di động chính là một chiếc xe đẩy chứa sách vở, bút, phấn, bảng, đưa con chữ đến với những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: CNN

Lớp học di động của anh Efren thường được tổ chức ở những vị trí vô cùng "đặc biệt", như các bãi rác của thành phố, các khoảng sân rộng, và thậm chí là nghĩa trang, miễn là nơi đó có đủ khoảng trống để các em ngồi học.

Lớp học không chỉ dạy cho các em cách đọc, cách làm toán, học tiếng Anh, mà còn dạy các em cách giữ gìn vệ sinh cá nhân. Trong suốt quãng thời gian gần 20 năm gắn bó với các lớp học di động, anh Efren đã gieo chữ cho hàng nghìn trẻ em lang thang hè phố, trong đó có cả những em đã bỏ học, tham gia vào các nhóm "đầu gấu", thậm chí có cả những em nghiện ma tuý. Nhờ có chiếc xe lớp học, nhiều em đã được học, dần rời xa các băng nhóm tệ nạn, góp phần làm cho xã hội trở nên tốt đẹp hơn. 

Lớp học di động của Efren thường được tổ chức ở những vị trí vô cùng "đặc biệt", như các bãi rác của thành phố, các khoảng sân rộng, và thậm chí là nghĩa trang, miễn là nơi đó có đủ khoảng trống để các em ngồi học.

Em Jeriemay, 17 tuổi, hiện vừa theo học vừa làm tình nguyện tại "Công ty thiến niên năng động", chia sẻ: "Trước đây, cuộc sống của em rất khó khăn. Có khoảng thời gian em thậm chí đã tham gia vào các băng nhóm tội phạm. Nhưng giờ đây, lớp học di động này đối với em không chỉ là trường học mà còn là một gia đình thực sự". 

Năm 2011, Bộ Giáo dục Philippines (DepEd) đã thông qua ý tưởng đưa Lớp học di động vào một phần của Chương trình "Hệ thống học tập thay thế" (ALS) để triển khai trên toàn quốc. Đây là một hệ thống học tập song song với chương trình chính thức, dành riêng cho những người có hoàn cảnh đặc biệt tại quốc gia này. Sau chương trình học bổ trợ kéo dài 6 tháng tại Công ty thiếu niên năng động, các em sẽ được chuyển đến trường đối tác thuộc chương trình của Bộ giáo dục Philippines để tiếp tục hoàn thành chương trình học chính.

Từ những lớp học xe đẩy thô sơ cho trẻ nhỏ, Công ty thiếu niên năng động đã dần mở rộng quy mô bằng cách triển khai các chương trình cho cả học sinh trung học với DepEd, trong đó có Ecodemya - trường trung học phổ thông thân thiện với môi trường ở Halang, Cavite, hay các chương trình học nghề cho những em mong muốn được đi làm.

Với quyết tâm không để các em nhỏ phải đầu hàng hoàn cảnh, chịu đói nghèo, anh Efren cho biết vẫn sẽ tiếp tục công việc dạy học và gắn bó với "ngôi trường" đặc biệt của mình. Chính sự thành công của lớp học di động đã truyền cảm hứng cho nhiều quốc gia khác, đặc biệt là Indonesia, Kenya và Sri Lanka, để nhân rộng mô hình học tập đầy ý nghĩa, giàu tính nhân văn này.